Chú trọng phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội
Ngày 20/2, UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức Hội nghị trực tiếp, kết hợp trực tuyến với 7 điểm cầu huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh để sơ kết 2 năm triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số Quốc gia (Đề án 06); đánh giá kết quả việc triển khai Đề án 06 trên địa bàn (Kế hoạch phối hợp số 07) và triển khai nhiệm vụ năm 2024.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, qua 2 năm triển khai Đề án 06, tỉnh đã cơ bản hoàn thành theo tiến độ các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao với nhiều kết quả đáng khích lệ. Năm 2024, Giám đốc, Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn cần xác định Đề án 06 là nhiệm vụ chung và cần thực hiện quyết liệt.
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông chịu trách nhiệm về hạ tầng công nghệ; chỉ đạo thực hiện, khẩn trương hoàn thiện, nâng cấp Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh; đảm bảo an ninh, an toàn hạ tầng kỹ thuật đối với các hệ thống công nghệ thông tin; xây dựng kho dữ liệu điện tử cá nhân, tổ chức (hoàn thành trong tháng 4/2024). Các cơ quan, đơn vị theo nhiệm vụ chức năng quyết liệt triển khai với tinh thần lấy người dân, doanh nghiệp làm chủ, là trung tâm phục vụ, tập trung “Hoàn thiện hạ tầng công nghệ, số hóa, kết nối chia sẻ dữ liệu phục vụ xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, công dân số”.
Sau 2 năm thực hiện Đề án 06, Bạc Liêu đã đạt được các mục tiêu cơ bản như: Nhận thức, hành động của các cấp, ngành và nhân dân về chuyển đổi số nói chung, thực hiện Đề án nói riêng có sự chuyển biến tích cực. Nhiều tiện ích từ dữ liệu dân cư, căn cước công dân, định danh điện tử được cung cấp và người dân đã được thụ hưởng như: Khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng thẻ căn cước công dân; sử dụng hóa đơn điện tử; thanh toán không dùng tiền mặt trên các lĩnh vực y tế, giáo dục, tài chính, ngân hàng. Một số dịch vụ công thiết yếu được triển khai hiệu quả; số lượng, chất lượng các dịch vụ công cung cấp trên môi trường điện tử được nâng lên, tạo điều kiện thuận lợi, cắt giảm thời gian, chi phí cho người dân và doanh nghiệp. Tỉnh đã triển khai 17/44 mô hình điểm trong thực hiện Đề án 06, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, tỉnh cũng còn một số hạn chế như: Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh còn nhiều tính năng chưa đáp ứng, dẫn đến chất lượng cũng như tiến độ triển khai các nội dung theo Kế hoạch số 07 còn chậm. Kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh chưa được xây dựng, chưa thực hiện kịp thời yêu cầu, chỉ đạo của Chính phủ. Hệ thống công nghệ thông tin tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính chưa đồng bộ. Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến có phát sinh còn rất thấp. Bộ phận một cửa các cấp chưa thực hiện số hóa hồ sơ trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính.
Tại Hội nghị, đại diện các sở, ngành, lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố đã nêu lên thực trạng triển khai Đề an 06, làm rõ những khó khăn, vướng mắc, từ đó đề xuất, kiến nghị các giải pháp để thực hiện hiệu quả hơn Đề án trong năm 2024 cũng như những năm tiếp theo.
Dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đã tặng Bằng khen cho các tập thể và cá nhân có nhiều thành tích trong thực hiện Đề án 06./.
Tuấn Kiệt