Dầu giảm 2% khi đồng USD tăng
Giá dầu giảm vào ngày thứ Hai (17/4) khi đồng USD mạnh lên và khi nhà đầu tư cân nhắc về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất vào tháng 5, điều này có thể làm giảm hy vọng phục hồi kinh tế.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Hai, hợp đồng dầu Brent lùi 1.8% xuống 84.76 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI mất 2.05% còn 80.83 USD/thùng.
Các hợp đồng dầu đều ghi nhận 4 tuần tăng liên tiếp vào tuần trước, chuỗi leo dốc dài nhất kể từ giữa năm 2022.
Đồng USD mạnh lễ cùng với việc nâng lãi suất, làm dầu trở nên đắt đỏ hơn đối với người nắm giữ những đồng tiền khác. Chỉ số đồng USD tiến 0.5% vào ngày thứ Hai.
Nhà đầu tư đang dự báo rằng Fed sẽ nâng lãi suất vào tháng 5 thêm 25 điểm cơ bản và đẩy lùi kỳ vọng hạ lãi suất vào cuối năm nay, điều thường xảy ra trong thời kỳ suy thoái.
Trong khi đó, việc công bố dữ liệu GDP quý 1 của Trung Quốc vào ngày thứ Ba (18/4) cũng được kỳ vọng sẽ tác động tích cực đến giá hàng hoá, với Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo Trung Quốc sẽ chiếm phần lớn mức tăng trưởng nhu cầu năm 2023.
Tuy nhiên, IEA cũng cảnh báo trong báo cáo định kỳ hàng thảng rằng việc cắt giảm sản lượng của các nhà sản xuất OPEC+ làm trầm trọng thêm tình trạng thâm hụt nguồn cung dầu dự kiến diễn ra vào nửa cuối năm nay và có thể làm tổn hại người tiêu dùng cũng như sự phục hồi kinh tế toàn cầu.
Liên minh G7 sẽ giữ mức trần giá 60 USD/thùng đối với dầu nhập khẩu qua đường biến của Nga, bất chấp giá dầu thô toàn cầu tăng và kêu gọi một số quốc gia hạ giá trần để hạn chế nguồn thu của Moscow.
Tại Iraq, chính phủ liên bang và chính quyền khu vực Kurdistan đã giải quyết các vấn đề kỹ thuật cần thiết để nối lại hoạt động xuất khẩu dầu phía bắc từ cảng Ceyhan của Thổ Nhĩ Kỳ sang các thị trường quốc tế, Reuters đưa tin vào ngày thứ Hai.
Tại Ả-rập Xê-út, xuất khẩu dầu thô trong tháng 2 đã giảm từ 7.658 triệu thùng/ngày trong tháng 1 xuống 7.455 triệu thùng, dữ liệu chính thức cho thấy vào ngày thứ Hai.