A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tham gia sâu vào ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu: Thuận lợi và thách thức

Việt Nam đã và đang là một điểm đến hấp dẫn các nhà sản xuất bán dẫn hàng đầu thế giới. Những dự án từ hàng trăm triệu đến hàng tỷ USD đang tiếp tục được các ông lớn ngành bán dẫn đầu tư vào Việt Nam - xây dựng nhà máy, mở rộng sản xuất. Tuy nhiên, cần quan tâm nhiều vấn đề lớn mới có thể tham gia sâu hơn vào hệ sinh thái bán dẫn toàn cầu.

Các nền kinh tế trên thế giới, đặc biệt, hai cường quốc Mỹ - Trung Quốc đang tập trung nguồn lực để có thể giành và giữ vị thế “bá chủ” về khoa học và công nghệ. Hàn Quốc - quốc gia có nhiều thương hiệu mạnh trong ngành công nghệ cao là Sam Sung cũng đang rất tích cực trong “cuộc đua” này. Đáng chú ý, tiến trình vận hành hệ sinh thái bán dẫn của các thương hiệu lớn vừa nêu, không thiếu vắng vai trò nhân lực Việt Nam.

“Việt Nam là một thị trường mới nổi, có những yếu tố rất hấp dẫn đầu tư như có vị trí chiến lược, có lực lượng lao động trẻ dồi dào, môi trường đầu tư liên tục được cải thiện, với các hiệp định FTA đã ký kết. Tương lai dự kiến các doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh đầu tư hợp tác và trong các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao như công nghệ cao và tài chính ngân hàng. Đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam sẽ còn tăng trưởng”, Phó Chủ tịch phòng Công nghiệp thương mại Hàn Quốc tại Việt Nam khẳng định.

Tham gia sâu vào ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu: Thuận lợi và thách thức - Ảnh 1.

Việt Nam có tiềm năng tham gia sâu hơn – nghiên cứu, sáng tạo và sản xuất chip Make in Vietnam (Ảnh minh họa: KT)

Thương hiệu Sam Sung của Hàn Quốc xuất hiện tại Việt Nam từ lâu, coi Việt Nam là “cứ điểm chiến lược”, cách nay mấy tháng công bố tiếp tục đầu tư xây dựng “Tổ hợp Techno Park Việt Nam - Hàn Quốc” tại  Hà Nội, tập trung sản xuất microchip; Tập đoàn chip khổng lồ Synopsys, Hoa Kỳ luôn coi Châu Á - Thái Bình Dương là “khu vực trọng điểm”, đã có tới 4 văn phòng tại Việt Nam, với gần 500 kỹ sư điện tử, công nghệ. Sau khi Hoa Kỳ “nâng cấp mối quan hệ lên tầm chiến lược toàn diện”, Việt Nam đang có nhiều triển vọng thu hút đầu tư vào các hoạt động đổi mới sáng tạo và phát triển ngành công nghiệp bán dẫn... Rõ ràng, Việt Nam đã, đang và có nhiều tín hiệu tích cực trở thành bến đỗ tiềm năng cho các “ông lớn” công nghệ cao toàn cầu.

“Việt Nam có đủ điều kiện: Hệ thống chính trị ổn định, vị trí địa lý thuận lợi, Chính phủ VN rất quan tâm đẩy mạnh hợp tác đầu tư, phát triển ngành bán dẫn. Thứ hai, Việt Nam có lực lượng lao động dồi dào trong lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ; có những đơn vị nghiên cứu, đào tạo uy tín. Thứ ba, Việt Nam đã và đang thu hút ngày càng nhiều các tập  đoàn lớn trong ngành bán dẫn. Thứ tư, Việt Nam đã và đang xây dựng nhiều cơ chế ưu đãi: các dự  án đầu tư ngành bán dẫn thuộc lĩnh vực công nghệ cao, được áp dụng những ưu đãi cao nhất trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam. Thứ năm, thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) và 3 khu công nghệ cao sẵn sàng đón các nhà đầu tư ngành bán dẫn”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ.

Đáng chú ý, không chỉ nhận diện tiềm năng trở thành trung tâm sản xuất, đóng gói, thử nghiệm thuộc hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn toàn cầu, nhiều chuyên gia, như ông Clark Tseng, Giám đốc cấp cao của Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Đông Nam Á (SEMI SEA) cho rằng, Việt Nam có tiềm năng tham gia sâu hơn – nghiên cứu, sáng tạo và sản xuất chip Make in Việt Nam.

