A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những ngôi nhà mái tranh có lịch sử 5.000 năm tuổi ở Nhật Bản

Nhà mái tranh có mối liên hệ sâu sắc với lịch sử và văn hóa Nhật Bản. Những ngôi nhà này đặc trưng bởi mái nhà làm từ rơm khô hoặc sậy, là một phần không thể thiếu trong di sản kiến trúc của nước Nhật trong nhiều thế kỷ.

Những ngôi nhà mái tranh có lịch sử 5.000 năm tuổi ở Nhật Bản

Nhà mái tranh có mối liên hệ sâu sắc với lịch sử và văn hóa Nhật Bản. Những ngôi nhà này đặc trưng bởi mái nhà làm từ rơm khô hoặc sậy, là một phần không thể thiếu trong di sản kiến trúc của nước Nhật trong nhiều thế kỷ.

Do các yếu tố khác nhau như đô thị hóa, hiện đại hóa, tính dễ mục cháy của mái tranh, số lượng nhà mái tranh ở Nhật Bản đã giảm đáng kể theo thời gian. Bất chấp điều này, làng Miyama và Kayabuki no Sato ở Kyoto đã góp những nỗ lực đáng kể trong việc bảo tồn và phát huy truyền thống lợp mái tranh.

Nhà mái tranh trong văn hóa Nhật Bản

Trong ít nhất năm thiên niên kỷ, các cộng đồng người Nhật đã lợp mái nhà từ cỏ, lau sậy hoặc rơm. Tuy nhiên, hiện nay chỉ còn lại một số lượng hạn chế các ngôi nhà lợp mái tranh, chủ yếu ở các vùng nông thôn và nơi thờ cúng. Nhà mái tranh cũng có mối liên hệ quan trọng với Thần đạo (Shinto giáo). Thần đạo, tôn giáo bản địa của Nhật Bản có nguồn gốc từ thời cổ đại, đề cao sự thuần khiết, lòng biết ơn và lối sống hài hòa với thế giới tự nhiên.

Nhà mái tranh cũng mang ý nghĩa văn hóa và tôn giáo với gia đình hoàng gia. Hoàng gia Nhật đã góp phần bảo tồn và quảng bá các phong cách kiến trúc truyền thống, bao gồm cả mái tranh, như một phần trong nỗ lực ủng hộ các thực hành Thần đạo và di sản văn hóa ở Nhật Bản.

"Khi hoàng đế lên ngôi, một ngôi nhà lợp tranh sẽ đặc biệt được xây dựng cho dịp này", Haruo Nishio, một trong những thợ lợp tranh cuối cùng còn lại của Nhật Bản, nói. Nishio cho biết âm kaya, có nghĩa là "tấm tranh" trong tiếng Nhật, là một phần tên của một vị thần trong thần thoại Nhật Bản. Vị thần này được cho là cha của vị hoàng đế đầu tiên, người được sinh ra trong một túp lều dang dở làm từ lông chim cốc.

Những ngôi nhà mái tranh có lịch sử 5.000 năm tuổi ở Nhật Bản - Ảnh 1.

Tại Miyama Futon & Breakfast, nền lò sưởi nằm ở trung tâm của ngôi nhà. Ảnh: Mara Budgen

Những mái tranh… tạo nên một không gian hư vô, bao gồm những năng lượng vô hình. Có lẽ đây không phải là một ngôi nhà mà là một nơi thờ cúng và nó được xây dựng để thể hiện lòng biết ơn với Thần, Phật và tổ tiên.

Haruo Nishio, một trong những thợ lợp tranh cuối cùng còn lại của Nhật Bản

Đối với Nishio, lợp mái tranh không chỉ là một nghề đơn thuần; nó là hoạt động kết nối ông với di sản văn hóa của Nhật Bản. Những năm 1990, Nishio, lúc đó 23 tuổi, quyết định chuyển từ Kyoto đến vùng nông thôn Miyama, nơi ông trở thành thợ lợp mái tranh trong bối cảnh nghề này sắp biến mất.

