A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Năng lượng xanh - điều kiện tất yếu cho phát triển doanh nghiệp

Năng lượng xanh đang là xu hướng tất yếu không chỉ đem đến các điều kiện cơ bản trong quá trình hội nhập quốc tế và các đòi hỏi từ thị trường, việc áp dụng năng lượng xanh còn giúp doanh nghiệp giảm chi phí, tăng tính cạnh tranh…

 Tọa đàm “Năng lượng xanh cho doanh nghiệp: Tính cấp thiết và vấn đề đặt ra trong thực tiễn”

Chiều 17/5, tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp tổ chức Tọa đàm “Năng lượng xanh cho doanh nghiệp: Tính cấp thiết và vấn đề đặt ra trong thực tiễn”.

Tại tọa đàm, các khách mời tập trung thảo luận về bài toán kinh tế, giải pháp đầu tư khi doanh nghiệp sản xuất sử dụng năng lượng tái tạo. Với việc sử dụng năng lượng xanh từ hệ thống điện mặt trời mái nhà doanh nghiệp sẽ được hưởng các lợi ích về kinh tế, tiết giảm kinh phí sản xuất, có chứng chỉ xanh để nâng cao lợi thế cạnh tranh khi xuất khẩu.

Bên cạnh những lợi ích của việc sử dụng năng lượng xanh, doanh nghiệp còn gặp những vướng mắc, khó khăn, từ các ý kiến cũng đề xuất phương án tháo gỡ, tổng hợp những góp ý đề xuất từ phía Hiệp hội Doanh nghiệp, các chuyên gia góp phần thúc đẩy thị trường điện mặt trời mái nhà cho mô hình tự nguyện sử dụng được phát triển rộng khắp.

Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, ngành Dệt may hiện nay có khoảng gần 3 triệu lao động, trong quý I/2023 các nhà máy xuất khẩu khoảng 12 tỷ USD. Ngành Dệt may cũng đã tiếp cận với năng lượng xanh, năng lượng tái tạo từ điện áp mái, điện mặt trời từ rất sớm. Việc tiếp cận với năng lượng tái tạo đem đến nhiều lợi ích cho cả các bên, nhất là những lĩnh vực có sự tiêu thụ lớn…

Theo ông Giang, đã là doanh nghiệp thì dù ở ngành nào, lĩnh vực nào của Việt Nam thì tốt nhất nên tuân thủ các chuẩn mực mà Thủ tướng đã ký tại COP 26, cùng với đó là các chuẩn mực quốc tế mà thế giới đã đề ra. Việc các doanh nghiệp tiếp cận với năng lượng tái tạo, năng lượng xanh là cần thiết, bởi hiện tại, chi phí điện lưới là rất lớn, việc phát triển điện mái, điện mặt trời sẽ giúp doanh nghiệp không chỉ tạo ra các chứng chỉ xanh cho hang hóa mà còn giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, tang tính cạnh tranh cho hàng hóa được sản xuất ra.

“Thực tế hiện nay, ngành Dệt may đã và đang phải cạnh tranh rất lớn với các nước nên trên thế giới về thị trường và sản phẩm, việc tạo ra thêm chi phí sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp giảm giá thành, tăng tính cạnh tranh”, ông Giang nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, xoay quanh vấn đề Chính phủ phê duyệt quy hoạch Điện VIII sau 2 năm rà soát, ông Giang đề xuất, việc quy hoạch Điện VIII đã ra đời là rất tốt, nhưng chi tiết về quản lý cần được chuẩn hóa để có một tiêu chuẩn thống nhất trên cả nước, đặc biệt, là tấm pin năng lượng có sự thống nhất, giống nhau và đảm bảo an toàn cho người lắp đặt các tấm pin mặt trời này như nào.

Ngoài ra, các cơ quan quản lý cũng cần tính đến phương án đưa phần điện dư thừa lên hệ thống lưới điện để tạo ra nguồn thu cho doanh nghiệp thực hiện lắp đặt năng lượng tái tạo, năng lượng xanh, từ đó tạo ra nguồn thu đóng góp vào việc giảm chi phí giá thành, tăng tính cạnh tranh cho các sản phẩm của doanh nghiệp.

“Tuy nhiên, để khuyến khích doanh nghiệp thực hiện, thì cần có các cơ chế cụ thể để thu hút việc đầu tư, đảm bảo hài hòa lợi ích cho các doanh nghiệp. Còn các nhà phát triển điện mái, điện mặt trời, cần tính đến phương án xử lý nhanh khi lắp đặt, sử dụng… khi bước vào luật chơi toàn cầu, với các yếu tố đã đề ra thì phát triển xanh là yếu tố then chốt để đem đến sự phát triển bền vững”, ông Giang bày tỏ.

