Nỗ lực đưa học sinh vùng cao trở lại trường sau kỳ nghỉ Tết
Trước và sau kỳ nghỉ Tết, ngành GD&ĐT Điện Biên đã chủ động tăng cường tuyên truyền, vận động học sinh đến trường, ổn định tình hình học tập.
Giáo viên vùng cao Điện Biên vận động phụ huynh cho con tới lớp học. |
Duy trì sĩ số lớp sau kỳ nghỉ Tết
Sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán, số lượng học sinh trở lại lớp của các trường ở các huyện, xã vùng sâu, vùng cao, biên giới của tỉnh Điện Biên luôn thấp hơn so với ngày thường, trung bình chỉ khoảng 70-85%.
Đây là thực trạng phổ biến bởi ảnh hưởng của phong tục tập quán và thói quen sinh hoạt lâu đời của bà con người dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Thầy Nguyễn Thành Lân, Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Na Cô Sa, huyện Nậm Pồ (Điện Biên) chia sẻ: Sau dịp Tết Nguyên đán, tỷ lệ học sinh đến trường là 576/727 (79,2%) đây là con số khá thấp.
Tình trạng này diễn ra do đặc điểm dân cư trên địa bàn đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số, các em học sinh thường có tâm lý nghỉ Tết kéo dài vì các lễ hội, văn hoá truyền thống. Ngoài ra, có học sinh tận dụng thời gian này để phụ giúp gia đình công việc đồng áng, chăm sóc gia súc, gia cầm…
Bên cạnh đó, có những học sinh theo bạn bè xuống thành phố để kiếm tiền, nhưng do chưa đủ tuổi lao động và thiếu kỹ năng, các em thường chỉ làm được vài ngày rồi lại phải về.
Một số khác bị bạn bè rủ rê, thấy bạn bè có điện thoại, tiền bạc để chi tiêu, nên cũng muốn thử sức, nhưng cuối cùng đều phải quay lại khi nhận ra không thể bám trụ lâu dài.
Những trải nghiệm này đôi khi khiến các em có những suy nghĩ lệch lạc về giá trị của việc học hành, cho rằng việc kiếm tiền nhanh chóng có thể thay thế cho con đường học vấn.
Còn tại Trường PTDTBT THCS Mường Mùn, huyện Tuần Giáo (Điện Biên), thầy Nguyễn Anh Tuấn Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Đến thời điểm này, học sinh của trường ra lớp được 397/461 (83%), tỷ lệ này đã cao hơn so với mọi năm. Tuy nhiên, để khắc phục hoàn toàn việc học sinh vắng mặt sau kỳ nghỉ Tết là rất khó khăn.
Ở bậc THCS, học sinh nhà trường đã là lao động chính trong gia đình, vì vậy không chỉ dịp này mà vào các dịp mùa vụ khác, tỷ lệ học sinh đến lớp đều đặn cũng giảm vì các em phải ở nhà phụ giúp gia đình.
Ngoài ra, một số phụ huynh còn chủ quan cho rằng, việc giúp học sinh học tập là chuyện của nhà trường, bản thân không cần quá quan tâm vào việc nhắc nhở con em mình. Thực trạng này không chỉ gây khó khăn cho công tác duy trì tỷ lệ học sinh đến lớp, mà còn ảnh hưởng lớn đến chất lượng giáo dục tại địa phương...
Nỗ lực giúp học sinh đi học đầy đủ
Trước thực trạng bỏ học hoặc đi học không chuyên cần sau Tết Nguyên đán, nhiều giải pháp đã được toàn ngành GD&ĐT Điện Biên đề ra.
Theo thầy Nguyễn Thành Lân, Hiệu trưởng Trường THCS Na Cô Sa, huyện Nậm Pồ (Điện Biên) việc học sinh bỏ học, vắng học sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng giảng dạy và học tập, dẫn đến khả năng tiếp thu bài của các em rất chậm, dần chán nản và bỏ học luôn.
Nắm bắt rõ vấn đề này, nhiều năm qua, trường đã rất chủ động trong việc vận động học sinh trở lại trường sau kỳ nghỉ lễ, Tết. Để duy trì sĩ số lớp, trước khi học sinh nghỉ, nhà trường đã tổ chức họp cha mẹ học sinh đề nghị cam kết đưa con đến trường đúng thời gian quy định.
Đặc biệt, nhà trường tổ chức họp riêng với học sinh nữ để tư vấn, nhắc nhở về quan hệ giới tính, sức khỏe sinh sản vị thành niên trong thời gian nghỉ Tết tại gia đình.
Ngoài ra, nhà trường còn giao giáo viên chủ nhiệm các lớp giữ liên lạc với học sinh và gia đình để kịp thời nắm bắt những trường hợp có nguy cơ nghỉ học; phối hợp với các đoàn thể tặng quà động viên những học sinh có hoàn cảnh khó khăn để các em có nghị lực đi học…
Thầy giáo Nghiêm Minh Hải, giáo viên Chủ nhiệm lớp 9A3 Trường THCS Na Cô Sa, từ quê vượt gần 200km để có mặt ở trường sớm hơn thời hạn được nghỉ 2 ngày. Nhận kế hoạch nhà trường phân công, thầy Hải phối hợp cùng cô giáo Giàng Thị Nga, đến từng nhà học sinh để tuyên truyền, vận động đến trường.
“Việc vận động học sinh ra lớp mất rất nhiều thời. Bởi địa hình khu vực này chủ yếu là đồi núi, dốc cao, hiểm trở, đường đất và nhà của học sinh cách nhau khá xa. Nhưng với quyết tâm đưa học sinh tới trường chúng tôi đã vượt qua tất cả khó khăn trên, gõ cửa từng nhà, gặp bằng được học sinh để vận động các em đi học”, thầy Hải chia sẻ.
Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT Điện Biên Trần Thị Tố Uyên cho biết: Ngay từ trước Tết, Sở đã có văn bản chỉ đạo phòng GD&ĐT trên địa bàn chủ động đưa ra các giải pháp phù hợp để giảm tình trạng học sinh bỏ học sau Tết.
Theo đó, nhiều cơ sở giáo dục đã có kế hoạch hạn chế tình trạng học sinh bỏ học ngay từ trước Tết, như: kiểm tra, duy trì sĩ số lớp học, nề nếp dạy và học của trường, thực hiện các giải pháp động viên, khuyến khích học sinh đi học đều.
Ngoài ra, để thu hút học sinh đến trường sau mỗi đợt nghỉ dài, nhất là nghỉ Tết, Sở chỉ đạo các nhà trường tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ vào dịp đầu năm mới để học sinh hứng thú hơn khi trở lại trường sau thời gian nghỉ học dài ngày…
Theo thống kê của Sở GD&ĐT Điện Biên, hiện tỷ lệ trung bình học sinh trở lại học sau Tết của toàn tỉnh ở tất cả các cấp học là 155434/193160 đạt 80,46% (Mầm non đạt 72,21%; Tiểu học đạt 82,70%; THCS đạt 83,10%; THPT đạt 88,57%).