Ông đã mua Honkan, ngôi nhà mái tranh Miyama Futon & Breakfast, nơi được công nhận là Di sản Văn hóa Vật thể ở Nhật Bản. Nishio và gia đình đã sống ở đó bảy năm, thể hiện cam kết trong việc bảo tồn các tập quán truyền thống và di sản văn hóa vật thể gắn liền với nghề lợp tranh.

Sau khi sống trong ngôi nhà ở Miyama một thời gian, gia đình Nishio quyết định chuyển chỗ ở, cải tạo nhà cũ và tân trang lại một số nhà khác ở Miyama thành nơi ở cho du khách. Ông Nishio và gia đình chào đón những người khách đến khu vực và tạo cơ hội cho họ có trải nghiệm sống tuyệt vời ở Miyama.

Làng mái tranh Miyama và Kayabuki no Sato

Cái tên "Miyama" bắt nguồn từ một từ tiếng Nhật có nghĩa là "núi đẹp". Khu vực rộng 340 km vuông này có mật độ rừng rậm rạp và đặc trưng bởi các ngọn núi. Nơi đây có 57 ngôi làng với khoảng 3.400 người sinh sống. Trong phần lớn lịch sử của mình, Miyama bị tách biệt với phần còn lại của đất nước do khả năng kết nối hạn chế với các thành phố lớn như Kyoto.

Tuy nhiên, khoảng 60 năm trước, sự phát triển những con đường hiện đại đã giúp việc di chuyển đến Kyoto dễ dàng hơn. Do đó, các cư dân lớn tuổi của Miyama, những người lớn lên trong thời kỳ nơi này bị tách biệt và ít tiếp cận với các nguồn lực bên ngoài, phụ thuộc rất nhiều vào đất đai để sinh sống. Họ cùng với con cháu mình đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và truyền lại các truyền thống nông thôn cho thế hệ tiếp theo.

Gắn liền với nền văn hóa tự cung tự cấp, nhiều người dân tiếp tục dựa vào nông nghiệp và lâm nghiệp, và sống trong những ngôi nhà gỗ lợp mái tranh theo kiểu "mái đầu hồi". Một đặc điểm đáng chú ý của nhà tranh ở Miyama là phần trang trí dọc theo sườn mái thường là một thân cây đặt chéo với các đồ trang trí hình chữ X. Số lượng đồ trang trí luôn là số lẻ và từng là cách để thể hiện địa vị xã hội của một gia đình trong cộng đồng.

Những ngôi nhà mái tranh có lịch sử 5.000 năm tuổi ở Nhật Bản - Ảnh 3.

Hệ thống chữa cháy của Kayabuki no Sato được thử nghiệm hai lần một năm. Ảnh: Kyoto Miyama

Miyama là một ví dụ về bảo tồn làng truyền thống của Nhật Bản và là đại diện cho khái niệm "satoyama", đề cập đến việc các cảnh quan, hệ sinh thái và khu định cư của con người được duy trì hài hòa với thiên nhiên. Theo Noriko Kamisawa, một hướng dẫn viên địa phương, nhiều khu định cư ở Miyama duy trì những đặc điểm tiêu biểu của làng truyền thống Nhật Bản, với những điểm không thay đổi trong suốt một thế kỷ. Sự bảo tồn này góp phần làm cho ngôi làng trở thành một satoyama của Nhật Bản.

Qua việc lợp mái nhà bằng loại cỏ này, chúng tôi đang kể câu chuyện về sự vĩnh cửu.

Haruo Nishio

Mái tranh tượng trưng cho mối liên hệ vĩnh cửu với thiên nhiên và việc sử dụng susuki (một loại cỏ) làm nổi bật mối liên kết với các yếu tố tự nhiên. "Miễn là có mặt trời, đất, không khí và nước thì s usuki sẽ phát triển", Nishio nói.

Mái tranh ở Miyama, đặc biệt là ở làng Kayabuki no Sato, là một di sản văn hóa quan trọng. Kayabuki no Sato có gần 40 ngôi nhà mái tranh, một số có niên đại hai thế kỷ. Làng được công nhận là di sản quốc gia vào năm 1993, dẫn đến việc chính phủ trợ cấp 80% chi phí lợp mái tranh. Những mái nhà này cần được lợp lại sau 20 năm, với mái tranh cũ được tái chế làm phân bón.

