A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đồng bằng sông Cửu Long: Cần có giải pháp để phòng chống tình trạng sạt lở, sụt lún

Từ nay đến cuối năm 2024, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sẽ bước vào giai đoạn đỉnh điểm của mùa mưa lũ, đây cũng là mùa cao điểm của sạt lở. Từ đầu mùa mưa đến nay, tình trạng sạt lở, sụt lún đã diễn ra ở nhiều tỉnh của ĐBSCL với tính chất và mức độ khó lường, gây nhiều thiệt hại cho người dân. Việc tìm ra giải pháp để phòng, chống tình trạng này hiện đang rất cấp thiết…

Article thumbnail
Cần có giải pháp để phòng, chống tình trạng sạt lở, sụt lún bờ sông, bờ biển tại các tỉnh ĐBSCL. Ảnh: A.X

Sạt lở, sụt lún xảy ra ở nhiều nơi

Tại An Giang, sáng ngày 23/6/2024, một đoạn bờ rạch Ông Chưởng ấp Long Thành, xã Long Giang, huyện Chợ Mới đã sạt lở đất khiến người dân bị thiệt hại. Đoạn sạt lở kéo dài khoảng 40m, chưa ăn sâu vào bờ, tuy không gây thiệt hại về người nhưng khiến 3 căn nhà người dân cập bờ rạch Ông Chưởng bị thiệt hại nặng. Trong đó có 2 căn nhà bị trôi hoàn toàn xuống rạch; 1 căn có nguy cơ đổ sập…

Tại Đồng Tháp, cuối tháng 7/2024, một vụ sạt lở đã xảy ra ven bờ sông Tiền, thuộc ấp An Hòa, xã An Hiệp làm gia đình một hộ dân mất hơn 1.000m2 đất trồng dừa đang cho quả. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, vụ sụt lún, khu vực sạt lở dài khoảng 91m, ăn sâu vào đất liền khoảng 65m, ảnh hưởng diện tích trồng cây ăn quả (chủ yếu là dừa và chanh), một bè nuôi cá, ước tổng thiệt hại khoảng 1,17 tỷ đồng…

Trước đó, vào cuối tháng 6/2024, sau những trận mưa liên tiếp nhiều ngày, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp cũng đã xảy ra 13 điểm sạt lở tại các huyện Thanh Bình, Hồng Ngự, Châu Thành, Lai Vung và thành phố Sa Đéc làm ảnh hưởng, thiệt hại nhiều tài sản, hạ tầng giao thông…

Sạt lở bờ sông ảnh hưởng đến công trình giao thông, đi lại của người dân... Ảnh: A.X 

Còn tại thành phố Cần Thơ, 7 tháng đầu năm 2024, thành phố đã xảy ra 24 vụ sạt lở bờ sông với tổng chiều dài bị ảnh hưởng 830m, gây thiệt hại hơn 14,5 tỷ đồng và làm 13 căn nhà bị sạt hoàn toàn, 1 nhà kho bị sụt lún, 34 căn nhà bị sạt một phần hoặc bị ảnh hưởng; may mắn không có thiệt hại về người trong các vụ sạt lở này. Các địa phương xảy ra sạt lở nhiều là tại các quận, huyện Bình Thủy, Ô Môn, Thốt Nốt, Phong Điền, Cờ Đỏ và Cái Răng.

So với cùng kỳ năm 2023, tình hình sạt lở trên địa bàn thành phố đã giảm về số vụ, chiều dài sạt lở và thiệt hại. Tuy nhiên, mức độ thiệt hại vẫn rất đáng lo ngại và cần có những biện pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả.

Đối với tỉnh Bạc Liêu, từ đầu năm đến nay, tỉnh có 4/7 huyện, thị, thành phố xảy ra tình trạng sạt lở, sụt lún bờ sông, kênh, rạch với 36 điểm sạt lở bờ sông, kênh, rạch làm thiệt hại 60 căn nhà. Trong đó, huyện Hồng Dân có 20 điểm với 5 căn nhà; huyện Đông Hải có 4 điểm với 2 căn nhà; thị xã Giá Rai có 6 điểm với 10 căn nhà và thành phố Bạc Liêu 6 điểm với 43 căn nhà bị thiệt hại.

Cuối tháng 7/2024, tại huyện Đông Hải xảy ra vụ sạt lở ở ấp Vinh Điền xã Long Điền Tây khiến cho tuyến đường bê tông chiều ngang 2,5m, dài hơn 30m bị sạt lở hoàn toàn xuống sông. Đặc biệt, ngày 4/8/2024 vừa qua, các đợt triều cường kết hợp sóng mạnh đã làm sạt lở đoạn đê biển Đông giáp ranh hai tỉnh Bạc Liêu - Sóc Trăng (từ Km 0+046 đến cầu Chiên Túp 1, thuộc địa bàn xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu)…

Tài Cà Mau, riêng sạt lở bờ sông đã có đến 355 điểm sạt lở, trong đó có đến 82 điểm sạt lở nghiêm trọng... Ảnh: A.X

Tại Cà Mau, tình trạng sạt lở và sụt lún đất diễn ra liên tục, không chỉ ảnh hưởng đến đời sống của người dân mà còn gây khó khăn cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh và giao thông. Những vụ sạt lở ven sông, ven biển đã làm nhiều nhà cửa bị hư hại, đất canh tác bị cuốn trôi, gây mất mát lớn cho nông dân. Sự sụt lún đất đã làm hư hỏng nhiều tuyến đường, ảnh hưởng đến lưu thông hàng hóa và gây gián đoạn các hoạt động kinh tế trong khu vực…

