A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Quỹ Đổi mới Sáng tạo Vingroup tiếp tục tài trợ cho các dự án khoa học công nghệ

Thông tin từ Quỹ Đổi mới Sáng tạo Vingroup (VinIF) cho biết, năm 2024, Quỹ tiếp tục tài trợ cho các chương trình/dự án khoa học công nghệ nhằm thúc đẩy việc ứng dụng cũng như góp phần làm thay đổi môi trường nghiên cứu tại Việt Nam, tạo bệ phóng đưa khoa học và công nghệ Việt vươn tầm quốc tế.

Theo đó, VinIF đã ký kết tài trợ cho các dự án: "Dự báo sự hình thành bão bằng phương pháp họp máy" do Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Nhật Thanh, Trường Đại học Công nghệ (Đại học quốc gia Hà Nội) chủ trì; Phát triển các hệ Hydrogel tiên tiến trên nền Polysacarit được nạp các liệu pháp sinh học, ứng dụng làm mực in sinh học 3D và vật liệu khung dạng tiêm trong điều trị vết thương mãn tính do Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Ngọc Quyến, Viện Khoa học vật liệu ứng dụng (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) chủ trì; Sự hình thành và tiến hóa của các ngôi sao gần và các thiên hà ở xa do Tiến sĩ Phạm Tuấn Anh, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) chủ trì; Mạng nơ-ron tự mã hóa phân tách cho phát hiện bất thường do Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Uy, Học viện Kỹ thuật quân sự chủ trì. Thiết lập khoảng tham chiếu cho các dấu ấn sinh học trong máu ở trẻ em và thanh thiếu niên Việt Nam do Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Minh Điển, Bệnh viện Nhi Trung ương chủ trì; Nghiên cứu phát triển công nghệ cho pin quang điện hữu cơ dạng sợi hiệu năng cao do Tiến sĩ Nguyễn Đăng Tùng, Trường Đại học VinUni chủ trì; Ảnh hưởng của điều kiện mô phỏng vi trọng lực đến sự phát sinh hình thái, sinh trưởng, sinh lý, sinh hóa và tích lũy hợp chất thứ cấp trên một số cây dược liệu do Giáo sư, Tiến sĩ Dương Tấn Nhựt, Viện Nghiên cứu khoa học Tây nguyên chủ trì; Pin Ion Natri kiểu CR2032 với vật liệu nền Oxit Natri-Lithi-Mangan - Lý thuyết và sản xuất tiền khả thi do Tiến sĩ Nguyễn Văn Nghĩa, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội chủ trì...

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Hồng Thái cho rằng, với việc tiếp tục tài trợ cho các chương trình/dự án khoa học công nghệ này, Quỹ Đổi mới Sáng tạo VinIF đã mở rộng quy mô cả về chiều rộng và chiều sâu với nhiều chương trình tài trợ; khẳng định được vai trò, hoạt động của Quỹ trong thời gian qua. Việc tài trợ cho các dự án góp phần thúc đẩy phát triển nhiều nhóm nghiên cứu mạnh ở các trường đại học, viện nghiên cứu; lưu giữ các giá trị văn hóa, lịch sử, đẩy mạnh hỗ trợ thương mại hóa các sản phẩm thông qua nghiên cứu triển khai, nâng cao tiềm lực khoa học - công nghệ của Việt Nam.

Thứ trưởng kỳ vọng, Quỹ VinIF tiếp tục tài trợ, đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ nghiên cứu khoa học và công nghệ hướng tới các nghiên cứu ưu tiên, các sản phẩm quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để có thể cùng các bộ, ngành tập trung nguồn lực cho những công nghệ mới, công nghệ cao, hình thành các ngành nghề mới, sản phẩm mới, có giá trị gia tăng cao, nhất là những lĩnh vực mà Việt Nam có thể mạnh như nông nghiệp, công nghiệp chế biến chế tạo, dịch vụ, công nghệ thông tin... hoặc đi tiên phong trong các công nghệ của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Những giá trị Quỹ VinIF mang lại không chỉ là nguồn tài chính lớn phi lợi nhuận cống hiến cho khoa học mà còn tạo ra nhiều thay đổi tích cực đối với văn hóa nghiên cứu khoa học. Đồng thời, thu hút tri thức người Việt về nước, thúc đẩy những ngành khoa học và công nghệ mới, góp phần tích cực trong công cuộc phát triển khoa học Việt Nam vươn tầm thế giới.

Hoạt động từ năm 2018, đến nay, sau 5 năm hoạt động, Quỹ Đổi mới Sáng tạo Vingroup (VinIF) đã tài trợ tới 800 tỷ đồng, với mục tiêu thay đổi môi trường nghiên cứu, góp phần tạo bệ phóng đưa khoa học Việt vươn tầm quốc tế. Đáng chú ý, riêng năm 2023, Quỹ đã tài trợ cho các dự án khoa học và công nghệ mới; 300 suất học bổng thạc sĩ, tiến sĩ; 90 suất học bổng sau tiến sĩ; 8 dự án và 17 sự kiện văn hóa, lịch sử với tổng số tiền 160 tỷ đồng.

Bà Phan Thị Hà Dương, Giám đốc điều hành Quỹ Đổi mới Sáng tạo Vingroup cho biết, đến nay, Quỹ đã và đang trợ lực cho hơn 3.000 nhà khoa học, nhà nghiên cứu, thông qua các công trình nghiên cứu mũi nhọn, các đề án hợp tác đào tạo ngành tiên phong, các suất học bổng sau đại học và hoạt động lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hóa đặc sắc của dân tộc. Qua 5 năm hoạt động, Chương trình đã có trên 1.000 công trình công bố trên các tạp chí uy tín quốc tế, 200 giải thưởng khoa học, 500 sản phẩm các loại, 70 phát minh sáng chế, tỷ lệ dự án nghiệm thu đã thương mại hóa và chuyển giao công nghệ đạt 21% và 50%. Việc tài trợ cho các dự án khoa học và công nghệ thời gian qua đã góp phần thay đổi tư duy làm khoa học. Nhiều sản phẩm khoa học được thương mại hóa; đặc biệt, một thế hệ các nhà nghiên cứu trẻ chính trực, sáng tạo và có trách nghiệm với đất nước đã được hình thành. Đó là động lực thúc đẩy Quỹ tiếp tục đổi mới và sáng tạo, chung tay cùng các nhà quản lý, trường đại học, viện nghiên cứu tạo ra những bước ngoặt lớn hơn nữa cho khoa học Việt./.

HL


Tác giả: Phạm Thị Thu Hà
Nguồn:TTXVN Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Tìm kiếm

Tìm kiếm