A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ninh Bình - Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho xuất nhập khẩu hàng hóa

Phát huy vai trò quản lý nhà nước về công nghiệp và thương mại, Sở Công Thương Ninh Bình triển khai nhiều giải pháp tạo thuận lợi cho công tác xuất nhập khẩu.

Những biến động chính trị và xung đột quân sự trên thị trường thế giới đã và đang tạo áp lực lên hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước nói chung và tỉnh Ninh Bình nói riêng. Sở Công Thương Ninh Bình đã có nhiều giải pháp kịp thời.

Nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho xuất nhập khẩu

Trước những khó khăn của thị trường, thời gian qua, Sở Công Thương tỉnh Ninh Bình đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp linh hoạt, sáng tạo phù hợp với tình hình thực tế, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc để doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh.

Trong đó chú trọng xây dựng và triển khai Kế hoạch phát triển thương mại điện tử; hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn đăng ký chương trình bán hàng miễn phí trên các nền tảng Thương mại điện tử Việt Nam như Sendo, Tiki, Lazada...; hỗ trợ tham gia chương trình xúc tiến bán hàng trên các nền tảng thương mại điện tử…

Nhờ các giải pháp kể trên cùng sự nỗ lực của doanh nghiệp, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa vẫn đạt được kết quả tương đối khả quan. Theo báo cáo của UBND tỉnh Ninh Bình, giá trị xuất khẩu tháng 8 ước đạt 296,6 triệu USD, tăng 16,3% so với cùng tháng năm 2021. Tổng giá trị xuất khẩu 8 tháng trên địa bàn tỉnh ước đạt gần 2.143,8 triệu USD, tăng 20,6% so với cùng kỳ năm trước.

Trong 8 tháng đầu năm nay, một số mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của tỉnh tăng khá như: dứa, dưa chuột đóng hộp 12,1 nghìn tấn, tăng 89,7%; nước dứa cô đặc 1,4 nghìn tấn, tăng 88,4%; quần áo các loại 62,7 triệu chiếc, tăng 45,2%; thảm cói 116,2 nghìn m2 , gấp 9,4 lần; hàng thêu ren 173 nghìn chiếc, tăng 51,6%; giày, dép các loại 54,9 triệu đôi, tăng 43,4%; camera và linh kiện 229 triệu sản phẩm, tăng 35,3%; phôi nhôm 15,3 nghìn tấn, gấp 2 lần; đồ chơi trẻ em 7,9 triệu con, tăng 27,2%...

Trong khi đó, tổng kim ngạch nhập khẩu trong tháng 8 đạt 326,4 triệu USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ; lũy kế 8 tháng năm 2022 đạt trên 2.288,2 triệu USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ. Trong đó, tập trung vào các nhóm mặt hàng như: linh kiện điện tử, linh kiện phụ tùng ô tô, phụ liệu sản xuất giày dép, vải và phụ liệu may mặc, ô tô…

Theo Sở Công Thương Ninh Bình, từ đầu năm đến nay, không riêng xuất khẩu mà các ngành kinh tế khác cũng gặp nhiều bất lợi do biến động vật tư, vận chuyển, cân đối chi phí đầu vào và giá thành sản phẩm. Tuy nhiên, với mức tăng trưởng trên 20% so với cùng kỳ năm trước, một số mặt hàng chủ lực đã có giá trị xuất khẩu lớn như: quần áo các loại đạt 296,3 triệu USD; xi măng và clanke đạt 334,3 triệu USD; giày, dép các loại đạt 593,8 triệu USD; camera và linh kiện điện thoại 597,1 triệu USD; linh kiện điện tử 62,1 triệu USD; phôi nhôm 49,1 triệu USD... Điều này cho thấy tính tự chủ trong sản xuất, thích ứng, nắm bắt thị trường của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp trong tỉnh đã nỗ lực khai thác lợi thế sản xuất các mặt hàng truyền thống, mở rộng thêm một số bạn hàng mới.

Để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn, Sở Công Thương cũng đã tổ chức nhiều cuộc kết nối giao thương trong nước và quốc tế, qua đó giúp các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ có nhiều cơ hội xúc tiến đầu tư với thị trường lớn và tiềm năng, để từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, nhanh chóng phục hồi sau dịch bệnh cũng như đa dạng chuỗi cung ứng nguyên, vật liệu cho sản xuất trong nước.

Các hoạt động xúc tiến thương mại quốc tế cũng đã có nhiều đổi mới theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin, tạo cơ hội giá trị để các doanh nghiệp chia sẻ, xác định hướng đi và biện pháp thâm nhập, phát triển hiệu quả vào các thị trường xuất, nhập khẩu mục tiêu. Từ đó, doanh nghiệp cải thiện nội lực, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế, vững vàng vượt qua khó khăn do các yếu tố ngoại cảnh tác động, góp phần đẩy nhanh sự phục hồi và phát triển kinh tế cũng như sự phát triển bền vững của xuất khẩu Ninh Bình.

Ninh Bình  - Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho xuất nhập khẩu hàng hóa

Các doanh nghiệp trong khu công nghiệp phấn đấu hoàn thành kế hoạch năm

Tiếp tục tạo thuận lợi cho doanh nghiệp

Theo dự báo tình hình kinh tế - xã hội những tháng cuối năm tiếp tục tiềm ẩn những yếu tố bất lợi. Do vậy, để đạt được các chỉ tiêu về tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2022, UBND tỉnh đã yêu cầu Sở Công Thương tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp về thông tin thị trường,xúc tiến xuất khẩu.

Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương để tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA đã ký kết và thông qua các chuỗi giá trị toàn cầu để tìm kiếm thị trường mới.

Ngoài ra, với chức năng là cơ quan quản lý Nhà nước về xuất khẩu, Sở Công Thương có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan liên quan, theo dõi sát những biến động của tình hình quốc tế, chủ động đánh giá các tác động của các sự kiện đó đến sản xuất, xuất nhập khẩu trong nước để kịp thời có sự điều chỉnh, ứng phó thích hợp, tăng cường công tác thông tin, hỗ trợ cho các hiệp hội, doanh nghiệp.

Tỉnh Ninh Bình đang tích cực triển khai Đề án thương mại điện tử; kế hoạch phát triển xuất khẩu giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình để mở rộng thị trường, xây dựng thương hiệu và quảng bá thương hiệu, sản phẩm của các doanh nghiệp trong tỉnh ra thị trường trong và ngoài nước.

Hướng dẫn các doanh nghiệp đã đăng ký chương trình thương mại điện tử địa phương năm 2021 xây dựng đề án xây dựng website và tham gia sàn giao dịch toàn cầu. Hoàn thiện hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, hạ tầng logistics trên địa bàn tỉnh thu hút các dự án phát triển sản xuất phục vụ xuất khẩu.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Tìm kiếm

Tìm kiếm