Dấu ấn xanh ở MB – Nền tảng cho phát triển bền vững
ESG là cụm từ viết tắt bởi E-Environmental (Môi trường); S-Social (Xã hội) và G-Governance (Quản trị doanh nghiệp), đây là một bộ tiêu chuẩn để đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững và ảnh hưởng của doanh nghiệp đến cộng đồng.
Bộ tiêu chuẩn ESG nhằm đo lường hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp mà các nhà đầu tư có trách nhiệm với xã hội sử dụng để sàng lọc các khoản đầu tư tiềm năng.
Trong đó, chữ S và G đã được nhiều doanh nghiệp triển khai, đặc biệt là G – Quản trị doanh nghiệp. Không ít các lãnh đạo doanh nghiệp, nhất là các ngân hàng – nơi yêu cầu rất cao về quản trị rủi ro, cho biết chữ G gắn với họ trong suốt quá trình hoạt động, từ khi thành lập tới nay. Còn với chữ E thì không hẳn doanh nghiệp nào cũng chú trọng, bởi thực tế đầu tư cho bảo vệ môi trường là khoản rất tốn kém, lại không thể gặt hái được kết quả ngay lập tức mà phải đầu tư liên tục qua thời gian dài.
Dấu ấn Xanh của MB
Là ngân hàng có hiệu quả hoạt động và quản trị rủi ro tốt nhóm đầu trên thị trường, từ năm 2017, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) đã chú trọng hơn nhiều đến các hoạt động cộng đồng, xã hội... Đặc biệt, từ năm 2023 MB đã cam kết thực hiện chiến lược ESG một cách bài bản, theo chuẩn đo lường quốc tế. Đây được coi là tiền đề cho các dự án phát triển bền vững tại MB, đồng thời là tuyên ngôn của một thế hệ MB "xanh" mới trong giai đoạn phát triển tiếp theo.
Bên cạnh những hoạt động thiện nguyện, lan toả trách nhiệm xã hội như dự án "Xây dựng mạng xã hội thiện nguyện Việt Nam" - ứng dụng thiện nguyện do MB chủ trì và xây dựng, trong mỗi sản phẩm của MB cũng đều mang dấu ấn "xanh". Ngoài cung cấp tài chính cho các dự án lớn về năng lượng tái tạo thì ngân hàng còn hỗ trợ cho vay, hỗ trợ hành vi tiêu dùng tiết kiệm năng lượng. Trong định hướng khách hàng, MB tư vấn trực tiếp với khách hàng sử dụng các dịch vụ có yếu tố xanh.
Cụ thể, trong từng sản phẩm, dịch vụ của MB hiện nay, bên cạnh đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, thì còn luôn đề cao áp dụng tiêu chí ESG, góp phần thay đổi tích cực đến xã hội và nền kinh tế. Theo Ban lãnh đạo Ngân hàng, từ năm 2021 đã có đến gần 90% hoạt động nội bộ của MB không sử dụng giấy tờ, mà áp dụng số hóa. Và đến nay thì con số đã nâng lên mức gần như hoàn toàn không giấy tờ, tức tỷ lệ đạt xấp xỉ 100%.
Đối với khách hàng, MB cũng đã số hóa tới 90% sản phẩm tích hợp trên hệ sinh thái App MBBank cho khách hàng cá nhân, BIZ MBBank cho khách hàng doanh nghiệp cùng những chính sách miễn phí trọn đời, giúp tối giản tối đa việc sử dụng giấy tờ trong các khâu phục vụ, tận dụng tối đa công nghệ để giảm thiểu chi phí, thời gian công sức cho cả khách hàng và nhân lực ngân hàng.
Những đóng góp tiêu biểu mang dấu ấn "xanh" của MB trong năm 2022
Trong cơ cấu tín dụng, MB cũng chú trọng hơn tới yếu tố phát triển bền vững. Thời điểm cuối năm 2022, tỷ trọng dư nợ cho vay các dự án xanh tại nhà băng này đã tăng gấp 2,5 lần so với năm 2020. Trong đó, vốn tài trợ cho các dự án năng lượng tái tạo, năng lượng sạch chiếm tới hơn 90% và hầu như toàn bộ là vốn cho vay trung dài hạn, đánh dấu sự chuyển đổi định hướng tín dụng theo hướng bền vững tại MB. Đặc biệt, ngân hàng cũng đã có những quy định cụ thể cho Quỹ thực hiện quản lý rủi ro về môi trường trong các hoạt động tín dụng của mình.