Cần có gói giải pháp tổng thể…

 Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP)

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng khẳng định, điện áp mái là vấn đề cấp thiết đối với cộng đồng doanh nghiệp. Vấn đề này không chỉ nằm trong lộ trình mà Chính phủ cam kết, cũng như yêu cầu về giảm phát thải, sản xuất xanh, mà còn liên quan đến vấn đề chi phí. Ngoài ra, thực hiện được các tiêu chí này chúng ta sẽ được các điểm cộng, đặc biệt là nhiều điểm cộng hơn trong thương mại với các nước.

Với ngành hàng thủy sản, hiện có gần 900 nhà máy trên toàn quốc có quy mô công nghiệp, trong đó hầu hết là đông lạnh. Những vấn đề quan trọng nhất bao gồm việc cấp đông – đưa nhiệt độ xuống -40 độ để bảo quan sản phẩm. Hai là ngành trữ đông (kho lạnh), với hầu hết các kho lạnh đều sử dụng điện 380V. Nhu cầu năng lượng do đó là rất lớn trong khi chúng tôi phải thực hiện nhiều cam kết với khách hàng về môi trường.

Chính vì vậy, ông Nam một lần nữa khẳng định rằng câu chuyện điện áp mái với doanh nghiệp VASEP là rất cấp thiết. Ông thông tin, trong văn bản các doanh nghiệp thành viên gửi có liên quan đến việc họ cần lắp điện mặt trời áp mái cho nhà máy thủy sản và bao bì. Nhưng có sự vướng mắc ở văn bản pháp quy, cụ thể là Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong đó hướng dẫn về lắp hệ thống điện áp mái cho doanh nghiệp. Do đó, với Quy hoạch Điện 8, “chúng tôi mong muốn Chính phủ nhanh chóng ban hành về mặt cơ chế, hướng dẫn để đầu tư, đáp ứng được trách nhiệm môi trường từ các nước nhập hàng đang yêu cầu; thực hiện đúng lộ trình tăng trưởng xanh, phát triển xanh và kinh tế tuần hoàn, hay giải quyết chi phí năng lượng” – ông Nam nói.

Đồng thời, ông đề xuất các cơ quan chức năng như Bộ Công Thương cần nhanh chóng hỗ trợ về cơ chế để doanh nghiệp nhanh chóng đầu tư và lắp đặt điện mặt trời áp mái được đấu nối và có lắp đặt thiết bị chống phát ngược. Bên cạnh đó, Chính phủ cần sớm có cơ chế mới về lắp đặt điện mặt trời áp mái để các công ty chuyên về lĩnh vực này có thể áp dụng và giúp các doanh nghiệp ngành chúng tôi lắp đặt đầu tư

 Năng lượng xanh - điều kiện tất yếu cho phát triển doanh nghiệp (Ảnh: S.T)

Chia sẻ với doanh nghiệp, ông Phan Công Tiến – Chuyên gia năng lượng và thị trường điện cũng cho biết, phát triển năng lượng xanh đã có từ lâu nhưng vướng mắc xuất phát từ quy hoạch điện VIII, cụm từ tự sản tự tiêu, về mặt năng lượng cũng như kinh nghiệm quốc tế là mô hình phát triển sau công tơ.

Trước đây người sử dụng điện truyền thống, mua điện trước công tơ, hiện nay, việc phát triển các mô hình phân tán được thuận lợi do công nghệ, giá thành nên việc phát triển sau công tơ ra đời. Trong đó có 2 phương thức, người sử dụng tự đầu tư, người dùng điện tiết kiệm chi phí, giảm giá thành, tăng sản phẩm cũng như đóng thuế có lợi cho người sản xuất; phương thức thứ 2 là hợp tác, người sử dụng kết hợp với doanh nghiệp phát triển, đảm bảo hài hòa lợi ích 2 bên, trong đó có sự đảm bảo ổn định về lưu trữ, cũng như thúc đẩy phát triển khi nguồn cung dư thừa.

Về mặt lợi ích, với mô hình này, nhà nước, người dân và doanh nghiệp đều có lợi thì nên mở cửa cho làm. Về phía người dân và doanh nghiệp khi sử dụng thì cơ cấu giá điện sẽ giảm. Về mặt Nhà nước, nếu phát triển mô hình sau công tơ thì doanh nghiệp sẽ đóng thuế như mô hình phát triển trước công tơ, đồng thời khi doanh nghiệp có điện giá rẻ sẽ tăng sản xuất, tạo ra nhiều nguồn thu cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, các ý kiến tham luận cũng chỉ ra rằng hiện tại, vẫn chưa có quy định, hướng dẫn đầu tư, lắp đặt cụ thể rõ ràng cho mô hình tự dùng, các doanh nghiệp sản xuất còn lúng túng chưa chủ động được việc đầu tư và phát triển, chưa dám đầu tư lắp đặt. Do đó cần gói giải pháp tổng thể từ phía chính quyền, doanh nghiệp.../.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Tìm kiếm

Tìm kiếm