"Nghiện" đường sắt trên cao, người Hà Nội "bái bai" xe cá nhân
Những ngày Tết Nguyên Đán Ất Tỵ 2025, người dân Thủ đô và du khách đã được trải nghiệm một cái Tết thật khác biệt, đó là di chuyển bằng đường sắt đô thị (ĐSĐT) trên cao, một trải nghiệm "Xanh - Sạch - An toàn" mà "Hành trình xanh cùng Hanoi Metro" mang lại.
Đi một lần rồi “nghiện”
Theo thông tin từ Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội, trong 5 ngày Tết (từ 26/01 đến 31/01/2025), hai tuyến ĐSĐT 2A Cát Linh - Hà Đông và 3.1 Nhổn - Ga Hà Nội đã vận hành 100% số chuyến tàu theo kế hoạch, với tổng cộng 1.780 lượt tàu, tương đương 19.316 km vận hành.
Đón giao thừa trên tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông là trải nghiêm tuyệt vời của khách hàng |
Điều đáng mừng là số lượng hành khách sử dụng ĐSĐT đã tăng đáng kể so với dịp Tết Nguyên Đán năm 2024. Cụ thể, tuyến 2A đã phục vụ trên 50,9 nghìn lượt hành khách, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuyến 3.1, dù mới đi vào hoạt động, cũng đã thu hút hơn 23,5 nghìn lượt hành khách.
Tổng cộng, trong dịp Tết Nguyên Đán vừa qua, ĐSĐT Hà Nội đã phục vụ 74.503 lượt hành khách, góp phần quan trọng vào việc giảm tải ùn tắc giao thông và mang đến một phương tiện di chuyển văn minh, hiện đại cho người dân.
Từ khi tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông đi vào hoạt động, người dân Thủ đô đã có thêm một lựa chọn di chuyển mới, đó là phương tiện công cộng "xịn sò", văn minh và nhanh chóng. Không ít người đã "nghiên" luôn cái cảm giác vi vu trên cao, ngắm phố phường từ trên cao, di chuyển văn minh, tiện lợi, nhanh nhất trong các phương tiện giao thông hiện nay tại nội đô thành phố. Rất nhiều người chỉ đi đường sắt trên cao vài lần sau đó "bái bai" luôn cho những chiếc xe máy, ô tô cá nhân.
Trong 5 ngày Tết Nguyên đán (Từ 26/01 – 31/01/2025), Tuyến 2A và tuyến 3.1 đã hoàn thành 100% lượt tàu chở khách theo phương án đề ra, cụ thể như sau: - Về chuyến lượt: Tổng cộng 2 Tuyến đã vận hành 1.780 lượt tàu chở khách với 19.316 km. (Tuyến 2A: 900 lượt tàu; Tuyến 3.1: 880 lượt) - Về sản lượng hành khách vận chuyển 2 tuyến đạt 74.503 lượt hành khách, trong đó tuyến 2A trên 50,9 nghìn hành khách, tăng 15,0% so với cùng kỳ năm 2024; tuyến 3.1 trên 23,5 nghìn hành khách. |
Chị Lan, một người dân sống ở quận Đống Đa, chia sẻ: "Từ ngày có đường sắt trên cao, tôi đi làm bằng tàu điện suốt. Vừa nhanh, vừa khỏe, lại không phải lo cảnh tắc đường, khói bụi. Giờ mà bảo tôi đi xe máy chắc tôi cũng chịu."
Không chỉ có chị Lan, mà rất nhiều người dân khác cũng đã "phải lòng" đường sắt trên cao. Họ nhận ra rằng, việc di chuyển bằng phương tiện công cộng không chỉ giúp tiết kiệm thời gian, tiền bạc, mà còn góp phần bảo vệ môi trường.
Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông sự lựa chọn của đông đảo người dân |
"Đi đường sắt trên cao, tôi thấy mình văn minh hơn hẳn. Không còn phải lo lắng về việc tìm chỗ đỗ xe, không phải hít khói bụi, lại còn được ngắm cảnh đẹp nữa chứ," anh Tùng, một người dân sống ở quận Thanh Xuân, vui vẻ nói.
Đường sắt trên cao không chỉ thu hút người dân bởi sự tiện lợi, mà còn bởi những trải nghiệm thú vị. Nhiều người dân đã trở thành "fan cứng" của đường sắt trên cao, thường xuyên chia sẻ những hình ảnh, video về những chuyến đi của mình trên mạng xã hội.
Sự "nghiện" đường sắt trên cao của người dân Thủ đô là một tín hiệu đáng mừng, cho thấy người dân ngày càng ý thức hơn về việc sử dụng phương tiện công cộng. Đây cũng là động lực để các cơ quan chức năng tiếp tục đầu tư, phát triển hệ thống giao thông công cộng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân.
