A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

NHNN: Phấn đấu giảm lãi suất cho vay, gỡ khó cho bất động sản

NHNN cho biết sẽ điều hành phù hợp với diễn biến thị trường, nếu điều kiện cho phép sẽ cố gắng giảm lãi suất cho vay, không chỉ cho bất động sản mà cả các lĩnh vực khác.

Kiến nghị gỡ vướng cho thị trường bất động sản

Ngày 8/2, Ngân hàng Nhà nước tổ chức Hội nghị về công tác tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản. Từ nửa cuối năm 2022, thị trường bất động sản gần như rơi vào cảnh đóng băng giao dịch, nhiều dự án gặp khó trong việc triển khai xây dựng tiếp.

Nhiều kiến nghị, đề xuất đã được các doanh nghiệp đưa ra. Trong đó, nhiều doanh nghiệp bất động sản mong muốn được cơ cấu nợ, không chuyển nhóm nợ. Bởi vì nếu doanh nghiệp chậm thanh toán thì sẽ bị chuyển sang nhóm nợ quá hạn, đồng nghĩa với khả năng tiếp cận vốn bị hạn chế hơn. Ngoài ra, còn nhiều đề xuất như nới hạn mức tín dụng bất động sản hay giảm lãi suất cho vay, để doanh nghiệp dễ tiếp cận vốn hơn.

Các doanh nghiệp nhìn nhận khó khăn hiện nay mang tính hệ thống khi thị trường chứng khoán sụt giảm, thị trường trái phiếu thay đổi, khiến các kênh vốn bị thu hẹp. Doanh nghiệp kiến nghị được nới lỏng các điều kiện tiếp cận vốn vay ngân hàng.

NHNN: Phấn đấu giảm lãi suất cho vay, gỡ khó cho bất động sản - Ảnh 1.

 

"Đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét cho các tập đoàn bất động sản được tái cấu trúc nợ, giãn nợ trong vòng 24 - 36 tháng", bà Đỗ Thị Phương Lan, Phụ trách tái cấu trúc Tập đoàn Novaland, nêu đề xuất.

"Phía các ngân hàng và các bộ, ngành xem xét nới lỏng. Thứ hai là cơ cấu lại nhóm nợ", ông Lê Trọng Khương, Phó Chủ tịch Tập đoàn Hưng Thịnh Land, nêu ý kiến.

"Hiện nay lãi suất vay đang có xu hướng tăng (trên dưới 13%/năm), nhưng khoản vay đó chúng tôi chịu được. Vấn đề quan trọng là phải tiếp cận được khoản vay, nhất là đối với trường hợp đã lỡ bị nhảy nhóm nợ qua nhóm nợ xấu", ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh, nhận định.

Một số ý kiến khác doanh nghiệp cho rằng, các ngân hàng cần tạo điều kiện cho vay đối với các dự án có đầy đủ pháp lý, mang tính trọng điểm, tránh tình trạng cào bằng; đồng thời có biện pháp giảm dần lãi suất để hỗ trợ khả năng tài chính cho người dân và chủ đầu tư.

Tín dụng bất động sản tăng trưởng trên 24%

Trước kiến nghị của doanh nghiệp, trong cuộc họp sáng 8/2, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đã khẳng định không có chỉ đạo siết tín dụng vào lĩnh vực bất động sản, mà là kiểm soát chặt chẽ rủi ro ở một số phân khúc có tỷ lệ rủi ro cao trong bất động sản, doanh nghiệp có tính chất đầu cơ, có thể gây ra tình trạng bong bóng hay đóng băng thị trường bất động sản.

Cụ thể, tín dụng bất động sản đã tăng trưởng cao trong năm 2022, trên 24,2%. Đến cuối 2022, Dư nợ cho vay đạt 2,58 triệu tỷ đồng, chiến tỷ trọng cao nhất trong 5 năm qua.

Tỷ lệ nợ xấu là 1,81%, tăng so với mức 1,67% của năm 2021, do đó cần kiểm soát để đảm bảo an toàn hệ thống. Còn đối với những phân khúc bất động sản ít rủi ro, như bất động sản khu công nghiệp phục vụ mặt bằng cho doanh nghiệp sản xuất, hay dự án phục vụ nhu cầu mua nhà thật đều được các ngân hàng cho biết sẽ cấp vốn như những lĩnh vực khác.

Ngân hàng không siết vốn bất động sản

"Tùy từng lĩnh vực mà điều kiện cấp tín dụng sẽ có mức độ khác nhau. Đối với những lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp, khu chế xuất, chúng tôi sẽ có chính sách ưu đãi hơn. Đối với lĩnh vực dư cung, ví dụ như nhà cao cấp, biệt thự biển, biệt thự giá trị lớn, đây là lĩnh vực chúng tôi sẽ thận trọng hơn", ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Vietcombank, cho biết.

"Mặc dù các ngân hàng rất khuyến khích, nhưng lượng người mua nhà khá thấp, đang dò tìm đáy. Như vậy, nhu cầu vay tín dụng trong dịp đầu năm đang khá thấp. Nguồn thu và dòng tiền thu được từ việc bán bất động sản đang chững lại. Do đó có biện pháp cho họ cơ cấu lại nợ, gia hạn thêm cho có thời hạn nhất định thì đó cũng là hỗ trợ cần thiết trong gian đoạn này", ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank, thông tin.

