Bồ Đào Nha lập kỷ lục sử dụng năng lượng tái tạo
Trong 6 ngày liên tiếp, Bồ Đào Nha sản xuất nhiều điện từ các nguồn năng lượng tái tạo đạt 1.102 gigawatt giờ (GWh) trong khi mức tiêu thụ của cả nước là 840 GWh.
Kỷ lục mới được thiết lập trong thời gian từ 4 giờ ngày 31/10 đến 9 giờ ngày 6/11 theo giờ địa phương, tức 149 giờ liên tục, phá vỡ mốc 131 giờ vào năm 2019, IFL Science hôm 20/11 đưa tin. Trong thời gian đó, Bồ Đào Nha đã sản xuất 1.102 gigawatt giờ (GWh) điện tái tạo. Con số này vượt xa nhu cầu mà đất nước cần, tổng cộng mức tiêu thụ của cả hộ gia đình và doanh nghiệp chỉ đạt 840 GWh.
Điện gió là một trong những nguồn năng lượng tái tạo chính ở Bồ Đào Nha
Dù kỷ lục mới không có nghĩa là các nhà máy nhiên liệu hóa thạch không hoạt động chút nào trong suốt thời gian nêu trên, một kỷ lục khác trên toàn quốc chứng minh điều đó có thể trở thành hiện thực trong tương lai gần. Bồ Đào Nha cũng không sử dụng khí tự nhiên trong 131 giờ liên tục và sản xuất đủ năng lượng sạch để xuất khẩu một phần sang nước láng giềng Tây Ban Nha.
"Những thành tựu quan trọng này giúp xác nhận Bồ Đào Nha đang duy trì đường lối bền vững, tiến tới tích hợp các nguồn tái tạo tại địa phương, đồng thời giữ vững mục tiêu cơ bản về an ninh cung ứng và chất lượng dịch vụ", REN, công ty chịu trách nhiệm cung cấp điện và khí gas ở Bồ Đào Nha cho biết.
Bồ Đào Nha là nước tiên phong về năng lượng tái tạo. Trong khi mãi tới năm 2019, các nước còn lại trong Liên minh châu Âu mới cam kết trung hòa carbon vào năm 2050, Bồ Đào Nha đã làm vậy vào năm 2016. Nước này cũng hướng tới dừng sử dụng than đá làm nhiên liệu vào năm 2030. Với nhà máy nhiệt điện cuối cùng đóng cửa cách đây gần 2 năm, họ đã đạt mục tiêu sớm 9 năm so với dự kiến.
Những nguồn năng lượng tái tạo chính của Bồ Đào Nha là điện gió và điện mặt trời, có thể kết hợp thành nhà máy ghép trong tương lai. Tương tự nhà máy nhiệt điện, Bồ Đào Nha cũng dự định giải thể các nhà máy điện sử dụng khí gas tự nhiên vào năm 2040. Đầu năm nay, quốc gia này lên kế hoạch gấp đôi công suất điện mặt trời và hydro.