Cần cơ chế ưu đãi vượt trội cho công nghiệp bán dẫn
Để nắm bắt được thời cơ phát triển công nghiệp bán dẫn, cần nghiên cứu, bổ sung các cơ chế ưu đãi thực sự vượt trội, có tính đột phá, tạo lợi thế cạnh tranh.
Tài sản số là vấn đề mới, phức tạp
Sáng 6/1/2025, tiếp tục phiên họp thứ 41, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số (CNCNS).
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số |
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, về nội hàm công nghệ số và phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, có ý kiến đề nghị làm rõ nội hàm công nghệ số theo hướng xác định bản chất thay vì liệt kê các công nghệ cụ thể.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, thuật ngữ “công nghệ số” tại khoản 1 Điều 3 được chỉnh lý, quy định bản chất, làm rõ nội hàm, không liệt kê công nghệ cụ thể nhằm khái quát, bảo đảm tính ổn định của pháp luật.
Một số ý kiến đề nghị rà soát, làm rõ phạm vi điều chỉnh; xác định rõ mối quan hệ giữa dự án Luật này với các luật khác có liên quan như Luật Công nghệ thông tin, Luật Công nghệ cao, Luật Giao dịch điện tử, Luật Dữ liệu.
Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận thấy: Hồ sơ dự án Luật CNCNS đã có Báo cáo rà soát các văn bản quy phạm pháp luật và các điều ước quốc tế liên quan đến dự án Luật CNCNS, trong đó đã rà soát một số luật có liên quan chủ yếu đến Luật CNCNS như Luật Công nghệ thông tin, Luật Công nghệ cao, Luật Giao dịch điện tử, Luật Dữ liệu. Qua nghiên cứu, rà soát, tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật không có xung đột, mâu thuẫn với các Luật Công nghệ thông tin, Luật Công nghệ cao, Luật Giao dịch điện tử, Luật Dữ liệu, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Về tài sản số (Điều 13 và Điều 14), có ý kiến cho rằng tài sản số là vấn đề mới, thay đổi nhanh cần có sự đầu tư nghiên cứu, rà soát kỹ hơn và nên giao Chính phủ quy định chi tiết; ý kiến khác cho rằng cần nghiên cứu để bổ sung quy định về các loại tài sản số trong dự thảo Luật.
Để có thêm cơ sở lý luận và thực tiễn hoàn thiện nội dung này, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã phối hợp tổ chức làm việc với các cơ quan chuyên môn có liên quan.
Qua nghiên cứu, trao đổi, thảo luận, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thấy rằng, tài sản số là vấn đề mới, phức tạp, phát triển, thay đổi nhanh chóng; hiện nay trên thế giới cũng chưa có khung pháp lý quy định đầy đủ về vấn đề này và vẫn còn có quan điểm khác nhau.
Do đó, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, thống nhất quy định khung về vấn đề này (Điều 13 và Điều 14) như khái niệm, phân loại tài sản số dựa trên mục đích sử dụng, công nghệ và các tiêu chí khác; giao Chính phủ quy định phân loại, thẩm quyền, nội dung quản lý tài sản số, cung ứng dịch vụ tài sản số phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Có ý kiến đề nghị xem xét có cần sửa Bộ luật Dân sự, Luật Giao dịch điện tử, Luật Chứng khoán hay không khi quy định về tài sản số trong dự thảo Luật, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận thấy các quy định về tài sản số trong dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý, không chồng chéo, mâu thuẫn với pháp luật hiện hành; không phải sửa đổi Bộ luật Dân sự, Luật Giao dịch điện tử và Luật Chứng khoán.
Nắm bắt thời cơ phát triển công nghiệp bán dẫn
Về ưu đãi cho công nghiệp bán dẫn (Điều 44 và Điều 59), ông Lê Quang Huy cho hay, có ý kiến đề nghị chính sách ưu đãi cho công nghệ bán dẫn cần quy định có tính đặc thù, vượt trội để khuyến khích phát triển.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy |
Theo Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, để thể chế hóa kịp thời chủ trương của Đảng, nắm bắt được thời cơ phát triển công nghiệp bán dẫn, cần nghiên cứu, bổ sung các cơ chế ưu đãi thực sự vượt trội, có tính đột phá, tạo lợi thế cạnh tranh.
Trên cơ sở tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, một số quy định ưu đãi đối với công nghiệp bán dẫn trong dự thảo Luật đã được chỉnh lý: Điểm c khoản 3 Điều 44 quy định chi phí thực tế cho hoạt động nghiên cứu - phát triển lĩnh vực bán dẫn của doanh nghiệp được tính bằng 150% khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.
Điểm e khoản 3 Điều 44 quy định Nhà nước hỗ trợ trực tiếp chi phí không quá 10% tổng đầu tư của dự án để đầu tư xây dựng nhà máy, hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị máy móc từ nguồn chi đầu tư phát triển từ ngân sách.
Khoản 5 Điều 59 quy định bổ sung điểm c khoản 2 Điều 20 Luật Đầu tư về ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đặc biệt đối với dự án sản xuất sản phẩm công nghệ số trọng điểm, dự án nghiên cứu và phát triển, thiết kế, sản xuất, đóng gói, kiểm thử sản phẩm bán dẫn.
Về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (từ Điều 45 đến Điều 48), có ý kiến đề nghị thể hiện ngắn gọn các quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát và giao Chính phủ quy định chi tiết.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng thể hiện Chương IV ngắn gọn, bao gồm 4 điều. Cụ thể là quy định về khái niệm, mục tiêu, nguyên tắc, cơ chế triển khai, thẩm quyền cho phép thử nghiệm, quyền, trách nhiệm và miễn trách nhiệm các bên liên quan, bảo vệ người tiêu dùng.
Về hồ sơ, quy trình thủ tục cấp phép thử nghiệm, dự thảo Luật giao cơ quan có thẩm quyền cho phép thử nghiệm ban hành để bảo đảm tính linh hoạt, tăng cường phân cấp, phân quyền cho các bộ, ngành, địa phương chủ động thực hiện trong lĩnh vực, địa bàn được phân công.
Trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã tổ chức phối hợp, nghiên cứu, kịp thời thể chế hóa Nghị quyết số 57-NQ/TW; nghiêm túc thực hiện Quy định số 178-QĐ/TW của Bộ Chính trị và các Công thư số 15, số 17 của Chủ tịch Quốc hội. |