“Việt Nam là trung tâm phát triển ngày càng lớn mạnh đối với hoạt động kiểm thử và đóng gói bán dẫn. Việt Nam hiện là điểm đến của một số các công ty bán dẫn lớn nhất thế giới như Intel, Samsung, Amkor…Về lâu dài, những yếu tố thúc đẩy thị trường bán dẫn là trí tuệ nhân tạo (AI) điện toán hiệu suất cao, công nghệ di động thế hệ mới 5G, tự động hóa và công nghiệp… Ngành công nghiệp bán dẫn đã tăng trưởng 14% mỗi năm trong 20 năm qua và tăng trưởng hai con số trong 3 năm gần đây. Quy mô thị trường dự kiến sẽ đạt 1.000 tỷ USD vào năm 2030 và đây là cơ hội cho Việt Nam”, ông Clark Tseng cho hay.

Nhân lực Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong ngành bán dẫn toàn cầu, nhưng nhiều năm qua chủ yếu tham gia khâu lắp ráp, thử nghiệm và đóng gói. Đó là thực tế. Cho tới gần cuối năm 2022 - sự ra đời của chip bán dẫn “make in Việt Nam”, “made by FPT”, cùng nhiều công trình nghiên cứu và các sản phẩm sáng tạo từ các tập đoàn công nghệ Viettel, VNPT… đã giúp cộng đồng công nghệ trong nước và quốc tế dần thay đổi cách nhìn nhận và khái niệm về “cứ điểm Việt Nam trong ngành bán dẫn toàn cầu”.

Tham gia sâu vào ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu: Thuận lợi và thách thức - Ảnh 2.

Doanh thu ngành sản xuất chip toàn cầu năm 2022 tăng khoảng 1,2% so với cùng kỳ 2021 - đạt gần 602 tỷ USD (Ảnh minh họa: KT)

Chất lượng nhân lực Việt Nam, bản lĩnh và khát vọng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam đã và đang mang tới động lực, niềm tin về khả năng tự chủ - làm chủ công nghệ cao, công nghệ lõi, của người Việt. Tuy nhiên, để Việt Nam tham gia sâu hơn vào hệ sinh thái bán dẫn toàn cầu, cần quan tâm nhiều vấn đề lớn bên cạnh những nỗ lực ở tầm chiến lược đã được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu – như nỗ lực “đào tạo 50.000 kỹ sư, chuyên gia công nghệ cho ngành bán dẫn từ nay đến năm 2030”.

“Hiện Việt Nam đã và đang xây dựng Dự thảo chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn đến 2030, tầm nhìn đến 2035: đề ra tầm nhìn, khẳng định quyết tâm, mục tiêu, lộ trình và các nhiệm vụ, giải pháp, các chính sách ưu đãi. Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ sớm hoàn thành dự và đưa ra lấy ý kiến rộng rãi, nhằm phát triển ngành công nghiệp điện tử nói chung và công nghiệp bán dẫn, đẩy nhanh việc Việt Nam tham gia vào hệ sinh thái bán dẫn của khu vực, thu hút các DN bán dẫn toàn cầu tham gia vào đẩy mạnh hệ sinh thái bán dẫn Việt Nam. Việt Nam mong muốn có thể phát triển nguồn nhân lực đông đảo để phục vụ không chỉ ở Việt Nam mà cả nhu cầu khu vực và thế giới về bán dẫn”, Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Huy Dũng thông tin.

Doanh thu ngành sản xuất chip toàn cầu năm 2022 tăng khoảng 1,2% so với cùng kỳ 2021 - đạt gần 602 tỷ USD. Dự báo, thị trường bán dẫn thế giới có quy mô khoảng 1.400 tỷ USD vào năm 2029. Có nghĩa, Việt Nam có cơ hội chiếm lĩnh tỷ USD khi nỗ lực thay đổi những rào cản, bất cập, yếu kém hiện hữu - thay vào đó là các yếu tố nền tảng, cùng cơ sở hạ tầng chất lượng; hay nói cách khác chính là rất cần sự chung tay của Chính phủ, các hiệp hội, tổ chức, doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo, cung ứng nhân lực càng sớm càng tốt... thì khả năng tham gia sâu vào hệ sinh thái bán dẫn toàn cầu mới đạt như kỳ vọng.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Tìm kiếm

Tìm kiếm