A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Áp lực từ lá phiếu tín nhiệm: Tạo động lực để cán bộ phấn đấu

“Việc lấy phiếu tín nhiệm có thể sẽ tạo ra những áp lực, nhưng áp lực ở đây là tích cực, trở thành động lực để cán bộ “tự soi, tự sửa”, giúp họ tiếp tục nỗ lực phấn đấu, rèn luyện trong công tác, hoàn thiện bản thân hơn”, TS Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ trao đổi với Tiền Phong.

Cụ thể hóa nhiều tiêu chí

Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định về lấy phiếu tín nhiệm với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị (Quy định 96). Theo ông, quy định lần này có những điểm gì mới so với trước đây?

Có thể nói, Quy định 96 vừa được ban hành đã kế thừa Quy định 262, năm 2014. Bên cạnh đó, quy định lần này có nhiều điểm mới, được cụ thể hoá hơn, với các quy định mạnh hơn. Chẳng hạn về phạm vi đối tượng được xác định rõ hơn, bao gồm tất cả các cán bộ lãnh đạo trong hệ thống chính trị từ trung ương đến cấp có đơn vị trực thuộc; đồng thời, mục đích của việc lấy phiếu tín nhiệm để thực hiện đánh giá cán bộ và thực hiện các chính sách với cán bộ, từ vấn đề quy hoạch, luân chuyển, bồi dưỡng, đào tạo cho đến điều chuyển, đề bạt… chứ không chỉ đơn thuần mang tính chất “tham khảo”.

Áp lực từ lá phiếu tín nhiệm: Tạo động lực để cán bộ phấn đấu - Ảnh 1.

TS. Nguyễn Tiến Dĩnh nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ

Điểm mới khác là tiêu chí lần này đã được cụ thể hoá hơn. Quy định 262 trước đây chỉ đề cập phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, năng lực thực tiễn. Nhưng quy định lần này đã đề cập rõ hơn, tức là quy định rõ kết quả lãnh đạo, quản lý của người cán bộ được lấy phiếu tín nhiệm. Như vậy, quy định lần này đã cụ thể hoá hơn, dễ thực hiện hơn. Hay quy định về trách nhiệm của người đứng đầu trong phòng chống tham nhũng ở các đơn vị cũng là vấn đề được đặt ra; rồi sự gương mẫu của bản thân và vợ, chồng, con cũng được xem là tiêu chí đánh giá…

"Nếu làm thường xuyên, coi đây là kênh tích cực thì việc lấy phiếu tín nhiệm là việc hết sức bình thường cần làm và phải làm tốt hơn".

TS. Nguyễn Tiến Dĩnh Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ

Điểm mới đáng chú ý trong quy định lần này, đã cụ thể và chặt chẽ hơn về việc sử dụng kết quả lấy phiếu tín nhiệm. Cụ thể là, người có trên 1/2 nhưng dưới 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp sẽ bị đưa ra khỏi quy hoạch chức vụ cao hơn; xem xét cho thôi giữ các chức vụ đang đảm nhiệm, bố trí công tác khác hoặc cho từ chức; hoặc sẽ bỏ phiếu tín nhiệm. Còn theo quy định cũ, người có trên 1/2 phiếu tín nhiệm thấp chỉ bị xem xét đưa ra khỏi danh sách quy hoạch chức vụ cao hơn.

Việc lấy phiếu tín nhiệm một mặt tạo ra những áp lực cho người được lấy phiếu, mặt khác cũng trở thành động lực, giúp họ hoàn thiện bản thân hơn ông nghĩ sao về việc này?

Đúng như vậy. Việc lấy phiếu có thể sẽ tạo ra những áp lực, nhưng áp lực ở đây là tích cực, trở thành động lực để cán bộ phấn đấu tốt hơn, giúp mỗi người trong diện được lấy phiếu tín nhiệm “tự soi, tự sửa”; đồng thời giúp họ tiếp tục phấn đấu, rèn luyện trong công tác, hoàn thiện bản thân mình hơn. Bên cạnh đó giúp người cán bộ lãnh đạo quản lý giữ mình tốt hơn về phẩm chất đạo đức, cũng như nâng cao năng lực trong lãnh đạo, quản lý, điều hành, để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Áp lực từ lá phiếu tín nhiệm: Tạo động lực để cán bộ phấn đấu - Ảnh 3.

Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn vào năm 2018

Như vậy, áp lực ở đây không phải là tiêu cực mà là tích cực, giúp thúc đẩy và làm cho từng cán bộ được lấy phiếu hoàn thiện bản thân hơn, qua đó từng cơ quan đơn vị sẽ tốt hơn, từ đó sẽ làm cho xã hội và đất nước tốt hơn.

Thông tin với người bỏ phiếu rất quan trọng

Theo ông, việc cung cấp thông tin cho đại biểu (người bỏ phiếu) cần được coi trọng như thế nào để họ có đầy đủ thông tin, cơ sở đánh giá một cách khách quan, công tâm, chuẩn xác với từng người được lấy phiếu?

Rõ ràng việc cung cấp và thu thập thông tin với người bỏ phiếu là vấn đề rất quan trọng. Trong quy định mới này, Bộ Chính trị nhấn mạnh đến việc nâng cao vai trò của người ghi phiếu. Muốn vậy, vấn đề cung cấp, thu thập thông tin cần coi trọng. Trước tiên, người trong diện được lấy phiếu phải cung cấp đầy đủ thông tin, như vậy sẽ phát huy tốt hơn vai trò, trách nhiệm của người bỏ phiếu. Bên cạnh đó, có nhiều kênh thông tin ở từng cấp độ khác nhau.

Chẳng hạn với cấp cơ sở thì cán bộ công chức tham gia bỏ phiếu phải quan tâm, giám sát hoạt động của cán bộ lãnh đạo quản lý ở chính đơn vị mình. Rồi cấp trên cũng phải có những nhận xét, đánh giá về kết quả lãnh đạo quản lý, đồng thời có sự phân loại, để làm cơ sở cho việc đánh giá tín nhiệm. Ngoài ra, người bỏ phiếu có thể căn cứ vào nhiều kênh thông tin khác từ sự giám sát của dư luận xã hội, trên báo chí, của đảng viên nơi sinh sống...

Vào kỳ họp cuối năm này, Quốc hội sẽ lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn. Với Quy định 96 này, Quốc hội có cần phải sửa đổi Nghị quyết về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm cho đảm bảo sự tương thích, đồng bộ, thưa ông?

Điều này là cần thiết và tất yếu, vì Đảng quy định lấy phiếu tín nhiệm với cả hệ thống chính trị, trong đó bao gồm cả Quốc hội. Trước kia việc lấy phiếu được căn cứ vào Quy định 262, còn giờ Quy định 96 đã thay thế, được cụ thể hoá với nhiều điểm mới, mục đích yêu cầu đã khác đi, nên Nghị quyết của Quốc hội cũng cần thiết phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quy định của Đảng.

Cảm ơn ông !


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Tìm kiếm

Tìm kiếm