A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

"Anh cán bộ Đoàn" viết sách về anh hùng Lý Tự Trọng

“Anh cán bộ Đoàn” là tên gọi trên mạng xã hội của anh Dương Trọng Phúc, Phó Hiệu trưởng Trường Đoàn Lý Tự Trọng, TP Hồ Chí Minh. Anh cũng là một trong 6 người Việt Nam được Microsoft toàn cầu công nhận là chuyên gia giáo dục sáng tạo cao cấp.

Năm 2021, anh Phúc cùng nhóm tác giả cho ra đời “Sổ tay tìm hiểu Luật Thanh niên 2020 tạo tác động lớn đến cán bộ Đoàn - Hội tại TP Hồ Chí Minh.

Năm 2022, anh lại cùng nhóm tác giả thực hiện quyển sách “Cẩm nang Tổ công nghệ số cộng đồng phát hành rộng rãi đến hơn 10.000 xã, phường, thị trấn trong cả nước.

Đầu năm 2024, thông tin về quyển sách“Chân dung anh hùng Lý Tự Trọng qua những tư liệu lịch sử” lại được chia sẻ rầm rộ trên các diễn đàn thanh niên, nhận được sự quan tâm lớn của đoàn viên, thanh niên.

Phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô đã có cuộc trò chuyện cùng anh về quá trình thực hiện quyển sách và những gửi gắm, tình cảm với công tác Đoàn trước thềm tháng thanh niên 2024.

quyển sách“Chân dung anh hùng Lý Tự Trọng qua những tư liệu lịch sử”
Tác phẩm "Chân dung anh hùng Lý Tự Trọng qua những tư liệu lịch sử”

- PV: Chào anh Phúc, anh có thể cho biết ý tưởng để thực hiện quyển sách “Chân dung anh hùng Lý Tự Trọng qua những tư liệu lịch sử” là từ đâu?

- Khi tôi về công tác tại Trường Đoàn Lý Tự Trọng và mong muốn được tìm hiểu thêm nhiều thông tin về anh hùng Lý Tự Trọng - người Đoàn viên TNCS đầu tiên, một phần để mình biết thêm, một phần để làm tài liệu chia sẻ đến các bạn đoàn viên, thanh niên.

Tuy nhiên, khi tôi tìm kiếm thông tin về anh hùng Lý Tự Trọng và nhóm đoàn viên TNCS đầu tiên thì thông tin không những ít mà lại còn lệch nhau khá nhiều, không biết đâu là thông tin chính xác. Từ đó, tôi quyết tâm phải nghiên cứu, tìm tòi các thông tin về đồng chí Lý Tự Trọng nói riêng và nhóm đoàn viên TNCS đầu tiên nói chung.

- PV: Anh đã mất bao nhiêu thời gian và làm những gì trong quá trình nghiên cứu, viết?

- Tôi mất 3 năm từ khi bắt tay vào thực hiện. Trong 3 năm đó, tôi nghiên cứu tài liệu, hồi ký và thực hiện 10 chuyến đi đến Trung tâm Lưu trữ I, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, đến Thư viện Quốc gia ở Hà Nội, Thư viện Khoa học tổng hợp TP Hồ Chí Minh, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Bảo tàng Tuổi trẻ Việt Nam, Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh, Thư viện Nghệ An, Thư viện Hà Tĩnh...

Đặc biệt, tôi đi trực tiếp và đã gặp được hầu hết gia đình của những người trong nhóm thiếu niên cùng thời với anh hùng Lý Tự Trọng mà các tài liệu lịch sử Đoàn có nhắc, như gia đình bà Lý Phương Đức, bà Lý Phương Thuận, ông Lý Văn Minh, ông Lý Thúc Chất, ông Lý Anh Tợ...

Mỗi chuyến đi, mỗi người tôi gặp đều là những kỷ niệm tuyệt vời trong quá trình nghiên cứu, giúp tôi phát triển thêm những hiểu biết của bản thân.

Tác giả Dương Trọng Phúc
Tác giả Dương Trọng Phúc

- PV: Ai là những người đã giúp anh để hoàn thành tác phẩm này?

- Như đã chia sẻ, mỗi người trong hành trình nghiên cứu của tôi đều là những mảnh ghép cùng tôi tạo nên tác phẩm này.

Trong lời của tác giả ở phần đầu của sách, tôi cảm ơn cơ quan Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Thành đoàn TP Hồ Chí Minh, Tỉnh đoàn Hà Tĩnh, Trường Đoàn Lý Tự Trọng, cá nhân cô Bùi Lý Lệ Tân (con gái của nhà cách mạng Lý Phương Thuận), bác Lý Kiến Nam (con trai của nhà cách mạng Lý Phương Đức), nhà báo Minh Thùy, nhà báo Kiều Mai Sơn, anh Cao Đình Hưng, em Hà Trần Ngọc Thủy, em Hà Nam Khánh Giao, em Lý Quan Hữu An, nhóm phục chế ảnh Team Lee và nhiều anh, chị, em khác... đã không quản ngại khó khăn để luôn sẵn sàng hỗ trợ tôi.

