Phía sau Khu Công nghệ cao TP.HCM – Bài 2: Hàng loạt sai phạm
Không chỉ dính sai phạm trong thu hồi đất, xây dựng các khu tái định cư và nguy cơ lãng phí tài nguyên với một loạt dự án bỏ hoang..., Khu Công nghệ cao TP.HCM còn vướng hàng loạt sai phạm khác trong quá trình triển khai, xây dựng.
Để thực hiện Khu Công nghệ cao, từ năm 2002, TP.HCM đã nhiều lần thu hồi đất của các người dân tại nhiều khu vực ở Q.9 cũ làm tổng diện tích đất bị thu hồi tăng từ 804ha lên 913ha. Ngoài ra, Q.9 cũng thu hồi thêm 149ha đất nằm ngoài ranh Khu Công nghệ cao (khu 913ha) để lập các dự án tái định cư, khu nhà ở chuyên gia và khu nhà lưu trú cho công nhân. Tổng cộng đã thu hồi 1.062ha đất, hơn 3.100 hộ dân bị ảnh hưởng. Chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho các hộ dân được thực hiện từ những năm 2002 nhưng xảy ra nhiều khiếu nại, khiếu kiện.
Năm 2018, Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra Khu Công nghệ cao, chỉ ra nhiều sai phạm như: bỏ qua nhiều thủ tục bắt buộc về quy hoạch, trình tự thủ tục thu hồi, giao đất và các luật liên quan; không thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 989/QĐ-TTg năm 1998 dẫn đến việc khiếu nại, tố cáo của nhiều người dân...
Thực hiện kết luận, TP.HCM đã dành hơn 1.400 tỷ đồng để bồi thường cho các hộ dân bị thu hồi đất khu vực 41ha (trong ranh quy hoạch). Với các trường hợp khiếu kiện ra Chính phủ, UBND TP.HCM quyết định phê duyệt chính sách hỗ trợ bổ sung và có tính chất đặc thù tại dự án. Đến năm 2022, nhiều hộ dân đồng ý nhận nền đất bồi thường tại các khu tái định cư, những hộ dân còn lại, TP tiếp tục rà soát, xử lý theo quy định.
Sai phạm tại Khu biệt thự chuyên gia
Tháng 8/2023, Thanh tra TP.HCM công bố kết luận thanh tra tại dự án khu biệt thự chuyên gia Khu Công nghệ cao TP.HCM. Theo đó, TP dành quỹ đất hơn 62ha để xây dựng, phát triển khu nhà ở cho thuê dành cho chuyên gia. Trên website của Khu Công nghệ cao giới thiệu, dự án này cung cấp các dịch vụ thương mại, dịch vụ công cộng cho các chuyên gia, cán bộ khoa học kỹ thuật, quản lý cao cấp làm việc trong Khu Công nghệ cao (không mua bán, chuyển nhượng).
Dự án có tên thương mại là Senturia Q9 Central Point, do Công ty Cổ phần thương mại Dịch vụ Công nghệ cao làm chủ đầu tư. Website của Senturia Q9 Central Point thể hiện, Công ty Cổ phần Bất động sản Tiến Phước là đơn vị phát triển dự án. Ngoài ra, website của Khu Công nghệ cao cho thấy, tham gia dự án còn có Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Mỹ Mỹ (thành viên của Tiến Phước) và hai cá nhân. Hiện tại, dự án đã xây dựng khoảng 80 căn biệt thự trên phần diện tích khoảng 27ha.
Khu nhà ở cho thuê dành cho chuyên gia vướng lùm xùm từ nhiều năm qua. Thanh tra TP.HCM kết luận dự án dính nhiều sai phạm: “Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ Công nghệ cao ký hợp đồng cho thuê nhà không đúng đối tượng 17 trường hợp..., ký hai hợp đồng cho 4 cá nhân mà không xác định rõ nhu cầu thực tế... Chủ đầu tư thực hiện dự án không đúng mục tiêu theo Giấy chứng nhận đã cấp, ký cho thuê đến hết thời hạn cho thuê đất (dự án có thời hạn thuê đất 50 năm – PV) mà không căn cứ thời gian làm việc...”.
Ngoài ra, có 28 trường hợp đối tượng thuê nhà không đến làm việc theo Giấy mời của Thanh tra TP, cần tiếp tục xác minh, làm rõ. Trách nhiệm để xảy ra những sai phạm này thuộc về Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ Công nghệ cao. “Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ Công nghệ cao cam kết thực hiện đúng nội dung Giấy chứng nhận, phối hợp rà soát các hợp đồng đã ký, thời hạn cho thuê phải căn cứ thời gian làm việc của người thuê, thanh lý hợp đồng đối với các đối tượng không được cư trú trong Khu Công nghệ cao...”, Thanh tra TP.HCM yêu cầu.
