A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bản tin năng lượng số 19/2024

Bộ Công Thương vừa có văn bản 735/ĐTĐL-GP lấy ý kiến về dự thảo Thông tư quy định phương pháp xây dựng khung giá thủy điện tích năng.

Đề xuất phương pháp xây dựng khung giá thủy điện tích năng

Bộ Công Thương đã ban hành các thông tư quy định phương pháp xây dựng khung giá cho các nhà máy thủy điện, nhiệt điện, mặt trời và điện gió, điện rác, sinh khối. Đối với loại hình nhà máy thủy điện tích năng và thủy điện mở rộng định hướng phát triển trong thời gian tới cần thiết phải bổ sung quy định về khung giá phát điện, Bộ Công Thương đã xây dựng dự thảo Thông tư quy định phương pháp xây dựng khung giá phát điện nhà máy thủy điện tích năng và gửi lấy ý kiến các đơn vị có liên quan, Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Đề xuất phương pháp xây dựng khung giá thủy điện tích năng

Dự thảo Thông tư có 4 chương và 11 điều khoản. Điểm đặc biệt của khung giá nhà máy thủy điện tích năng là có thành phần giá biến đổi là thành phần để thu hồi chi phí tích trữ nước, được xác định theo sản lượng điện tiêu thụ trong chu kỳ tích trữ nước và đơn giá bán lẻ điện giờ thấp điểm áp dụng cho các ngành sản xuất theo quy định. Sau khi Thông tư quy định khung giá phát điện của nhà máy thủy điện tích năng được ban hành, các nhà máy điện thủy điện tích năng sẽ đàm phán giá với Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Theo đó, khung giá phát điện của nhà máy điện thủy điện tích năng là dải giá trị từ 0 (đồng/kWh) đến mức giá của nhà máy điện chuẩn. Mức giá của nhà máy điện chuẩn được xác định theo phương pháp quy định tại Điều 4, Điều 5, Điều 6 và Điều 7 Thông tư này.

Trong thông tư cũng quy định chi tiết phương pháp, công thức tính cho từng loại thành phần nhằm xác định khung giá.

Bộ Công Thương trình Chính phủ Nghị định về cơ chế DPPA

Bộ Công Thương vừa có Tờ trình số 3526/TTr-BCT gửi Chính phủ về việc xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn (cơ chế DPPA).

Bộ Công Thương trình Chính phủ Nghị định về cơ chế DPPA

Theo đó, mục đích của việc xây dựng Nghị định nhằm giúp Chính phủ thực hiện nhiệm vụ quản lý để bảo đảm đồng thời nhiều mục tiêu như: đáp ứng xu hướng sử dụng năng lượng sạch của khách hàng sử dụng điện; góp phần thu hút đầu tư vào việc phát triển bền vững năng lượng tái tạo nhằm bảo vệ môi trường; hướng đến việc triển khai thị trường bán lẻ điện cạnh tranh tại Việt Nam; nâng cao tính hiệu quả của công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện lớn. Dự thảo Nghị định bao gồm 5 chương, 30 điều và 5 phụ lục.

Nghị định quy định về cơ chế DPPA có 2 chính sách gồm mua bán điện trực tiếp qua đường dây riêng và qua lưới điện quốc gia.

Tham vấn cộng đồng về dự án nhà máy điện rác tại Nam Định

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa công bố việc tham vấn cộng đồng về báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án Nhà máy điện rác Greenity Nam Định.

Chủ đầu tư dự án là Công ty CP Năng lượng Greenity Nam Định. Dự án được xây dựng trên diện tích 7,5 ha, tại xã Mỹ Thành, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định. Dự án có tổng vốn đầu tư 1.490 tỷ đồng; dự kiến hoàn thành và bắt đầu tiếp nhận, xử lý rác thải vào tháng 9/2025.

Đây là một dự án quan trọng nhằm xử lý rác thải sinh hoạt và rác thải công nghiệp thông thường của tỉnh Nam Định bằng phương pháp đốt, giảm thiểu việc chôn lấp, góp phần bảo vệ môi trường. Mỗi ngày, nhà máy sẽ tiếp nhận và xử lý khoảng 950 tấn rác tươi, trong đó 700 tấn sẽ được đưa vào lò đốt.

Ảnh minh họa

Trong quá trình thực hiện, dự án đã trải qua 6 lần điều chỉnh chủ trương đầu tư để phù hợp với các quy hoạch ngành điện và yêu cầu của địa phương. Ban đầu, dự án có tên "Xây dựng khu xử lý rác thải" với công suất xử lý 495 tấn/ngày không phát điện. Tuy nhiên, sau nhiều lần điều chỉnh, dự án đã được đổi tên thành "Nhà máy điện rác Greenity Nam Định" và nâng công suất xử lý lên 700 tấn/ngày, đồng thời bổ sung tổ máy phát điện với công suất 15MW.

Việc xây dựng Nhà máy điện rác Greenity Nam Định không chỉ giúp giải quyết vấn đề rác thải sinh hoạt của tỉnh mà còn góp phần tạo ra năng lượng sạch, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Với tổ máy phát điện công suất 15MW, dự án sẽ cung cấp một lượng điện năng đáng kể, góp phần vào việc phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.

Doanh nghiệp cam kết tuân thủ đúng các nội dung về công nghệ xử lý rác thải theo chủ trương dự án đầu tư đã được UBND tỉnh Nam Định phê duyệt và theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ; chịu trách nhiệm đền bù khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại nếu có sự cố.

Ngân Hà


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Tìm kiếm

Tìm kiếm