A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Công nghệ làm “dậy sóng” thời trang

Thời trang là một trong những ngành luôn đi đầu trong việc đổi mới nên bắt được xu hướng sẽ quyết định sự sống còn của thương hiệu.

 

Công nghệ làm “dậy sóng” thời trang

Project Muze - AI được tạo bới Google và Zalando sẽ tạo ra mẫu thiết kế dựa trên sở thích của từng khách

Để có được sản phẩm nhanh nhất đến tay người tiêu dùng, những hãng thời trang mới nổi đã tận dụng tối đa các công nghệ mới, làm thay đổi cán cân trong ngành thời trang.

Sức mạnh công nghệ

Công nghệ đã giúp những hãng thời trang mới thay đổi cán cân trong ngành này bằng cách làm ngắn lại thời gian từ thiết kế đến sản xuất và phân phối, từ đó họ nhanh chóng đưa đến tay người tiêu dùng các sản phẩm mới, trong khi các hãng thời trang truyền thống còn loay hoay để đưa sản phẩm lên kệ.

Bắt đầu từ thiết kế, những “nhà thiết kế” trí tuệ nhân tạo (AI) đang giúp những hãng thời trang nhanh chóng rút ngắn thời gian thiết kế từ vài tháng đến vài năm xuống còn vài ngày, thậm chí theo thời gian thực.

Không chỉ vậy, AI giúp các thương hiệu thời trang thực hiện phân tích thiết kế có khả thi hay không cũng như ước tính về chi phí, thời gian sản xuất từ nhiều nguồn dữ liệu mà các hãng đưa vào.

Công nghệ làm “dậy sóng” thời trang - Ảnh 1.

Adidas hợp tác với công ty thiết kế và in 3D Carbon để sản xuất mẫu giày chạy bộ 4DFWD. Ảnh: Lukas Schulze.

Ví dụ, Google và Zalando thực hiện đào tạo AI thành một mạng lưới thần kinh để hiểu màu sắc, kết cấu, sở thích phong cách và nhiều “thông số thẩm mỹ” từ nhiều báo cáo thời trang. Từ đó, AI sẽ tạo ra thiết kế dựa trên sở thích của từng khách hàng, đồng thời phù hợp phong cách được cộng đồng công nhận.

Hay như ở Amazon, AI và học máy có khả năng đánh giá xem một mặt hàng có “sành điệu”, hợp với xu hướng hay không.

Ngoài AI, Robot cũng giúp cho việc sản xuất thời trang nhanh và nhiều hơn nhiều so với con người, thậm chí còn giảm sâu chi phí sản xuất của các hãng thời trang mới.

Những robot đời mới có cơ tổng hợp mô phỏng chuyển động giống như cơ bắp con người. Các robot may vá của công ty Sewbot sử dụng máy ảnh chuyên dụng và phần mềm thị giác máy tính để theo dõi các sợi riêng lẻ với tốc độ 1.000 khung hình/giây. Kết quả là công ty này đã giảm chi phí sản xuất áo phông của một nhà cung cấp xuống chỉ còn 0,33 USD/chiếc.

Công nghệ làm “dậy sóng” thời trang - Ảnh 2.

 

Không chỉ AI hay Robot đang thay đổi cách và tốc độ sản xuất thời trang, in 3D cũng vậy. Trong lĩnh vực giày dép thời trang, in 3D đã giúp các doanh nghiệp thay đổi về cơ bản cách sản xuất giày, trong đó có việc loại bỏ hoàn toàn khuôn, thứ mà từ trước tới nay, nó là một phần không thể thiếu trong ngành này.

In 3D cũng có khả năng tùy chỉnh giày phù hợp với từng cá nhân, tăng nhanh tốc độ sản xuất và bổ sung các đặc tính chuyên biệt. Các đặc tính đó nếu không có in 3D thì gần như không thể làm được.

Như Adidas hợp tác với công ty thiết kế và in 3D Carbon để phát hành 4DFWD, một đôi giày chạy bộ giúp con người di chuyển về phía trước khi chân chạm đất. Điều này có được nhờ vào phần đế giữa của giày, sử dụng cấu trúc dạng lưới với các lỗ hình cánh cung - một thiết kế sẽ cực kỳ khó sản xuất nếu không có in 3D.

Đặc biệt, thương hiệu may mặc chuyên nghiệp Performance đã tiết lộ một máy in 3D trong cửa hàng để tạo ra quần áo dệt kim tùy chỉnh, có thể sản xuất áo khoác tùy chỉnh chỉ trong 90 phút. Họ cũng tiết lộ in 3D quần áo giúp giảm lượng vải phế thải trong sản xuất khoảng 35%.

Đánh bại “đại thụ”

Theo truyền thống, thời trang mới ra mắt hàng năm được chia thành các mùa: các dòng mùa xuân/hè ra mắt trên sàn diễn vào đầu mùa thu, trong khi dòng mùa thu/đông ra mắt vào tháng 2. Hai đợt ra mắt này giúp các thương hiệu có đủ thời gian để đánh giá mức độ quan tâm của khách hàng và sản xuất số lượng hàng may mặc phù hợp.

Nhưng giờ đây khi các hãng thời trang mới ứng dụng công nghệ, mức độ quan tâm và số lượng được đánh giá thường xuyên liên tục với AI và các kho cơ sở dữ liệu lớn - Big Data. Mọi thứ được xử lý theo thời gian thực.

Để không bị tụt hậu quá nhiều, các thương hiệu may mặc truyền thống đã cố gắng nâng lên 11 mùa mỗi năm, nhưng đó thực sự là một tư duy lối mòn. Bởi sức người không thể so với máy móc và công nghệ.

Kết quả là các thương hiệu thời trang nhanh ngay lập tức thể hiện sức mạnh công nghệ, họ tạo ra 52 mùa mỗi năm. Như Topshop từng giới thiệu khoảng 500 kiểu mỗi tuần trên trang web của mình trước khi công ty mẹ của nó, Arcadia Group, phá sản. Zara sản xuất 20.000 kiểu dáng thời trang mới trong một năm. Bởi vậy, các hãng này dần chiếm ưu thế trên thị trường, đặc biệt khi mà khách hàng của họ là những gen Y, gen Z, những người thuộc thế hệ công nghệ.

Vậy là các “đại thụ” trong ngành thời trang không chịu thay đổi, đang dần “lép vế” với các hãng thời trang nhạy bén với công nghệ.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Tìm kiếm

Tìm kiếm