Đồng hành cùng nông dân phát triển sản xuất
Bám sát thực tiễn của địa phương và nhu cầu của người sản xuất, những năm qua, hệ thống khuyến nông tỉnh Hậu Giang đã góp phần quan trọng giúp người dân nâng cao nhận thức, kiến thức về sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, hoạt động khuyến nông còn tạo điều kiện gia tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích canh tác, góp phần vào sự phát triển hiệu quả, bền vững của nông nghiệp Hậu Giang.
Tỉnh Hậu Giang nằm ở trung tâm tiểu vùng Tây sông Hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long, tiếp giáp thành phố Cần Thơ - đô thị trung tâm vùng. Toàn tỉnh hiện có khoảng 134.000 ha đất nông nghiệp, trong đó có khoảng 82.000 ha sản xuất lúa, hơn 30.000 ha trồng cây ăn ăn quả và 10.700 ha nuôi thủy sản. Hậu Giang có nhiều thuận lợi cho phát triển đa dạng nông sản nhiệt đới và bước đầu đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, tập trung, với nhiều loại nông sản có phẩm chất ngon, mang tính đặc sản của tỉnh như bưởi Năm Roi Phú Hữu, khóm Cầu Đúc, cam sành, xoài cát Hòa Lộc, quýt đường, cá thát lát… Đây là những tiền đề thuận lợi để triển khai, nhân rộng các mô hình khuyến nông, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Thực tế, với hoạt động khuyến nông, năng suất và chất lượng của các loại nông sản từng bước được nâng cao, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường.
Vận hành máy bay phun thuốc bảo vệ thực vật. (Ảnh: XT) |
Điểm nổi bật là Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Hậu Giang đã tập trung hỗ trợ đưa các loại thiết bị cơ giới vào phục vụ sản xuất nông nghiệp. Nhờ vậy, số lượng máy móc và tỷ lệ áp dụng cơ giới trong sản xuất trên địa bàn tỉnh không ngừng tăng qua các năm. Đến nay, nhiều tổ hợp tác dịch vụ mạ khay, cấy máy đã được thành lập nhờ sự hỗ trợ kỹ thuật, cầm tay chỉ việc của đội ngũ cán bộ khuyến nông. Đặc biệt, để thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông minh vào sản xuất nông nghiệp, Trung tâm đã thành lập Tổ vận hành máy bay phun thuốc bảo vệ thực vật. Đến nay, Tổ đã sử dụng máy bay phun thuốc phục vụ phun cho người dân trên diện tích hàng trăm ha. Máy bay phun thuốc không người lái được định vị qua vệ tinh, tự động phun kể cả trong đêm với năng suất phun 4 - 5 ha/giờ. Chị Nguyễn Thị Bé Tư ở xã Vĩnh Thuận Đông, huyện Long Mỹ (Hậu Giang) chia sẻ: “Sử dụng máy bay phun thuốc bảo vệ thực vật vừa giúp bảo vệ sức khỏe người sản xuất và môi trường, vừa nâng cao hiệu quả phòng trừ sâu bệnh trong sản xuất nông nghiệp, giảm chi phí sản xuất… Do đó, bà con rất hào hứng với phương pháp hiện đại này”.
Bên cạnh đó, nhiều mô hình khuyến nông hiệu quả đã được xây dựng và được nông dân tích cực nhân rộng trên địa bàn. Điển hình như mô hình sản xuất chanh không hạt theo tiêu chuẩn VietGAP gắn liên kết chuỗi nâng cao giá trị sản phẩm. Mô hình nuôi lươn trong bể theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm gắn kết với liên kết chuỗi nâng cao giá trị sản phẩm. Mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau, màu an toàn; chăn nuôi lợn an toàn sinh học gắn liên kết nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm.... Các mô hình có ý nghĩa thiết thực, được nông dân hưởng ứng, nhân rộng và áp dụng rộng rãi trong sản xuất, giải quyết được lao động nhàn rỗi, nâng cao thu nhập và đời sống nông dân, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Đặc biệt, để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật cho người dân ứng dụng vào sản xuất, kết nối tiêu thụ nông sản, Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Hậu Giang đã xây dựng và vận hành website "khuyennonghaugiang.com.vn", đến nay có trên 1 triệu lượt truy cập. Đồng thời, xây dựng website nongsanhaugiang.com.vn, vận hành cổng thông tin sàn giao dịch và truy xuất nguồn gốc nông sản để hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm nông sản. Trung tâm cũng hỗ trợ nông dân trong các câu lạc bộ, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung, liên kết để đủ điều kiện ký kết các hợp đồng bao tiêu với doanh nghiệp trong tình hình mới. Ngoài ra, còn giới thiệu, kết nối các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân, cung ứng các loại giống cây trồng chất lượng góp phần giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập và ổn định đầu ra sản phẩm cho bà con...
Nông dân tỉnh Hậu Giang đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. (Ảnh: CT) |
Bình quân hằng năm, hệ thống khuyến nông tỉnh Hậu Giang đã tư vấn cho hàng chục ngàn lượt lượt nông dân về kỹ thuật sản xuất các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản. Thông qua công tác tư vấn dịch vụ, đã tác động đến quy trình sản xuất của bà con nông dân như: Sử dụng các sản phẩm sinh học, hữu cơ, các men vi sinh, bao trái... thay cho việc sử dụng thuốc hóa học, từ đó góp phần giảm chi phí sản xuất. Từng bước hướng nông dân áp dụng quy trình sản xuất an toàn vệ sinh thực phẩm, quy trình sản xuất hữu cơ.
Theo đồng chí Võ Xuân Tân, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Hậu Giang, trên cơ sở đa dạng hóa các hình thức hướng dẫn, hỗ trợ của đội ngũ cán bộ khuyến nông, đến nay, toàn tỉnh đã có khoảng gần 288 nghìn mô hình sản xuất hiệu quả có thu nhập 50 - 100 triệu đồng/ha/năm. Trong đó, có hơn 93 nghìn mô hình có doanh thu trên 100 triệu đồng/ha/năm.
Để tiếp tục phát triển nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Hậu Giang sẽ tiếp tục tập trung xây dựng các mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất. Duy trì và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp tiên tiến gắn với hình thành “chuỗi liên kết” trong sản xuất, xây dựng tổ hợp tác, tổ liên kết. Đẩy mạnh xây dựng các mô hình sản xuất hữu cơ, nhất là đối với sản xuất lúa, rau quả và chăn nuôi. Nhân rộng mô hình mạ khay cấy máy, sử dụng máy bay không người lái; các mô hình tưới nước tiết kiệm cho cây ăn quả, mô hình trồng rau, quả trong nhà lưới, nhà kính. Xây dựng một số mô hình phát triển kinh tế trang trại nông nghiệp sinh thái, trải nghiệm gắn với phát triển du lịch,… Qua đó, vừa khẳng định rõ hơn vai trò của hệ thống khuyến nông các cấp, vừa góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập cho nông dân./.