Doanh nghiệp phân bón năm 2023: Doanh thu được dự báo tiếp tục ở mức cao
Báo cáo Chiến lược 2023 mới thực hiện của Công ty Cổ phần Chứng khoán Dầu khí (PSI) nhận định, giá ure dự báo giảm trong năm 2023 so với giá trung bình năm 2022 tuy nhiên vẫn có thể neo ở mức cao, giúp các doanh nghiệp ngành phân bón có thể tiếp tục được hưởng lợi.
Thời gian qua, nguồn cung khan hiếm do đứt gãy chuỗi cung ứng phân bón toàn cầu khiến giá phân bón tăng mạnh. Từ cuối năm 2021, Trung Quốc và Nga, 2 trong số 3 quốc gia xuất khẩu phân bón nhiều nhất thế giới ra quyết định tạm ngừng xuất khẩu phân bón để ổn định nguồn cung trong nước và kiểm soát lạm phát. Sản lượng sản xuất của Nga chiếm khoảng 30% tổng nguồn cung phân bón trên toàn thế giới. Đặc biệt, Nga cung cấp đến 70% nguồn khí đốt đầu vào để sản xuất phân bón tại châu Âu. Việc các lệnh trừng phạp áp đặt lên Nga trực tiếp khiến cho giá phân bón thế giới biến động mạnh. Giá phân bón hiện nay đã giảm hơn 50% so với những tháng đầu năm 2022 và tiếp tục có xu hướng giảm dần khiến cho giá phân bón thế giới năm 2023 được dự báo cũng sẽ hạ nhiệt.
Giá phân bón dự báo sẽ hạ nhiệt trong năm 2023 |
Đối với thị trường trong nước, giá phân bón liên tục tăng trong 2 năm qua và tiếp tục duy trì ở mức cao, là mức giá người nông dân khó chấp nhận khi mà giá lương thực thực phẩm tăng không tương xứng. Giá phân bón tăng mạnh làm cho nhu cầu tiêu thụ trong nước sụt giảm mạnh 20 – 30%, doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu.
Hiện tại, việc Trung Quốc và Nga dỡ bỏ lệnh cấm và cho phép xuất khẩu ure sẽ dẫn đến sản lượng ure toàn cầu tăng cao trong năm 2023 và dẫn đến việc giá ure có thể giảm trong năm 2023 so với giá trung bình năm 2022. Tình hình giá than và khí tự nhiên cũng đã được điều chỉnh đáng kể so với mức đỉnh. Giá ure ở nước ta có mối tương quan so với giá ure Trung Quốc hơn thế giới, do việc Trung Quốc sản xuất ure 94% từ than và chiếm hơn 30% sản lượng ure toàn cầu, do đó khi giá than giảm và việc sản xuất ure tăng cao sẽ tác động đến việc giảm giá ure trong năm 2023.
Tuy nhiên, giá khí tự nhiên tại châu Âu sẽ thiết lập mặt bằng giá mới trong giai đoạn 2023 – 2024 do chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng lớn để thay thế cho nguồn cung từ Nga. Điều này sẽ khiến nguồn cung phân bón trên toàn cầu sụt giảm do chi phí sản xuất phân bón ở châu Âu tăng lên, một số nhà máy phân bón sẽ cắt giảm sản lượng hoặc đóng cửa vĩnh viễn.
Trong tình hình đó, với các doanh nghiệp ngành phân bón, PSI nhận định, cả DPM của Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP (PVFCCo) và DCM của Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) đều có thương hiệu mạnh trên thị trường, do đó có tính cạnh tranh tốt, hiệu suất nhà máy hoạt động cao; Sản phẩm tạo ra luôn có tính cạnh tranh so với các thương hiệu phân ure trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, giá ure có thể tiếp tục neo ở mức cao so với lịch sử trong năm 2023, vì thế DPM và DCM có thể sẽ tiếp tục hưởng lợi và trả cổ tức bằng tiền ở mức cao hấp dẫn để mua vào.
Với kỳ vọng sản lượng tiêu thụ ure trong nước sẽ phục hồi năm 2023 do dự báo giá ure sẽ giảm 25% trong năm. Nhu cầu phân bón trong nước giảm 20 – 30% trong 9 tháng đầu năm 2022 do giá phân bón tăng cao. Vì vậy, việc sản lượng phục hồi sẽ giúp doanh thu các doanh nghiệp ngành phân bón được dự báo tiếp tục ở mức cao trong năm 2023.
Bên cạnh đó, cả DPM và DCM đều sở hữu nguồn lực tài chính dồi dào nhờ: Lợi nhuận đột biến trong 2 năm qua; Tiền, tương đương tiền, đầu tư tài chính ngắn hạn ở mức cao chiếm tỷ trọng lớn trên tổng tải sản; Khoản phải thu và hàng tồn kho được kiểm soát tốt, không có sự biến động bất thường; Nợ ngắn hạn và dài hạn ở mức thấp do chưa có dự án cần đầu tư.