Ứng xử bình tĩnh khi giải quyết va chạm giao thông
Va chạm giao thông trên đường là những tình huống không may nhưng diễn ra khá phổ biến hiện nay. Thiệt hại về tài sản sau vụ va chạm có thể không lớn, nhưng nhiều sự việc để lại hậu quả nghiêm trọng khi mà các bên thiếu kiềm chế dẫn đến những hành vi ứng xử không chuẩn mực, thậm chí vi phạm pháp luật hình sự.
Với lưu lượng người và xe tham gia giao thông trên các tuyến đường hiện nay rất lớn nên sự cố va chạm giữa các phương tiện đôi khi chỉ là do vô ý, mà chính người điều khiển phương tiện cũng không thể lường trước được.
Thay vì tìm cách giải quyết nhẹ nhàng, hài hòa cho cả đôi bên, thì cách ứng xử trong nhiều vụ va chạm giao thông đã trở thành nguyên nhân dẫn đến những vụ án mạng rất nghiêm trọng.
Đơn cử, vụ việc xảy ra vào hồi 16 giờ ngày 4/3, tại khu vực đường kè hồ Tây, phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội. Anh L.X.T. điều khiển xe ô tô taxi va chạm với xe máy do Trần Duy Quang (SN 2003, trú tại huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa) điều khiển, khiến xe máy của Quang bị loạng choạng. Sau đó, hai bên đã xảy ra tranh cãi. Khi anh T. mở cốp xe taxi lấy ra một vật dài khoảng 40cm đuổi đánh, Quang giơ tay lên đỡ và đấm thẳng vào mặt, rồi cầm mũ bảo hiểm đánh vào đầu tài xế taxi. Được người dân can ngăn, hai bên lên xe rời đi. Đến tối cùng ngày, thấy sức khỏe diễn biến xấu, gia đình đã đưa anh L.X.T. đi cấp cứu nhưng lái xe taxi đã tử vong do chấn thương sọ não. Hiện đối tượng Quang đã bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về hành vi cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người.
Một vụ việc khác xảy ra vào khoảng 23 giờ ngày 5/3, khi chị L.H.T. (SN 1988, ở quận Tây Hồ, Hà Nội, nghề nghiệp lao động tự do) điều khiển xe ô tô BKS 30H-11.XXX di chuyển trên đường Trần Cung, hướng đi Phạm Văn Đồng đã va chạm với xe máy của anh N.V.A. đang dừng xe sát vỉa hè đường Trần Cung. Sau đó, cả 2 bên có xảy ra tranh cãi, có ý định “nói chuyện” bằng tay chân… làm kích động sự hiếu kỳ của người dân xung quanh. Nhiều người quay và đăng video clip lên các nền tảng xã hội. Sau vụ va chạm này, ngày 10/3, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an TP Hà Nội đã hoàn thiện hồ sơ đề xuất xử phạt hành chính đối với chị L.H.T. về hành vi điều khiển ô tô mà trong hơi thở có nồng độ cồn (0,573 miligram/lít khí thở), cùng với lỗi điều khiển phương tiện không quan sát gây tai nạn, với tổng số tiền 46 triệu đồng, phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng.
Qua hai vụ việc nói trên cho thấy, cách ứng xử bình tĩnh, giữ cái “đầu lạnh” nếu chẳng may xảy ra va chạm giao thông trên đường là hết sức cần thiết với mỗi người và cần phải trở thành văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông trong thời đại hiện nay. Bởi nếu không chỉ từ một va chạm giao thông không đáng có, thiệt hại về tài sản không lớn, có thể dừng lại giải quyết bằng tình cảm như một lời xin lỗi, hay bồi thường trách nhiệm dân sự, thì chính sự thiếu kiềm chế trong phát ngôn, thậm chí là hung hăng, côn đồ của một trong các bên liên quan đã đẩy sự việc đến cãi vã, ẩu đả thậm chí là án mạng xảy ra.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Quang Hùng (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, nếu có va chạm giao thông, các bên cần bình tĩnh, nhẹ nhàng giải quyết. Với những vụ va chạm không quá nghiêm trọng về người và tài sản, các bên có thể tự thỏa thuận và thương lượng với nhau trên tinh thần cảm thông, hài hòa đôi bên. Trường hợp một trong các bên có dấu hiệu không kiềm chế được cảm xúc, có ý định xâm phạm tài sản, sức khỏe, tính mạng... hoặc vụ việc nghiêm trọng, phức tạp thì cần giữ nguyên hiện trường và báo với cơ quan công an để can thiệp kịp thời. Tuyệt đối không nên vì bức xúc, nóng giận nhất thời mà có những hành động mang tính cực đoan, dễ dẫn tới hậu quả pháp lý là các vụ án hình sự, bị điều tra truy tố ở các tội danh như giết người; cố ý gây thương tích; gây rối trật tự công cộng…