Như thời điểm hiện tại, MB đang cung cấp tài chính cho hơn 30 dự án điện mặt trời và điện gió với tổng quy mô vào khoảng 70.000 tỷ đồng, giúp các chủ đầu tư tạo ra khoảng 3.600 MW điện năng lượng tái tạo, góp phần gia tăng nguồn năng lượng sạch đáp ứng nhu cầu tăng trưởng bền vững của nền kinh tế. Các dự án năng lượng tái tạo với những nhà đầu tư có thương hiệu và uy tín tại các khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ… đều đang có sự góp sức từ dòng tín dụng do MB cung cấp và thu xếp.
Dấu ấn "Xanh" trong sự dịch chuyển dòng tín dụng nói trên ở MB có vai trò quan trọng của ông Phạm Như Ánh, Tổng Giám đốc ngân hàng. Trước đó là Thành viên Ban điều hành, ông Ánh đã đưa ra nhiều đề xuất, đóng góp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công thương, EVN cũng như Bộ tài chính tại các buổi tọa đàm, hội thảo về cơ chế, chính sách phát triển năng lượng tái tạo nhằm tháo gỡ những vướng mắc, hỗ trợ khơi thông dòng vốn cho tín dụng phục vụ các dự án năng lượng tái tạo.
Ông Phạm Như Ánh, Tổng Giám đốc ngân hàng Quân đội (MB)
Ngân hàng có hiệu quả kinh doanh mạnh và bền vững top đầu hệ thống
Trong những năm gần đây, lợi nhuận của MB cũng như các chỉ số khác như tỷ suất sinh lời trên vốn, tài sản, chất lượng tín dụng, tỷ lệ an toàn vốn… của MB luôn trong nhóm dẫn đầu và duy trì bền vững.
Tại mùa báo cáo tài chính quý 2/2023 đang diễn ra, MB là ngân hàng có kết quả kinh doanh tốt nhất nhóm thương mại cổ phần, hơn cả VietinBank, và đứng thứ 3 trong hệ thống chỉ sau Vietcombank, BIDV. So với các ngân hàng được xếp "ngang hàng" như VPBank và Techcombank, MB cũng vươn lên vượt trội, thậm chí xét ở ngân hàng hợp nhất (bao gồm ngân hàng mẹ và các công ty con) thì kết quả kinh doanh của MB còn cao gấp 2,5 lần so với VPBank.
Ở một số chỉ số trọng yếu của ngân hàng, MB cũng đang có vị thế vượt trội. Chẳng hạn về tăng trưởng tín dụng tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn trong tổng tiền gửi (CASA) của nhà băng này đạt đến 37,02%, giữ vị trí quán quân về CASA trong hệ thống ngân hàng quý thứ 2 liên tiếp. Hay ở chỉ tiêu về CIR – chi phí hoạt động trên tổng thu nhập – của MB cũng kiểm soát tốt ở nhóm đầu ngành, chỉ chưa đến 33% dù rằng đầu tư nhiều cho công nghệ và số hóa.
Đặc biệt, MB còn đang sở hữu lượng khách hàng cá nhân nhiều nhất nhóm thương mại cổ phần tư nhân, đến nay đã có tổng cộng 23,5 triệu khách hàng cá nhân và gần 300 nghìn khách hàng doanh nghiệp. Riêng số khách hàng cá nhân tăng với tốc độ nhanh chóng mặt trong 3 năm trở lại đây với số khách hàng mới nhiều hơn cả 26 năm trước cộng lại (trong lịch sử 29 năm hoạt động của ngân hàng tính đến nay). Để có được thành tựu đáng nể này chính là nhờ một phần lớn ở chiến lược tuân thủ các quy định về ESG một cách bài bản của MB suốt những năm vừa qua.
Áp dụng các tiêu chí ESG, Ngân hàng Quân đội đã đạt được những con số ấn tượng
Trong tổng thể hệ thống, xét ở tất cả các khía cạnh, MB được đánh giá là ngân hàng có sự phát triển ổn định, liên tục và bền vững thuộc top đầu, bất chấp những biến động của thị trường. Những kết quả ấy cũng đang cho thấy sự đúng đắn trong chiến lược phát triển mà ngân hàng đã lựa chọn, đặc biệt phải kể đến cam kết thực thi ESG theo chuẩn đo lường quốc tế từ năm 2023. Và với con đường phát triển bền vững đang chọn lựa, mục tiêu "top 3 thị trường về hiệu quả, top đầu châu Á" cùng tầm nhìn "Trở thành doanh nghiệp số, tập đoàn tài chính dẫn đầu" cho giai đoạn 2022 – 2026 chắc chắn sẽ không khó với MB.