Thanh tra TP.HCM kết luận Ban Quản lý Khu Công nghệ cao thiếu kiểm tra, rà soát dẫn đến trong tổng diện tích đất giao cho chủ đầu tư để thực hiện dự án này còn khoảng 1,9ha của hai hộ dân chưa được bồi thường... Chưa xác định đúng diện tích đất cho thuê và thời điểm tính tiền thuê đất làm xác định số tiền thuê đất phải thu không chính xác, dẫn đến Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ Công nghệ cao vẫn chưa nộp tiền thuê đất từ 2019 đến nay (thời điểm thanh tra), làm thất thu ngân sách.
Kiến nghị chuyển cơ quan điều tra nếu có dấu hiệu hình sự
Cũng trong tháng 8/2023, Thanh tra TP.HCM có thông báo kết luận hàng loạt sai phạm khác tại Ban Quản lý Khu Công nghệ cao, như: Lập hồ sơ điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết 1/2000 giai đoạn I và II có một số nội dung chưa phù hợp quy hoạch chung; quản lý trật tự xây dựng chưa chặt chẽ để xảy ra tình trạng xây dựng trái phép chậm khắc phục (Nhà máy Jabil Việt Nam, Trung tâm Công nghệ Hàng không Vietjet, Công ty TNHH MTV Công nghệ cao Điện Quang, Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn).
Lập, thẩm định, phê duyệt dự toán dự án đường D10b chưa đầy đủ, chính xác làm tăng giá trị hơn 51 triệu đồng; nghiệm thu, thanh quyết toán công trình các dự án xây dựng đường không phù hợp, chênh lệch giá trị khối lượng xây lắp; Thẩm định công nghệ 32/39 dự án đầu tư không đúng thẩm quyền... Thẩm định cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư còn thiếu sót; Không có biện pháp buộc nhà đầu tư 20 dự án ký quỹ sau khi thuê đất... Quản lý, sử dụng tài chính nhưng chưa có sự chấp thuận của UBND TP, không phát hiện kịp thời để hạch toán trích lập quỹ dự phòng Nhà máy xử lý nước thải năm 2020 số tiền hơn 2,2 tỷ đồng...
Cho thuê đất không phù hợp quy hoạch xây dựng đã được cơ quan nhà nước phê duyệt 7 dự án còn hiệu lực đến thời điểm thanh tra, gồm: Trung tâm phân tích thí nghiệm và Văn phòng Viện dầu khí Việt Nam, dự án Công viên Thiên niên kỷ, dự án Nghiên cứu và sản xuất các thiết bị chiếu sáng, chip led siêu sáng và thiết bị điện tử CNC; dự án xây dựng siêu thị, nhà hàng, nhà trẻ... Thiếu đôn đốc để chủ đầu tư 33 dự án chậm đưa đất vào sử dụng, để 3 đơn vị sử dụng đất không đúng mục đích....
Cấp Giấy chứng nhận đầu tư và cho Công ty Lập Thành thuê đất để thực hiện dự án xây dựng nhà xưởng trước khi được UBND TP cho phép thực hiện thí điểm với đơn giá cho thuê thấp; Chưa thực hiện xong Thông báo kết luận Kiểm toán Nhà nước, trong đó chưa nộp ngân sách 58 tỷ đồng, chưa truy thu tiền thuê đất với dự án trường Đại học Fulbright Việt Nam số tiền hơn 241 tỷ đồng... Ngoài ra, Thanh tra TP cũng kết luận nhiều sai phạm khác tại đây.
Thanh tra TP.HCM xác định, để xảy ra các thiếu sót, khuyết điểm, vi phạm nêu trên, trách nhiệm thuộc về lãnh đạo Ban Quản lý, các tổ chức, cá nhân thuộc Ban Quản lý được phân công phụ trách tại thời điểm xảy ra vụ việc. Kiến nghị và thống nhất, giao Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao tổ chức kiểm điểm trách nhiệm, xử lý theo thẩm quyền, phân cấp đúng quy định đối với tập thể, cá nhân có thiếu sót, khuyết điểm, vi phạm.
Kiểm tra, rà soát, sắp xếp, bố trí lại việc sử dụng đất cho đúng chức năng theo quy hoạch được phê duyệt đối với 15 dự án, gồm 7 dự án qua thanh tra phát hiện và 8 dự án qua kiểm toán kết luận; kiểm tra, rà soát đối với những dự án chậm tiến độ; thu hồi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, thu hồi đất đối với các dự án đã đôn đốc, nhắc nhở nhiều lần nhưng vẫn vi phạm, bỏ đất trống, lãng phí, không triển khai thực hiện đầu tư theo quy định.
Thống nhất Chủ tịch UBND TP.HCM giao Giám đốc Sở Nội vụ tổ chức kiểm điểm, đề xuất xử lý trách nhiệm của lãnh đạo Ban Quản lý Khu Công nghệ cao đối với những khuyết điểm, thiếu sót, vi phạm. Thanh tra TP được giao chuyển hồ sơ các vụ việc có khả năng gây thất thu ngân sách Nhà nước cho Cục Thuế, Sở Tài nguyên và Môi trường để kiểm tra, rà soát, làm rõ, truy thu (nếu có vi phạm). Trường hợp phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, gây thiệt hại cho Nhà nước thì báo cáo Chủ tịch UBND TP chuyển cơ quan điều tra thụ lý giải quyết theo quy định của pháp luật.