Ghi nhận các đề xuất của doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước khẳng định đang thời điểm đầu năm nên không thiếu hạn mức cho vay; lựa chọn cho vay, chính sách tiền tệ linh hoạt, hoàn thiện khung pháp lý để tạo điều kiện tiếp cận vốn tín dụng thuận lợi, trong đó có vốn cho bất động sản.

NHNN: Phấn đấu giảm lãi suất cho vay, gỡ khó cho bất động sản - Ảnh 2.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: VGP)

"Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đang rất quan tâm tới việc hướng bất động sản vào dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở giá rẻ. Mong rằng các doanh nghiệp tích cực tham gia triển khai. Về phía ngân hàng, chúng tôi cũng có giải pháp để khuyến khích các tổ chức tín dụng tham gia vào những lĩnh vực này", Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nhận định.

Riêng với đề xuất giảm lãi suất cho vay, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ điều hành phù hợp với diễn biến thị trường, nhưng khẳng định nếu điều kiện cho phép sẽ cố gắng giảm, không chỉ cho bất động sản mà cả các lĩnh vực khác.

Tháo gỡ vướng mắc để tăng nguồn cung nhà ở xã hội

Ngân hàng vẫn chủ trương đáp ứng nhu cầu mua nhà ở thực. Dư nợ cho nhà ở thực chiếm tới 62% dư nợ. Tuy nhiên, tỷ trọng cho vay nhà ở xã hội mới chỉ 0,7%. Trong khi đây là lĩnh vực được khuyến khích dành cho người thu nhập trung bình và thấp. Nguyên nhân một phần là do thị trường đang "khát" nguồn cung, không có nhiều dự án được triển khai, do đó cần có những giải pháp hỗ trợ cho phân khúc này.

Gần 3 năm nay, Hà Nội gần như không có một dự án nhà ở xã hội mới nào được mở bán, vì một số dự án dù có quỹ đất, nhưng vẫn vướng thủ tục pháp lý. Các doanh nghiệp kỳ vọng năm 2023, những khó khăn về mặt pháp lý sẽ được tháo gỡ để tăng nguồn cung cho thị trường và tạo điều kiện cho người thu nhập thấp có thể mua được nhà ở, với giá từ 1 - 1,5 tỷ đồng/căn.

Giống nhiều gia đình trẻ khác, anh Phúc (thành phố Hà Nội) đã tìm kiếm, chờ đợi mua 1 căn hộ tại dự án nhà ở xã hội vài năm nay. Anh nghe nói năm nay sẽ có dự án được mở bán, nhưng anh lại lo ngại, lãi suất ngân hàng cho vay mua nhà với mức khoảng trên 10%/năm, khiến gia đình anh không thể trang trải được.

"Mức thu nhập khoảng 10 triệu đồng, không phải đóng thuế thì mới được mua nhà ở xã hội. Với mức lãi vay của ngân hàng hiện nay, những người như chúng tôi không thể trả lãi được hàng tháng. Rất mong cơ quan chức năng có gói vay như gói 30.000 tỷ để chúng tôi có cơ hội mua nhà tại Hà Nội", anh Lê Anh Phúc, thành phố Hà Nội, chia sẻ.

Gói vay ưu đãi 30.000 tỷ đồng đã được được đưa ra cách đây 10 năm, tạo điều kiện cho nhiều người thu nhập trung bình và thấp mua được nhà với lãi suất chỉ từ 5 - 6%/năm. Còn đối với các doanh nghiệp đang chuẩn bị triển khai dự án nhà ở xã hội, họ chỉ mong lãi suất ở mức hợp lý, chưa nghĩ tới gói vay ưu đãi nào.

"Chúng tôi mong muốn lãi suất các ngân hàng cho vay như mốc năm 2021, trung bình chỉ 10%. Tiếp theo nữa là thủ tục đầu tư, 1 dự án nhà ở xã hội, riêng thủ tục từ 2 - 3 năm", ông Nguyễn Anh Quê, Chủ tịch Tập đoàn G6 Group, cho biết.

Vào giữa năm 2022, hàng loạt doanh nghiệp lớn nhỏ đã đăng ký thực hiện triển khai xây nhà ở xã hội, nhưng tới nay, rất ít dự án được khởi công xây dựng.

"Nếu không có các sản phẩm này thị trường sẽ khó có giao dịch. Các chính sách phải kỹ lưỡng, tạo điều kiện thì nhiệt huyết tham gia của doanh nghiệp mới trở thành hiện thực", ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nhận định.

Mặc dù các ngân hàng cho biết, không siết cho vay với bất động sản, nhưng mặt bằng lãi suất cho vay đang ở mức cao, cộng với vướng mắc từ thủ tục pháp lý vẫn đang là rào cản đối với các dự án nhà ở xã hội.

Ngay trong cuộc họp sáng 8/2, đại diện Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh cũng đã nhấn mạnh, ngoài vấn đề về tiếp cận vốn vay ngân hàng, 70% khó khăn vướng mắc của thị trường bất động sản hiện nay tập trung chủ yếu ở các vấn đề về thủ tục pháp lý. Vì vậy, hiệp hội và các doanh nghiệp đề xuất Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành liên quan cần có giải pháp đồng bộ tháo gỡ.

Gỡ khó cho thị trường bất động sản cũng là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để góp phần khơi thông các thị trường khác như trái phiếu doanh nghiệp. Bởi vốn ngân hàng cơ bản là nguồn vốn ngắn hạn, còn bất động sản là vốn dài hạn, nên cần các giải pháp đồng bộ để thị trường phát triển bền vững.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Tìm kiếm

Tìm kiếm