A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ninh Thuận: Người dân khốn khổ vì mùi hôi thối từ các lò hấp cá tự phát

Cứ từ tháng 6 đến tháng 9 hằng năm, hàng chục lò hấp cá tự phát ở huyện Ninh Hải và huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận lại hoạt động rộn ràng, nhộn nhịp. Đáng nói, hằng ngày các lò hấp cá này xả nước thải chưa qua xử lý ra các hồ chứa lộ thiên khiến mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, khiến người dân sống xung quanh bức xúc.

Article thumbnail
Các lò hấp cá xả nước thải chưa qua xử lý ra các hồ chứa lộ thiên khiến mùi hôi thối bốc lên nồng nặc làm người dân bức xúc. Ảnh: Khoa Lê

Sống chung mùi hôi thối hơn chục năm

Theo ghi nhận của chúng tôi tại thôn Mỹ Tân 1, xã Thanh Hải, huyện Ninh Hải có khoảng 15 lò hấp cá tự phát đang hoạt động nằm xen kẽ trong các khu dân cư, đáng chú ý các lò hấp cá xả nước thải không qua xử lý ra những hồ chứa nước thải lộ thiên khiến không khí ở đây bốc mùi hôi thối nồng nặc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và sức khỏe của người dân nơi đây.

Nhiều người dân và khách du lịch khi đi du lịch đến các điểm như: Vịnh Vĩnh Hy, Hang Rái… ngang qua các lò hấp cá lại ngao ngán bởi mùi hôi thối nồng nặc. Thực trạng này đã tồn tại từ hàng chục năm nay nhưng đến giờ vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu để xử lý.

Anh Châu Thanh Vũ, ở thôn Mỹ Tân 1, cho biết, nhà anh nằm sát với 3 lò hấp cá, cứ vào tháng 6 đến tháng 9 hằng năm là cả gia đình đều bị viêm mũi bởi ngày nào cũng ngửi mùi hôi thối nồng nặc từ các hồ chứa nước thải. Anh và nhiều hộ dân liên tục phản ánh lên địa phương, nhưng đều nhận lại câu trả lời là chưa có giải pháp xử lý.

Anh Vũ bức xúc: “Mùi hôi thối bốc lên cả ngày lẫn đêm khiến cuộc sống gia đình bị đảo lộn, các con còn nhỏ nên tôi phải cho đi ở nhờ nhà người thân. Còn việc kinh doanh buôn bán cũng gặp khó khăn bởi mùi hôi thối không ai lui tới”.

Một người dân khác cùng chung bức xúc nói: “Chúng tôi đã chịu đựng mùi hôi thối này cả hơn chục năm nay mà chẳng thấy địa phương hay ban ngành nào có giải pháp xử lý dứt điểm. Cuộc sống bà con chúng tôi nhiều năm rồi bị tra tấn bởi mùi hôi thối từ các hồ chứa nước thải”.

Ông Nguyễn Văn Toàn, chủ một lò hấp ở thôn Mỹ Tân 1 nói: "Gia đình tôi đã làm nghề hấp cá gần 30 năm nay, biết là gây ô nhiễm cho bà con xung quanh nhưng đây là nghề chính của gia đình. Mỗi khi tới mùa hấp, lò cá nhà tôi cũng giải quyết cho gần 100 lao động trong và ngoài địa phương với thu nhập bình quân từ 400.000 đồng/người/ngày. Mặc dù biết là mùi hôi thối gây ảnh hưởng đến người dân xung quanh, nhưng giờ mà nghỉ thì gia đình không biết làm nghề gì.

Để giảm mùi hôi thối gia đình tôi dùng biện pháp thủ công là hút nước từ dưới hầm lên mặt đất phơi nắng rồi dùng clo khử mùi. Thời gian tới, gia đình tôi sẽ tự bỏ tiền xây một hầm chứa bằng bê tông cao 3 mét, rộng 6 mét, dài 10 mét, phía trên hầm có nắp đậy kín và một ống thông hơi cao, với kinh phí 15 triệu đồng nhằm giảm thiểu mùi hôi thối phát tán ra môi trường”.

Không thể dừng hoạt động vì nghề giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động

Trao đổi với chúng tôi, ông Đào Thường, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Hải, cho biết, có 15 lò hấp cá đang hoạt động tự phát, chủ yếu hoạt động từ tháng 6 đến tháng 9 hằng năm. Các lò hấp cá tồn tại hàng chục năm nay, đây là nghề chính của nhiều gia đình mỗi khi đến vụ cá Nam.

“Mỗi ngày 15 lò hấp cá này sẽ giải quyết từ 800 lao động trong và ngoài địa phương, có thời điểm chính vụ sẽ giải quyết tới 1.000 lao động, đối với lao động nữ sẽ có mức thu nhập trung bình từ 400.000 đồng đến 500.000 đồng/người/ngày, còn đối với lao động nam sẽ có thu nhập hơn 1 triệu đồng/người/ngày”, ông Thường nói.

Theo ông Thường, do đây là công việc hoạt động theo thời vụ nên chưa được sự quan tâm đầu tư của các chủ lò hấp cá dẫn đến tình trạng ô nhiễm thường xuyên xảy ra. Hiện địa phương không có đất dự phòng để đưa các lò hấp cá tập trung một chỗ để đầu tư làm hệ thống xử lý nước thải. Từ nguyên nhân này mà đến nay vẫn chưa tìm ra giải pháp hữu hiệu để khắc phục tình trạng ô nhiễm.

“Mới đây, qua phản ánh của người dân, xã đã tiến hành kiểm tra và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 12/15 lò hấp cá có hành vi gây ô nhiễm môi trường, với số tiền hơn 22 triệu đồng, bình quân mỗi lò hấp bị xử phạt ở mức 1,5 triệu đến 2 triệu đồng. Có một trường hợp bị xử phạt với mức 3,5 triệu đồng”, ông Thường thông tin thêm.

Ông Đạo Quang Trưởng, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ninh Hải, cho biết các lò hấp cá đều hình thành tự phát theo nhu cầu cá nhân, không theo quy hoạch sử dụng đất của địa phương, nên chưa được đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung mà các chủ lò hấp tự thu gom xử lý.

Tương tự tại huyện Thuận Nam hiện có 14 lò hấp cá tự phát đang hoạt động tập trung ở xã Cà Ná phần lớn nằm trên Quốc lộ 1, xen kẽ trong các khu dân cư hầu hết các lò hấp cá đều phát sinh các loại chất thải như nước thải, chất thải rắn, khói thải gây ô nhiễm môi trường.

Ông Nguyễn Trần Thuận, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thuận Nam, cho biết từ năm 2018 huyện đã có đề xuất xây dựng cụm chế biến thủy sản, với diện tích khoảng 18ha nhằm đưa các lò hấp cá vào đây để quản lý cũng như hạn chế tối đa vấn đề ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, đến nay chưa kêu gọi được nhà đầu tư.

Dưới đây là một số hình ảnh về ô nhiễm môi trường tại các bể chứa nước thải do các lò hấp cá gây ra:

Nước thải, rác thải lâu ngày không xử lý khiến mùi hôi thối ngày càng nồng nặc hơn. Ảnh: Khoa Lê 
Những hồ chứa lộ thiên của các lò hấp cá. Ảnh: Khoa Lê 
Các lò hấp cá tự phát đang hoạt động nằm xen kẽ trong các khu dân cư. Ảnh: Khoa Lê 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Tìm kiếm

Tìm kiếm