Đường sắt đô thị - trung tâm kết nối vận tải
Không chỉ giải quyết bài toán tắc đường, Metro Hà Nội còn mở ra hướng đi mới cho nền vận tải xanh, tạo đà cho sự phát triển bền vững của đô thị và lan tỏa văn hóa giao thông thông minh. Dịp Tết Nguyên đán, các phương án tối ưu vận hành và chiến dịch kích cầu được triển khai, hứa hẹn mang đến trải nghiệm thuận tiện, an toàn cho người dân.
Những ngày đầu xuân, các tuyến đường sắt đô thị tiếp tục là phương tiện được đông đảo người dân lựa chọn
Checkin trên tuyến đường sắt đô thị trên cao Cát Linh - Hà Đông |
“Metro Hà Nội về đích, mỗi ngày tuyến Cát Linh - Hà Đông phục vụ khoảng 40.000 khách, quy ra là 200 chuyến tàu. Năng lượng và khí thải ra môi trường đã giảm đi phần nào. Nó không chỉ phục vụ thân thiện, nó cho chúng ta thói quen đi lại mới, ở vị trí này chúng ta biết nên đi vào lúc nào. Cuối cùng hướng tới một tương lai giao thông thông minh” - ông Lê Kim Thành Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia chia sẻ.
Bên cạnh đó, để hướng tới nền vận tải bền vững, các đơn vị vận tải Thủ đô trong thời gian gần đây cũng nỗ lực cải thiện, tiến tới hành trình xanh. “Tự thân các đơn rất cố gắng theo các chủ trương của Nhà nước, địa phương, chúng ta đã chuyển đổi mạnh mẽ, người dân di chuyển bằng phương tiện công cộng nhiều hơn, văn minh hơn” - ông Nguyễn Trọng Thông Chủ tịch Hiệp hội Vận tải HKCC Hà Nội cho biết.
Hôm nay, tuyến Nhổn - Ga Hà Nội vận hành theo biểu đồ tiêu chuẩn Không chỉ có kết quả vận hành ấn tượng trong dịp Tết, ĐSĐT Hà Nội còn mang đến một tin vui nữa cho người dân Thủ đô. Kể từ ngày 3/2/2025, tuyến 3.1 Nhổn - Ga Hà Nội sẽ chính thức vận hành theo biểu đồ tiêu chuẩn. Cụ thể, vào các ngày thường, tàu sẽ chạy từ 5h30 sáng đến 22h tối, với tần suất 10 phút/chuyến. Đặc biệt, vào giờ cao điểm, tần suất sẽ được rút ngắn xuống 6 phút/chuyến, đáp ứng tối đa nhu cầu di chuyển của hành khách. Vào các ngày Thứ Bảy, Chủ Nhật và ngày Lễ, thời gian chạy tàu vẫn là từ 5h30 đến 22h, với tần suất 10 phút/chuyến. |
Phát triển hệ thống giao thông công cộng không chỉ đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách mà còn lan toả văn hoá sử dụng giao thông thông minh của đô thị mới. Đặc biệt việc phát triển song hành và liên kết chặt chẽ giữa hệ thống xe buýt và các trạm Metro. Các tuyến xe buýt sẽ là mạch máu cung cấp lượng khách cho mạch chính là Metro.
Theo ông Nguyễn Công Nhật - Tổng Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ vận tải sinh thái Vinbus “Metro và xe buýt là mối quan hệ cộng sinh không thể thiếu, khi cả hai hình thức di chuyển này kết nối tốt chắc chắn lượng khách sẽ ngày một tăng”.
Với ga Cát Linh, được coi là cửa ngõ giao thông công cộng, có 7 tuyến xe buýt toả đi các quận, nếu như được dịch chuyển trạm chờ từ sân ga xuống còn 15 mét để tiếp cận, theo ông Nhật, ắt hẳn sẽ thu hút thêm nhiều khách sử dụng tuyến Metro này.
Đồng hành cùng “Hành trình xanh cùng Hà Nội Metro” và năm An toàn giao thông 2025, nhiều đơn vị vận tải như Grab hay Xanh SM cũng tung ra những chương trình kích cầu người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng.
Xanh SM đưa ra những ưu đãi khuyến mãi như miễn phí những chuyến xe dưới 40.000 đồng, gói hội viên 19k hay giảm 18%. Còn với công ty TNHH Grab cũng đăng ưu đãi giảm 50% cho khách hàng đặt những chuyến xe đến các ga thuộc đường sắt đô thị.