Tuy nhiên nghề lợp tranh và những ngôi nhà tranh với lịch sử 5.000 năm tuổi đang đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm sự suy giảm của nghề thủ công truyền thống và dân số giảm.

Trái ngược với các quốc gia khác, chẳng hạn như Vương quốc Anh, nơi những ngôi nhà truyền thống và đồ thủ công được đánh giá cao, những ngôi nhà bằng gỗ ở Nhật Bản gần như mất giá trị sau 30 năm, thường dẫn đến việc bị bỏ hoang. Dân số của Miyama, chủ yếu là những người lớn tuổi, giảm khoảng 100 người mỗi năm, dẫn đến các cơ sở giáo dục và chăm sóc sức khỏe cũng hạn chế.

Những ngôi nhà mái tranh có lịch sử 5.000 năm tuổi ở Nhật Bản - Ảnh 5.

Du khách đến Miyama có thể trải nghiệm cuộc sống ở những ngôi làng nông thôn này và học các kỹ năng như lợp tranh. Ảnh: Hiệp hội Du lịch Kyoto Miyama

Du lịch bền vững góp phần bảo tồn nhà mái tranh

Ba mươi năm trước, mọi người thấy xấu hổ khi nói rằng họ đến từ Miyama. Giờ đây, họ tự hào về điều đó.

Takamido Waka, Giám đốc điều hành Hiệp hội Du lịch Kyoto Miyama

Để hồi sinh Miyama và các cảnh quan ở đây, du lịch bền vững được coi là một chiến lược quan trọng. Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản đã giới thiệu các chương trình như Countryside Stays, khuyến khích ở lại qua đêm tại các ngôi làng nông thôn như Miyama, cho phép du khách trải nghiệm truyền thống và lối sống độc đáo của người dân. Làn sóng du lịch này không chỉ tăng thu nhập mà còn cải thiện các dịch vụ, chẳng hạn như tăng tần suất vận chuyển. Những hỗ trợ và sáng kiến của chính phủ hướng đến mục tiêu duy trì di sản văn hóa và cải thiện triển vọng tương lai của Miyama.

Du lịch đã tác động tích cực đến khả năng bảo tồn và giá trị của những ngôi nhà mái tranh ở Miyama, phá vỡ chu kỳ mất giá và thay đổi nhận thức của người dân về cuộc sống nông thôn. Mối quan tâm đến nghề thủ công, các truyền thống và cảnh quan địa phương thúc đẩy việc gìn giữ các giá trị. Khách du lịch đến Miyama có thể trải nghiệm mọi thứ, từ lợp tranh, canh tác hữu cơ đến làm đồ thủ công từ tre thu hoạch tại địa phương cũng như tham quan Bảo tàng Little Indigo.

Những ngôi nhà mái tranh có lịch sử 5.000 năm tuổi ở Nhật Bản - Ảnh 6.

Ngay cả chuồng gà ở Miyama Futon & Breakfast cũng có mái tranh. Ảnh: Mara Budgen

Tôi nghĩ rằng sức hấp dẫn của một địa điểm không đến từ bởi các ngôi nhà mà là văn hóa và con người. Và ngày nay, chúng tôi vẫn nhiệt tình kết nối với những con người mới và xây dựng các mối quan hệ có ý nghĩa.

Toranosuke Nishio

Sự cởi mở ở Miyama có thể là do vai trò lịch sử của khu vực như là một điểm dừng dọc theo tuyến đường buôn bán, giúp dân làng tiếp xúc với các nền văn hóa khác nhau và mở rộng tầm nhìn của họ.

Theo Toranosuke Nishio, con trai của một thợ lợp tranh, điều làm nên sức hấp dẫn của một địa điểm không chỉ từ các cấu trúc hoặc vật chất mà còn bởi văn hóa và con người ở đó. Anh nhấn mạnh tầm quan trọng của các khía cạnh vô hình giúp tạo nên một địa điểm độc đáo và đáng nhớ. Theo Toranosuke, những tương tác và mối quan hệ được hình thành với các cá nhân là điều góp phần tạo nên sự phong phú và hấp dẫn của một địa điểm.

Thực hiện: Kim Ngọc


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Tìm kiếm

Tìm kiếm