Trên toàn tỉnh Cà Mau, tổng chiều dài các đoạn bờ biển sạt lở đặc biệt nguy hiểm và sạt lở nguy hiểm là 83,85km. Cụ thể, bờ biển Tây đang bị sạt lở nguy hiểm dài 22km; bờ biển Đông đang bị sạt lở ở mức độ đặc biệt nguy hiểm với chiều dài 61,85km. Riêng sạt lở bờ sông có đến 355 điểm sạt lở, trong đó có đến 82 điểm sạt lở nghiêm trọng với tổng diện tích có nguy cơ bị ảnh hưởng lên đến 3.724ha…

Việc sớm có giải pháp phòng, chống sạt lở, sụt lún mang tính chất lâu dài, bền vững cho ĐBSCL là rất cần thiết. Ảnh: A.X

Cần có giải pháp phòng, chống sạt lở, sụt lún cho ĐBSCL

Trước tình trạng sạt lở, sụt lún đang có diễn biến phức tạp xảy ra tại các tỉnh ĐBSCL, đặc biệt các tỉnh như Bạc Liêu, Cà Mau thì việc sớm có giải pháp phòng, chống sạt lở, sụt lún mang tính chất lâu dài, bền vững là rất cần thiết.

Ngày 11/8/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang dẫn đầu đoàn công tác Trung ương đã làm việc với hai tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau về khảo sát đê điều và kiểm tra tình hình sạt lở.

Báo cáo Phó Thủ tướng và đoàn công tác, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu - Phạm Văn Thiều đã kiến nghị Trung ương xem xét hỗ trợ kinh phí cho tỉnh để thực hiện dự án đầu tư với 5 khu vực sạt lở sung yếu, cấp bách và phòng chống triều cường, bảo vệ sản xuất, với tổng chiều dài gần 80km...

Đây là 5 dự án tại khu vực sạt lở xung yếu, cấp bách và phòng chống triều cường, bảo vệ sản xuất... mà tỉnh Bạc Liêu đang rất cần sự hỗ trợ từ Trung ương để sớm tiến hành đầu tư xây dựng, nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản và bảo vệ đời sống của Nhân dân trong khu vực.

Tỉnh Bạc Liêu cũng đã xác định có 50 danh mục dự án, công trình cần đầu tư đến năm 2030, với tổng nguồn kinh phí dự kiến là 28.000 tỷ đồng. Đây là giải pháp mà tỉnh đề ra để khắc phục trước mắt cũng như lâu dài...

Còn tỉnh Cà Mau, trước mắt, tỉnh kiến nghị bộ, ngành Trung ương quan tâm, hỗ trợ kinh phí để khắc phục sạt lở bờ biển tại các điểm đặc biệt nguy hiểm khu vực bờ biển Đông với chiều dài theo tình huống khẩn cấp đã ban bố là 21,55km, kinh phí khoảng 1.693 tỷ đồng và một số tuyến bờ sông bị sạt lở đặc biệt nguy hiểm với chiều dài 5,7km, tổng kinh phí 684 tỷ đồng.

Về lâu dài, đối với kinh phí khắc phục sạt lở, tỉnh Cà Mau đang khẩn trương hoàn thiện Đề án Phòng, chống sạt lở bờ biển, bờ sông giai đoạn 2021 - 2030 và định hướng đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh theo ý kiến đóng góp để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt...

Giải pháp và việc đầu tư xây dựng công trình phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển cần bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, căn cơ, đa mục tiêu, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững... Ảnh: A.X

Mới đây, Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang trong chuyến khảo sát, kiểm tra đê điều, sạt lở tại các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau. 

Theo đó, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị các địa phương trong vùng ĐBSCL (nhất là các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau) và các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền đã được phân công tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống sạt lở, sụt lún đất, ngập úng theo đúng kết luận, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ được nêu tại Thông báo số 349/TB-VPCP ngày 24/8/2023 của Văn phòng Chính phủ, trong đó lưu ý một số vấn đề như phải tập trung làm tốt công tác dự báo, phát hiện các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, sụt lún đất để kịp thời cảnh báo cho người dân, không để bị động, bất ngờ, thiệt hại về tính mạng người dân do sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đất.

Làm tốt công tác truyền thông, vận động các hộ dân sinh sống ở khu vực đã xuất hiện dấu hiệu sạt lở hoặc có nguy cơ cao xảy ra sạt lở chủ động sơ tán, di dời ra khỏi khu vực nguy hiểm để bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại tài sản của Nhân dân. Đồng thời chủ động có phương án hỗ trợ bảo đảm chỗ ở, sinh kế cho các hộ dân phải sơ tán, di dời theo quy định.

Giải pháp và việc đầu tư xây dựng công trình phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển cần bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, căn cơ, đa mục tiêu, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, tránh xảy ra tình trạng xây dựng công trình ở địa phương này ảnh hưởng đến địa phương khác (nhất là trên cùng một dòng sông), xây dựng công trình phục vụ mục đích này ảnh hưởng tiêu cực đến lĩnh vực khác gây xung đột lợi ích, lãng phí nguồn lực đầu tư.

Nhu cầu vốn để xây dựng công trình phòng, chống, khắc phục sạt lở bờ sông, bờ biển là rất lớn, các địa phương cần chủ động rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên để đầu tư phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực; chủ động cân đối, bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn vốn ngân sách địa phương, cùng với nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, đồng thời huy động các nguồn vốn hợp pháp khác (kể cả nguồn lực ngoài ngân sách) để từng bước triển khai thực hiện bảo đảm căn cơ, đồng bộ.

Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương hoàn thành đề án tổng thể cho ĐBSCL, trong đó có nhiệm vụ phòng, chống sạt lở, sụt lún đất, hạn hán, xâm nhập mặn, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ giao…


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Tìm kiếm

Tìm kiếm