Con người là động lực căn bản để thực hiện phát triển bền vững
Ngày 22/11, Tỉnh ủy Bình Phước tổ chức Hội thảo khoa học “Phát huy nhân tố con người là động lực căn bản để phát triển tỉnh Bình Phước”.
Tại hội thảo, các đại biểu đều khẳng định: Con người đóng vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển của xã hội, nhất là trong giai đoạn hiện nay. Bình Phước có những thuận lợi, tiềm năng để phát huy vai trò của nguồn lực này cho sự phát triển bền vững trong thời gian tới. Do đó, việc tập trung chính sách, nguồn lực đầu tư cho phát triển con người ở Bình Phước là việc làm có ý nghĩa quyết định trong quá trình xây dựng và phát triển của địa phương.
Các đại biểu đã tập trung phân tích, làm rõ 4 nhóm vấn đề: Cơ sở lý luận về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, phát huy nhân tố con người; thực trạng và nhu cầu đào tạo, phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2025 – 2030; định hướng, giải pháp đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, phát huy tối đa nhân tố con người; cơ chế, chính sách về công tác cán bộ; đề xuất xây dựng, thu hút nguồn lực cán bộ, giáo dục, đào tạo, phát huy nhân tố con người.
Tiến sĩ Lê Thị Anh Đào, Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II cho biết, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao là một đột phá chiến lược, yếu tố quyết định đẩy mạnh phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và là lợi thế cạnh tranh quan trọng nhất, bảo đảm cho phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững. Do đó, Bình Phước cần căn cứ vào thực lực để có chính sách đào tạo, thu hút, trọng dụng nhân tài hợp lý. Tỉnh cần xây dựng các đề án, chương trình về thu hút, trọng dụng nhân tài để bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút nguồn nhân lực đã được đào tạo từ nơi khác về làm việc.
Tiến sĩ Trần Thị Kim Ninh, Học viện Chính trị khu vực II cho rằng công tác cán bộ là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển của Bình Phước. Tỉnh cần tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc quan điểm, chủ trương của Đảng, kết hợp với những giải pháp cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương. Trong đó, Bình Phước cần nâng cao nhận thức, đổi mới về quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao hiệu quả việc luân chuyển, bổ nhiệm, tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát. Đồng thời, chú trọng công tác cán bộ ở cơ sở, ưu tiên sử dụng cán bộ tại chỗ, có sự am hiểu địa bàn, dễ dàng thấu hiểu, đồng cảm với người dân, từ đó có những chính sách phù hợp, sát với thực tế.
Đối với công tác đổi mới giáo dục - đào tạo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Công Thương Trường Đại học Sài Gòn đề xuất Bình Phước cần tăng cường các cơ chế bảo đảm chất lượng. Trong đó, kiểm định chất lượng giáo dục là điều kiện cần thiết để nâng cao chất lượng đào tạo và vị thế của nhà trường, làm cơ sở cho người học lựa chọn trường, chương trình học, tạo cơ hội cho các nhà tuyển dụng lao động tuyển chọn nhân lực. Cùng với đó là chống bệnh thành tích, coi trọng “học thật, thi thật, nhân tài thật”...
Ngoài ra, tỉnh tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng phân hiệu đại học tại tỉnh; đa dạng hóa các cấp đào tạo và hình thức trường lớp, hình thành hệ thống giáo dục – đào tạo nghề trong công ty, doanh nghiệp; mở rộng, tăng cường hợp tác về đổi mới giáo dục, đào tạo để nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực. Tỉnh cần có những quy định về trách nhiệm của doanh nghiệp đối với sự phát triển nhân lực, tạo điều kiện thuận lợi và có cơ chế, chính sách để doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển nhân lực, đào tạo bồi dưỡng, dạy nghề thông qua hình thức đào tạo tại chỗ, ngắn hạn theo yêu cầu.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuyết Minh nhấn mạnh, trong xu thế toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, việc phát triển nguồn nhân lực, phát huy nhân tố con người trở thành yếu tố cốt lõi để Bình Phước phát triển nhanh và bền vững. Giai đoạn 2025 – 2030, tầm nhìn đến 2045, Bình Phước sẽ tập trung xây dựng giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phát huy tối đa nhân tố con người nhằm hiện thực hóa các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội trong tương lai. Bà đề nghị Tiểu ban văn kiện, Tổ biên tập tập trung nghiên cứu sâu các ý kiến của đại biểu để tiếp thu tối đa, chọn nội dung phù hợp bổ sung, hoàn thiện dự thảo Văn kiện Đại hội XII Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025 – 2030./.
Nhật Bình