Bản tin năng lượng số 21/2023
Tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao vừa phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tổ chức hội thảo quốc tế với chủ đề “Tăng cường hợp tác quốc tế và chia sẻ kinh nghiệm về chuyển đổi năng lượng công bằng”.
Thúc đẩy hợp tác quốc tế và chia sẻ kinh nghiệm về chuyển đổi năng
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt khẳng định chủ trương nhất quán và xuyên suốt của Việt Nam là quyết tâm ứng phó với biến đổi khí hậu và xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường trước các tác động gia tăng của biến đổi khí hậu ở quy mô toàn cầu cũng như ở Việt Nam.
Thứ trưởng đề cao các cam kết mạnh mẽ của Việt Nam tại Hội nghị COP26 và quyết định tham gia Quan hệ đối tác về chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) với một số nước G7 và đối tác quốc tế khác nhằm vừa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong nước vừa chung tay cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với biến đổi khí hậu…
Quang cảnh hội thảo
Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt cũng nhấn mạnh quá trình chuyển đổi năng lượng cần công bằng. Theo đó, mỗi quốc gia cần quan tâm đầy đủ đến quyền lợi của mọi người dân và không để ai bị bỏ lại phía sau; các quốc gia phát thải nhiều khí nhà kính trong quá khứ cần thực hiện trách nhiệm lịch sử của mình và hỗ trợ các nước đang phát triển về tài chính, công nghệ và nâng cao năng lực; chuyển đổi năng lượng tại các nước đang phát triển cần có lộ trình phù hợp và tính đến điều kiện và hoàn cảnh của từng quốc gia. Thứ trưởng nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của việc tăng cường hợp tác quốc tế và chia sẻ kinh nghiệm đối với các nỗ lực chuyển đổi năng lượng công bằng.
Theo bà Ramla Khalidi, Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam, việc chuyển đổi năng lượng cần phải công bằng và dựa trên sự bình đẳng tại các quốc gia đang phát triển nhằm chuyển đổi bền vững sang nền kinh tế carbon thấp và thiết lập quỹ đạo thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời, thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững của mình. Quá trình chuyển đổi năng lượng phải công bằng và toàn diện cho người lao động, cộng đồng địa phương và những người bị ảnh hưởng thông qua việc tạo ra các cơ hội kinh tế, việc làm mới, đào tạo lại kỹ năng, xây dựng năng lực, tăng cường mạng lưới an sinh xã hội.
Các đại biểu trong nước và quốc tế tham gia hội thảo đã trao đổi, chia sẻ những tri thức và kinh nghiệm về chuyển đổi năng lượng công bằng.
Việt Nam và Canada thúc đẩy hợp tác trong chuyển đổi năng lượng
Tại buổi tiếp Đại sứ Canada tại Việt Nam Shawn Perry Steil vào ngày 23/5, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định Việt Nam hết sức coi trọng, đánh giá cao mối quan hệ hợp tác hữu nghị với Canada.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá cao các hành động tích cực của Canada trong khuôn khổ thực hiện Quan hệ đối tác về chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) của nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) và đối tác quốc tế mà Việt Nam cũng tham gia; cho rằng hai nước cần thúc đẩy mô hình hợp tác tiêu biểu trong chuyển đổi năng lượng.
Phó Thủ tướng tin tưởng thông qua các diễn đàn, cơ chế hợp tác đa phương, hai nước sẽ tiếp tục mở rộng hợp tác song phương trong nhiều lĩnh vực; mong muốn Canada tiếp tục chia sẻ các bài học kinh nghiệm, hỗ trợ Việt Nam trong phát triển xanh, bền vững, thực hiện net zero.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tiếp Đại sứ Canada tại Việt Nam Shawn Perry Steil. (Ảnh: VGP)
Đại sứ Canada tại Việt Nam Shawn Perry Steil cho rằng Việt Nam đã có nhiều cam kết cùng các sáng kiến, nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu và đã đạt được những kết quả tích cực. Vì vậy, Canada sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam về kỹ thuật, công nghệ, quản trị, huy động nguồn lực để thực hiện các mục tiêu về ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng, net zero, hình thành thị trường tín chỉ carbon… Đồng thời mong muốn tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong những lĩnh vực mà Canada có lợi thế như công nghệ sạch, năng lượng sạch, sản xuất năng lượng ngoài điện than…
Tăng cường biện pháp đảm bảo an toàn phòng cháy với hệ thống điện quốc gia
Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ Công Thương vừa có công điện số 3175/CĐ-PCTT ngày 24/5/2023 gửi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Sở Công Thương các tỉnh, thành phố về việc tăng cường các biện pháp cấp bách đảm bảo an toàn, phòng cháy, chữa cháy đối với hệ thống điện quốc gia.
Trong đó, yêu cầu EVN triển khai phương án ứng phó với tình hình thiên tai, nắng nóng diễn biến phức tạp trong thời gian tới, đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định, đặc biệt cho các phụ tải quan trọng. Bảo đảm an toàn công trình điện lực và an toàn hệ thống điện quốc gia.
Chỉ đạo Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia và các đơn vị tăng cường kiểm tra, rà soát phát hiện sớm và khắc phục kịp thời những thiếu sót, vi phạm về an toàn điện, phòng chống cháy nổ. Kiểm tra các hệ thống báo cháy, chữa cháy, phương tiện chữa cháy đảm bảo đầy đủ về số lượng và luôn trong tình trạng sẵn sàng hoạt động để xử lý kịp thời, tại chỗ các sự cố cháy nổ ở giai đoạn phát sinh, không để hậu quả xảy ra.
Công nhân truyền tải điện thực hiện cắt bãi sậy, cỏ dại trong lồng trụ điện phòng ngừa nguy cơ xảy ra cháy
Chỉ đạo các đơn vị thuộc phạm vi quản lý tăng cường công tác tự tuần tra, kiểm tra hệ thống lưới điện, nhất là các vị trí xung yếu, phụ tải lớn và các khu vực đường dây truyền tải đi qua vị trí có nguy cơ cháy rừng, đảm bảo an toàn hành lang lưới điện theo đúng quy định hiện hành.
Sở Công Thương các tỉnh/thành phố phối hợp với EVN chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về công tác an toàn, phòng chống cháy nổ tại các đơn vị sản xuất, truyền tải, phân phối, sử dụng điện trên địa bàn quản lý, nhất là các công trình trọng điểm có nguy cơ gây mất an toàn, cháy nổ, những vị trí xung yếu, phụ tải lớn và các khu vực đường dây truyền tải đi qua vị trí có nguy cơ cháy rừng để phát hiện và khắc phục kịp thời những thiếu sót, vi phạm về phòng cháy, chữa cháy có thể dẫn đến cháy nổ.
Phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về an toàn, phòng chống cháy nổ cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.
Ngân Hà