Đặc biệt, tôi rất biết ơn đội ngũ của Nhà xuất bản Tổng Hợp đã luôn quan tâm, hỗ trợ và đồng hành cùng tôi trong quá trình xuất bản quyển sách này.

- PV: Được biết anh Phúc là một trong 6 người Việt Nam được Microsoft toàn cầu công nhận là chuyên gia giáo dục sáng tạo cao cấp, vậy sao anh lại “rẽ ngang” để viết sách về lịch sử?

- Thật ra tôi là người học lịch sử và “rẽ ngang” để tìm hiểu về công nghệ. Bản thân đã được nuôi dưỡng tình yêu với môn lịch sử từ lúc học cấp 2 khi tham gia đội học sinh giỏi môn lịch sử. Sau đó tôi chọn lịch sử là ngành học đại học của mình.

Khi dịch bệnh COVID hoành hành, bản thân tôi nghĩ rằng mình không thể ngồi đó để lo sợ mà phải có giải pháp. Do đó tôi tiếp cận các công nghệ của Microsoft và dùng trong quá trình giảng dạy.

Sau này, tôi chia sẻ với đồng nghiệp, với anh em cán bộ Đoàn - Hội - Đội và với các thầy cô giáo khắp cả nước. Hiện tại tôi đang tham gia quản trị trang mạng xã hội của Cộng đồng giáo viên sáng tạo Việt Nam, với hơn 140.000 thành viên là các thầy cô giáo yêu thích giáo dục sáng tạo.

Như đã chia sẻ ở trên, tôi cũng có thực hiện quyển sách “Cẩm nang Tổ công nghệ số cộng đồng để phát hành đến các địa phương, nên hầu hết anh em đều nghĩ tôi là dân công nghệ.

Nhưng phải nói thực sự rằng chính sự hiểu biết công nghệ đã giúp tôi rất nhiều khi làm quyển sách này. Vì lượng tài liệu rất nhiều, đa phần là ngoại ngữ với nhiều ngôn ngữ khác nhau, do đó tôi cố gắng dùng công nghệ để xử lý, ví dụ tôi dùng Zotero để ghi chú dữ liệu, dùng các công cụ dịch thuật để nắm ý cơ bản trước khi chuyển cho đội ngũ, gỡ băng phỏng vấn bằng phần mềm, chia sẻ dữ liệu qua cloud…

Hai nền tảng lịch sử và công nghệ không những không đối lập nhau mà còn tương tác, hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình tôi thực hiện quyển sách này.

Tác giả cùng thân nhân gia đình anh hùng Lý Tự Trọng
Tác giả Dương Trọng Phúc (áo xanh) cùng thân nhân gia đình anh hùng Lý Tự Trọng

- PV: Anh hùng Lý Tự Trọng nổi tiếng với câu nói "Con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng, không thể có con đường nào khác", qua quá trình nghiên cứu về anh hùng Lý Tự Trọng và sự gắn bó với tổ chức Đoàn, anh suy nghĩ như thế nào về con đường cách mạng của thanh niên hiện nay?

- Trong di chúc của Bác, Người có viết rằng “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ và rõ ràng ở giai đoạn lịch sử nào đi chăng nữa thì thanh niên ta cũng thể hiện được bản chất cách mạng của mình. Dĩ nhiên mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau thì nhiệm vụ cách mạng của thanh niên cũng khác.

Giai đoạn của anh Lý Tự Trọng và những cha anh trước đây là chiến đấu đánh đuổi ngoại xâm, giành “độc lập, tự do” thì giai đoạn của thanh niên hiện nay là xây dựng, phát triển đất nước, đi vào khoa học kỹ thuật, công nghệ để bảo vệ “độc lập, tự do” và tiến đến “hạnh phúc”.

Minh chứng rõ ràng nhất là sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chúng ta đã chứng kiến hàng vạn thanh niên xung phong đến với biên giới, vùng sâu vùng xa để xây dựng đất nước. Tiếp theo là thế hệ của hàng triệu thanh niên tình nguyện: Ánh sáng văn hóa hè, Mùa hè xanh, Kỳ nghỉ hồng, Hoa phượng đỏ, Hành quân xanh, Tiếp sức mùa thi, Xuân tình nguyện, Tình nguyện mùa đông, Gia sư áo xanh… đang ngày đêm làm đẹp cho đời, cho đất nước.

Như vậy, thanh niên ta vẫn đang đi trên con đường cách mạng, vẫn chọn lựa sự cống hiến, vẫn hướng đến những giá trị tốt đẹp.

Để duy trì được những giá trị tốt đẹp đó ở thanh niên, để thanh niên đi nhanh, đi vững chắc trên “con đường cách mạng” thì tổ chức Đoàn - Hội - Đội các cấp cần tạo động lực, cần gợi mở, thúc đẩy thanh niên; đội ngũ cán bộ Đoàn - Hội - Đội thì cần làm mẫu, làm gương trong mỗi hành động của mình, có được điều đó thì chắc chắn chúng ta sẽ thực hiện được lời Bác dạy “Đào núi và lấp biển / Quyết chí ắt làm nên”.

- Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Tìm kiếm

Tìm kiếm