Giá gas hôm nay 11/1/2023: “Cơn lốc” đỏ tiếp tục càn quét phiên giao dịch
Giá gas hôm nay 11/1/2023, vào đầu giờ sáng (giờ Việt Nam) giảm 1,51%, giao dịch ở mức 3,58 USD/mmBTU đối với hợp đồng khí gas tự nhiên giao tháng 2/2023.
Giá khí đốt ở châu Âu và Mỹ trong những ngày qua đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu vốn là một hệ quả của xung đột quân sự giữa Nga - Ukraine.
Trạm tiếp nhận khí đốt ở Mecklenburg, Đức |
Nếu so với kỷ lục mọi thời đại 346 Euro (364 USD)/megawatt giờ thiết lập vào tháng 8/2022, giá khí đốt ở châu Âu hiện giảm gần 80%. Tương tự, tại Mỹ, giá khí đốt bán buôn cũng đã giảm 50% kể từ cuối tháng 11/2022, còn 3,68 USD/Mbtu, bằng với mức giá ở thời điểm tháng 12/2021.
Thời tiết ấm kéo dài hơn bình thường trong mùa đông là một nguyên nhân khiến giá khí đốt sụt giảm. Ngoài ra, còn phải kể tới nỗ lực của các nước nhằm làm đầy dự trữ khí đốt, bất chấp nguồn cung khí đốt Nga sụt giảm về mức tối thiểu.
Theo thống kê, tổng thể các kho chứa khí đốt của châu Âu đã đầy 83,2%, trong đó, lượng tích trữ khí đốt của Đức hiện được lấp đầy trên 90% và Berlin không còn phải lo ngại tình trạng thiếu khí đốt trong mùa Đông này.
Các yếu tố khác khiến giá khí đốt giảm còn do sản xuất điện gió mạnh và cung cấp đủ khí tự nhiên hóa lỏng (LNG). Đặc biệt, giá khí đốt giảm trong bối cảnh dữ liệu thống kê cho thấy lạm phát bắt đầu giảm nhanh tại các nền kinh tế lớn của châu Âu gồm Đức và Pháp từ cuối năm ngoái.
Dữ liệu từ Refinitiv cho thấy, các quốc gia EU đã nhập khẩu 101 triệu tấn LNG vào năm 2022, nhiều hơn 58% so với năm trước. EU chiếm 24% lượng nhập khẩu LNG toàn cầu trong giai đoạn này.
Trang tin Oilprice.com dẫn thông báo từ Cơ quan Mạng lưới Liên bang Đức (Bundesnetzagentur) mới đây cho biết, Na Uy đã vượt qua Nga trở thành nhà cung cấp khí đốt tự nhiên lớn nhất của Đức vào năm 2022.
Na Uy cung cấp 33% lượng khí đốt mà Đức nhập khẩu vào năm ngoái, tiếp theo là Nga, nước có thị phần đã giảm xuống còn 22% so với mức 52% vào năm 2021.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo rằng châu Âu sẽ cần nhập khẩu nhiều LNG hơn vào năm 2023, vì đây là thời điểm bắt đầu một năm hầu như không có đường ống dẫn khí đốt của Nga khi Nga chuyển sang ngừng cung cấp.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã cảnh báo, EU có thể phải đối mặt với khoảng cách cung cầu khí đốt tiềm năng là 27 tỷ m3 vào năm 2023, trong một kịch bản mà việc cung cấp khí đốt qua đường ống của Nga giảm xuống 0 và nhập khẩu LNG của Trung Quốc tăng trở lại mức năm 2021.
Tại thị trường trong nước, từ ngày 1/1/2023, giá gas bán lẻ trong nước quay đầu giảm mạnh. Theo đó, mỗi bình gas loại 12 kg đến tay người tiêu dùng giảm trung bình 14.000-23.000 đồng, loại 45 kg giảm hơn 50.000 đồng/bình, tùy thương hiệu.
Người dùng sẽ tiết kiệm được 1.917 đồng đồng cho mỗi kg gas (tương đương 23.000 đồng một bình 12 kg) so với tháng trước. Giá này đã bao gồm thuế giá trị gia tăng (VAT) khi mua tại các điểm bán lẻ ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.
Cụ thể, giá gas bình Petrolimex bán lẻ (đã bao gồm VAT) tháng 1/2023 tại thị trường Hà Nội là 418.500 đồng/bình dân dụng 12 kg; 1.673.800 đồng/bình công nghiệp 48kg, lần lượt giảm 22.400 đồng/bình 12 kg và 89.800 đồng/bình 48 kg (đã bao gồm VAT).
Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.Hồ Chí Minh (Saigon Petro) cho biết, từ ngày 1/1/2023, giá gas của hãng này giảm 23.000 đồng bình 12 kg và giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng 415.000 đồng/bình 12 kg.
Tại Công ty Cổ phần Kinh doanh LPG Việt Nam chi nhánh miền Nam, từ 1/1/2023 giá gas giảm 14.000 đồng/bình 12 kg và 52.515 đồng/bình 45 kg so với tháng 12. Như vậy, giá bán lẻ đến người tiêu dùng 428.912 đồng/bình 12 kg và 1.608.420 đồng/ bình 45 kg.
Tương tự, thương hiệu gas City Petro cũng có mức giảm tương tự. Giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng ở mức 447.500 đồng/bình 12 kg; 1.678.000 đồng/bình 45 kg.
Giá gas trong nước giảm mạnh là do hợp đồng giá gas thế giới bình quân tháng 1/2023 ở mức 597,5 USD/tấn, giảm 52,5 USD/tấn so với tháng 12 và biến động tỷ giá USD nên Tổng Công ty Gas thực hiện điều chỉnh theo mức giảm tương ứng.