A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phát hiện sớm các biến thể mới, tăng cường phòng dịch cuối năm

Theo Bộ Y tế, hiện nay là giai đoạn vào mùa Đông Xuân, tạo điều kiện thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm xuất hiện, lây lan, nhất là bệnh lây truyền qua đường hô hấp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch bệnh truyền nhiễm.

Việt Nam chưa ghi nhận biến thể mới, bất thường của COVID-19

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, trong thời gian qua, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm ghi nhận các thông tin về việc gia tăng các trường hợp mắc bệnh đường hô hấp và các trường hợp mắc cúm A(H5/N1), COVID-19 tại một số quốc gia trong khu vực.

Người dân Hà Nội tiêm Covid-19.

Người dân Hà Nội tiêm vắc xin COVID-19

Tại Trung Quốc, ngày 13/11/2023 đã thông báo về việc gia tăng số ca mắc các bệnh về đường hô hấp; Đồng thời ghi nhận chùm ca bệnh viêm phổi chưa rõ nguyên nhân ở trẻ em xảy ra tại một số tỉnh miền Bắc Trung Quốc.

Ngày 26/11/2023, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc đã họp báo và nhận định nguyên nhân chính là do đang vào mùa đông, thời tiết lạnh, thay đổi bất thường.

Tại Malaysia, Singapore số mắc COVID-19 theo tuần ghi nhận gia tăng từ 50-100%; tại Singapore, số nhập viện do COVID-19 ghi nhận tăng khoảng 65% trong tuần từ 26/11-2/12/2023.

Cơ quan Y tế các quốc gia này nhận định nguyên nhân gia tăng trở lại số mắc COVID-19 là do giảm khả năng miễn dịch của người dân và gia tăng giao thương trong mùa du lịch và lễ hội cuối năm.

Tại Campuchia, trong các ngày 23 và 24/11/2023 ghi nhận thêm 2 ca mắc cúm A/H5N1 ở người; tích lũy năm 2023, Campuchia đã ghi nhận 06 ca mắc ở người, trong đó có 03 ca tử vong.

TS Hoàng Minh Đức - Phó Cục trưởng phụ trách, quản lý, điều hành Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế thông tin tại buổi gặp mặt báo chí cung cấp thông tin y tế.

TS Hoàng Minh Đức , Phó Cục trưởng phụ trách, quản lý, điều hành Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế thông tin tại buổi gặp mặt báo chí cung cấp thông tin y tế

Tại Việt Nam, Tiến sỹ Hoàng Minh Đức, Phó Cục trưởng Phụ trách, quản lý điều hành Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết: "Hiện đang trong giai đoạn vào mùa Đông Xuân, thời tiết chuyển mùa thay đổi bất thường là nguyên nhân của sự xuất hiện và lây lan các dịch bệnh truyền nhiễm, nhất là bệnh lây truyền qua đường hô hấp như cúm, sởi, rubella, ho gà..., tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch bệnh truyền nhiễm.

Đây cũng là thời điểm nhu cầu giao thương, du lịch cuối năm tăng cao, là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh lây lan, có thể làm gia tăng số mắc các bệnh truyền nhiễm, các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, nhất là với nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh như trẻ em có sức đề kháng yếu, người cao tuổi có bệnh lý nền".

Ngoài ra, với công tác phòng, chống COVID-19, Tại Việt Nam, tình hình COVID-19 vẫn đang được kiểm soát; Số mắc ghi nhận thấp, rải rác tại một số địa phương và phần lớn có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng; số nhập viện và số bệnh nhân nặng tại các cơ sở điều trị thấp.

Kết quả giám sát tác nhân gây bệnh, hiện chưa ghi nhận biến thể mới, bất thường. Để tiếp tục kiểm soát hiệu quả, bền vững với COVID-19 và chuẩn bị sẵn sàng, chủ động ứng phó trong trường hợp COVID-19 quay trở lại, Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch kiểm soát, quản lý bền vững dịch bệnh COVID-19, giai đoạn 2023-2025 theo Quyết định số 3984/QĐ-BYT ngày 29/10/2023, trong đó có phương án sẵn sàng đảm bảo công tác y tế trong tình huống dịch COVID-19 có biến chủng mới nguy hiểm hơn, bùng phát mạnh trên diện rộng, vượt quá năng lực của hệ thống.

Tăng cường các biện pháp phòng bệnh dịp cuối năm

Đối với cúm gia cầm độc lực cao (A/H5N1), trong năm 2023, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp mắc ở người. Tuy nhiên theo thông tin từ Cục Thú Y - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thông, dịch cúm A/H5N1 trên gia cầm vẫn xảy ra rải rác ở các địa phương.

Thời tiết chuyển mùa thay đổi bất thường hiện nay là điều kiện thuận lợi cho virus cúm gia cầm phát triển; đồng thời hiện cũng bắt đầu có xu hướng tăng nuôi gia cầm chuẩn bị dịp Tết Nguyên đán 2024 nên tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm sang người.

Để chủ động ngăn chặn cúm gia cầm xâm nhập và lây nhiễm sang người, Bộ Y tế đã đề nghị các địa phương tăng cường công tác phòng, chống cúm gia cầm lây sang người.

Điều trị cho bệnh nhân mắc sốt xuất huyết tại Bệnh viện đa khoa Đống Đa (Hà Nội).

Điều trị cho bệnh nhân mắc sốt xuất huyết tại Bệnh viện đa khoa Đống Đa (Hà Nội)

Ở thời điểm hiện tại, dịch sốt xuất huyết (SXH) và số ca mắc đã và đang có chiều hướng giảm ở khu vực phía Bắc.

Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho hay, tuần vừa qua số ca mắc SXH trên địa bàn thành phố đã giảm gần 240 ca so với tuần trước đó và giảm khoảng 400 ca so với những tuần cuối tháng 10 và đầu tháng 11/2023. Nếu như cuối tháng 10 và đầu tháng 11 vừa qua, số ca mắc SXH ghi nhận trên địa bàn Hà Nội trong khoảng từ 2.600-2.700 ca/tuần thì đến thời điểm này đã giảm xuống còn hơn 2.200 ca/tuần.

Tuy nhiên, ở một số địa phương, dịch SXH vẫn diễn biến phức tạp. Tại Quảng Bình, thời tiết diễn biến bất thường đã tạo điều kiện cho dịch bệnh SXH Dengue bùng phát, số ca mắc có chiều hướng gia tăng. Chỉ trong 1 tuần ghi nhận thêm 159 người mắc SXH, trong đó có 1 trường hợp tử vong. Theo CDC Quảng Bình, từ đầu năm đến nay đã ghi nhận 1.360 ca mắc SXH Dengue, 1 trường hợp tử vong.

Trước đó, Bộ Y tế đã có văn bản gửi các Viện trưởng các Viện Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương; Viện Pasteur Nha Trang; Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên; Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh về việc tiếp tục chủ động theo dõi tình hình dịch bệnh.

Hiện nay là giai đoạn vào mùa Đông Xuân, tạo điều kiện thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm xuất hiện, lây lan, nhất là bệnh lây truyền qua đường hô hấp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch bệnh truyền nhiễm. Bên cạnh đó một số bệnh lưu hành như SXH, tay chân miệng…và một số bệnh có vắc xin dự phòng vẫn ghi nhận số mắc gia tăng ở nhiều nơi.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Tìm kiếm

Tìm kiếm