Ưu tiên các nguồn năng lượng tái tạo trong sản xuất điện
Diễn đàn phân tích về ngành điện và năng lượng Việt Nam trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng toàn cầu, tìm các chiến lược để thu hút nguồn vốn cho quá trình chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam.
Ngày 21/11, tại Hà Nội, Nhóm công tác về Điện và Năng lượng thuộc Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) tổ chức sự kiện trực tuyến Diễn đàn Năng lượng sản xuất tại Việt Nam. Đây là sự kiện được tổ chức lần hai trong năm 2023 nhằm tập trung phân tích về ngành điện và năng lượng Việt Nam trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng toàn cầu và xem xét các chiến lược để thu hút nguồn vốn cần thiết cho quá trình chuyển dịch năng lượng đang diễn ra tại Việt Nam. Sự kiện cũng công bố Báo cáo kế hoạch năng lượng sản xuất tại Việt Nam - ấn bản thứ ba.
Khai mạc diễn đàn, ông Nitin Kapoor, đồng Chủ tịch Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam cho biết, năm 2023 là năm mà ngành điện và năng lượng thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận. Việt Nam đã và đang thực thi nhiều chính sách về chuyển dịch năng lượng, bao gồm ưu tiên các nguồn năng lượng tái tạo trong sản xuất điện, đồng thời nghiên cứu các công nghệ mới trong lĩnh vực điện và năng lượng.
Trong bối cảnh này và trước thềm Hội nghị COP28 tại Dubai, Diễn đàn Năng lượng sản xuất tại Việt Nam thúc đẩy đối thoại giữa khu vực tư nhân ở cả trong và ngoài nước với các cơ quan quản lý nhà nước về những nội dung quan trọng của ngành năng lượng; trong đó, gồm cả việc sắp sửa thành lập Ban chỉ đạo quốc gia các công trình dự án trọng điểm ngành năng lượng... Những nội dung thảo luận trong sự kiện này được kỳ vọng sẽ hữu ích và hỗ trợ cho Chính phủ trong việc đạt được các cam kết quốc tế về phát thải ròng bằng 0.
Tại sự kiện, ông Lương Quang Huy, Trưởng phòng Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng Ozone, Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) chia sẻ về chiến lược và chính sách chuyển dịch năng lượng của Việt Nam, cùng với quá trình triển khai những chiến lược và chính sách này như Quy hoạch điện VIII, Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia... Đồng thời, thông tin về các cam kết quốc tế của Việt Nam cùng các cam kết khác có liên quan và tác động của những cam kết này đến chính sách năng lượng của Việt Nam.
Diễn đàn có sự tham gia thảo luận của đại diện các cơ quan quản lý về chiến lược và chính sách về chuyển dịch năng lượng của Việt Nam, các cam kết quốc tế của Việt Nam bao gồm các đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) cùng các cam kết khác liên quan; cũng như những tác động của những cam kết này đến chính sách năng lượng của Việt Nam.
Các chuyên gia trong ngành điện và năng lượng bao gồm tổ chức tài chính, tổ chức tài trợ, công ty điện cũng thảo luận về cách thức để khu vực công và khu vực tư nhân có thể cùng nhau thúc đẩy sự phát triển của năng lượng tái tạo và tận dụng các nỗ lực khử carbon để thúc đẩy các mục tiêu phát triển, nhờ đó đạt được mức phát thải ròng bằng 0, thúc đẩy tăng trưởng GDP.
Cũng tại diễn đàn, Báo cáo kế hoạch năng lượng sản xuất tại Việt Nam - ấn bản thứ ba (MVEP 3.0) đã được giới thiệu.
Theo đó, nội dung giới thiệu ý kiến từ khu vực tư nhân cho cơ quan quản lý để thúc đẩy kinh tế tư nhân tham gia vào phát triển năng lượng theo tinh thần của Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; từ đó biến ngành công nghiệp năng lượng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và trở thành động lực cho sự phát triển của toàn bộ nền kinh tế.
Báo cáo MVEP 3.0 bao gồm bốn phần. Phần một đưa ra cái nhìn tổng quan về ngành điện của Việt Nam, từ nhu cầu tiêu thụ đến cơ cấu nguồn, hệ thống truyền tải và phân phối điện, đồng thời giải thích về quá trình “chuyển dịch năng lượng” tại Việt Nam và những chiến lược và chính sách hiện có để thúc đẩy quá trình này.
Phần hai đi sâu phân tích những thành công mà Việt Nam đã đạt được trong việc thúc đẩy sự phát triển của năng lượng tái tạo, bên cạnh những thách thức hiện tại và trong tương lai để đạt được các mục tiêu của Việt Nam.
Phần ba tổng hợp kinh nghiệm từ các nền kinh tế trong khu vực và trên thế giới để giải đáp những câu hỏi then chốt mà Việt Nam đang đối mặt, xoay quanh việc xây dựng khung pháp lý hiệu quả để thúc đẩy quá trình chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam, khả năng thu xếp vốn của hợp đồng mua bán điện cho các dự án năng lượng tái tạo, xác định lộ trình giá điện và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Phần bốn trình bày một số gợi ý cho việc hoạch định chính sách rút ra từ các phần trước, bao gồm một số hành động cần triển khai trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.
Theo TTXVN