Cận cảnh thi công dự án sân bay tỷ đô lớn nhất Việt Nam
Chính phủ đặt mục tiêu Dự án sân bay Long Thành (Đồng Nai) đón chuyến bay đầu tiên vào ngày 2/9/2025. Đây là dự án quan trọng đặc biệt cấp quốc gia, được kỳ vọng trở thành một điểm trung chuyển hàng không quốc tế và khu vực trong tương lai.
Dự án xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư trên 100.000 tỷ đồng (tương đương gần 4,7 tỷ USD), với 1 đường cất/hạ cánh, nhà ga hành khách quy mô 25 triệu khách/năm; đưa vào khai thác cuối năm 2025.
Tổng mức đầu tư toàn dự án khoảng 300.000 tỷ đồng (tương đương hơn 16 tỷ USD), khi hoàn thành cả 3 giai đoạn, sân bay Long Thành có công suất 100 triệu khách/năm.
Nằm ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, sân bay Long Thành nằm trong quy hoạch của huyện Long Thành - tỉnh Đồng Nai để trở thành khu đô thị tầm cỡ, với trung tâm là khu vực cảng hàng không, sân bay.
Theo ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), thành phố sân bay là mô hình đô thị đặc biệt lấy dịch vụ vận chuyển hàng không làm trung tâm để hình thành và phát triển các trung tâm công nghiệp, dịch vụ thương mại, logistics, hội nghị, văn phòng, cơ sở y tế, nhà hàng, khách sạn, vui chơi giải trí, hệ thống giao thông…
Quy hoạch sân bay Long Thành hoàn toàn có đủ diện tích đất cần thiết cho thời điểm hiện tại và trong tương lai để phát triển thành một trung tâm hàng không hiện đại, phát triển các dịch vụ hàng không, phi hàng không đầy đủ, đa dạng, phong phú, đặc biệt là phát triển mô hình thành phố sân bay.
Trong quy hoạch xây dựng vùng huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai đến năm 2040 và tầm nhìn đến năm 2050, khu vực xung quanh sân bay Long Thành sẽ hình thành 3 đô thị lớn, gồm: Long Thành, Bình Sơn, Phước Thái.
Trong tương lai, huyện Long Thành hướng đến xây dựng thành vùng đô thị trung tâm, là cực Đông của TPHCM, cửa ngõ giao thương của 3 vùng kinh tế, đầu mối giao thương quốc tế với các thế mạnh phát triển công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, đô thị, dịch vụ thương mại.
Dựa trên định hướng phát triển, huyện Long Thành quy hoạch quỹ đất cho từng khu đô thị. Cụ thể, vùng đô thị Long Thành gồm thị trấn Long Thành, xã Tam An, một phần của các xã An Phước, Long Đức, Lộc An với quy mô gần 5.300 ha sẽ trở thành khu phức hợp công nghiệp, đô thị, dịch vụ.
Một tổ chức quốc tế ở Úc đánh giá, trong tương lai sân bay Long Thành này có thể đóng góp cho tăng trưởng GDP từ 3-5%.
Ngoài 3 khu đô thị trên, huyện Long Thành quy hoạch thêm 2 vùng khác để khai thác hết các tiềm năng, lợi thế từ sân bay mang lại. Trong đó, quy hoạch khu vực chức năng đặc thù cho sân bay với diện tích khoảng 9.260 ha thuộc xã Cẩm Đường, một phần các xã Bình Sơn, Bàu Cạn, Long Phước, Long An.
Cảng Hàng không quốc tế Long Thành được xây dựng theo tiêu chuẩn 4F - mức cao nhất trong tiêu chuẩn của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO).
"Dự án sân bay quốc tế Long Thành đang gấp rút triển khai để có thể đưa vào khai thác vào tháng 9/2025. Do đó, tỉnh mong các doanh nghiệp tập trung đầu tư các dự án trên nhiều lĩnh vực từ bây giờ để khi sân bay đưa vào khai thác sẽ có các dịch vụ đi kèm”, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng nói.
Trên công trường dự án, máy móc được huy động lớn, hoạt động thi công diễn ra liên tục và khẩn trương.
Mới đây, thiết kế nhà ga hành khách sân bay Long Thành sẽ có điều chỉnh một số nội dung trong hồ sơ thiết kế kỹ thuật so với hồ sơ thiết kế cơ sở đã được duyệt. Nội dung này đã được Cục Hàng không Việt Nam cho ý kiến vẫn nằm trong phạm vi cho phép và không ảnh hưởng đến tĩnh không.
Cảng Hàng không quốc tế Long Thành được xây dựng với mục tiêu là cảng hàng không quốc tế cấp 4F, có diện tích 5.000 ha.
Đây là dự án hạ tầng có tổng mức đầu tư lớn nhất từ trước tới nay, ACV được Chính phủ chỉ định thực hiện dự án, trực tiếp đầu tư bằng vốn của doanh nghiệp các công trình thiết yếu của cảng hàng không.
Sân bay Long Thành được xây dựng tại Đồng Nai là một trong những địa phương có nền sản xuất công nghiệp phát triển nhất của Việt Nam với rất nhiều khu công nghiệp.
Về vị trí, từ sân bay Long Thành đến TP.HCM chỉ mất khoảng 40 phút. Đây là một điểm vô cùng thuận lợi của sân bay Long Thành. Do đó, nếu có quy hoạch xây dựng tốt cho khu vực phụ cận sân bay Long Thành sẽ mang lại hiệu quả kinh tế rất lớn.
Một lợi thế khác của sân bay Long Thành chính là việc nằm gần với hệ thống cảng biển nước sâu lớn của cả nước là Cái Mép - Thị Vải. Bên cạnh đó, hệ thống cảng biển của Đồng Nai khá tốt nên sẽ cộng hưởng được sự phát triển về kinh tế.