“Tham nhũng chính sách phải xử lý hình sự”
Theo đại biểu Quốc hội, phải thiết kế quy định về chế tài, trách nhiệm hành chính, hình sự với những người quyết định hoặc tham gia trực tiếp xây dựng pháp luật.
Sáng 16/5, Quốc hội thảo luận về Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.
Theo dự thảo nghị quyết, Ngân sách nhà nước bảo đảm chi cho công tác xây dựng pháp luật không thấp hơn 0,5% tổng chi ngân sách nhà nước hằng năm và tăng dần theo yêu cầu phát triển.
Đáng chú ý, dự thảo quy định, người trực tiếp, thường xuyên làm công tác tham mưu nghiên cứu chiến lược, chính sách, xây dựng pháp luật tại một số cơ quan, đơn vị được hưởng hỗ trợ hằng tháng bằng 100% mức lương theo hệ số lương hiện hưởng (không bao gồm phụ cấp).
Khoản hỗ trợ hàng tháng trên được trả cùng kỳ lương và không dùng làm căn cứ để tính đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.
Góp ý, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) bày tỏ quan điểm ủng hộ. Theo ông, với chính sách trên, sẽ kích thích trách nhiệm, tinh thần làm việc tốt hơn của cán bộ trực tiếp, thường xuyên làm công tác xây dựng pháp luật, tránh tình trạng “đưa lợi ích nhóm” khi xây dựng chính sách pháp luật.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp). Ảnh: P.Thắng
Cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật được hỗ trợ 100% mức lượng, ngoài ra còn được khoán chi riêng. Đây là ưu đãi vượt trội, theo ông Hòa.
Vì vậy, ông cho rằng, những cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật phải thể hiện tinh thần trách nhiệm cao; đồng thời phải có cơ chế giám sát để làm tốt và tốt hơn.
“Quyền phải đi cùng với trách nhiệm”, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (đoàn Thái Nguyên) nói và cho hay, qua rà soát văn bản quy phạm pháp luật vừa qua cho thấy còn rất nhiều vấn đề liên quan đến chất lượng văn bản pháp luật, tạo ra những “ách tắc”, trở ngại cho người dân, doanh nghiệp. Trong khi, chúng ta lại chưa có chế tài để xử lý những vấn đề này.
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (đoàn Thái Nguyên) nói, nếu có những biểu hiện tham nhũng chính sách thì phải xử lý hình sự. Ảnh: P.Thắng
Theo ông Thành, phải thiết kế một điều quy định về chế tài, trách nhiệm liên quan với những người quyết định hoặc tham gia trực tiếp xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
Trách nhiệm này, theo ông Thành, có trách nhiệm hành chính, kể trách nhiệm hình sự. “Nếu có những biểu hiện tham nhũng chính sách thì rõ ràng phải xử lý hình sự”, đại biểu nhấn mạnh.
Khi quy định trách nhiệm, ông Thành nói, người có trách nhiệm sẽ phải lựa chọn cán bộ đủ năng lực để làm công tác xây dựng pháp luật, tránh bị can thiệp.
Cạnh đo, cán bộ sẽ phải cân nhắc kỹ càng hơn khi đưa ra quan điểm của mình với một chính sách hay quyết định một chính sách ở bất kỳ vị trí công tác nào. Quá trình tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, cũng như phản biện xã hội sẽ được chú ý và lắng nghe hơn.
Mục tiêu cuối cùng là phải có được văn bản quy phạm pháp luật khoa học, sát thực tiễn, đi vào thực tế cuộc sống và đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là đáp ứng mong mỏi của người dân, doanh nghiệp và xã hội, theo ông Thành.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh. Ảnh: P.Thắng
Giải trình sau đó, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho hay, có lẽ đây là lần đầu tiên mà 1 nghị quyết của Đảng quy định khá cụ thể về mức hỗ trợ cho người làm công tác xây dựng pháp luật, cũng như một số cơ chế, chính sách vượt trội, đặc biệt trong xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật.
“Chúng tôi suy nghĩ rằng, đây không phải là những con số cụ thể về kinh phí ngân sách, chế độ mà là sự quan tâm sâu sắc, đặc biệt với tư duy đổi mới, với cách tiếp cận đột phá, tầm nhìn chiến lược về tầm quan trọng của công tác hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật”, ông Ninh nói.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp đồng ý gắn quyền đi đôi với trách nhiệm, có cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng để không được lạm dụng, trục lợi chính sách.
Tiếp thu ý kiến đại biểu, ông Ninh nhấn mạnh sẽ thể chế hóa Quy định 178 về kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng trong xây dựng pháp luật trong nghị quyết này.