Nắng nóng kinh hoàng ở Trung Quốc: Thành phố biến thành lò lửa, 900 triệu người bị ảnh hưởng
Trong một tháng qua, nhiệt độ cao đã trải dài trên tổng diện tích 5 triệu km2, tương đương nửa đất nước Trung Quốc.
900 triệu người bị ảnh hưởng vì nắng nóng
Theo quan trắc của Trung tâm Khí hậu Quốc gia, Trung Quốc đang trải qua đợt thời tiết nắng nóng cục bộ đầu tiên trong năm, với phạm vi rộng, thời gian dài, tính cực đoan cao và tác động lớn. Tính từ tháng 6 đến 12/7, đợt nắng nóng này đã kéo dài 30 ngày, bao phủ hơn 5 triệu km2, ảnh hưởng đến hơn 900 triệu người. Số ngày nhiệt độ cao trung bình ở Trung Quốc là 5,3 ngày, nhiều hơn 2,4 ngày so với cùng kỳ các năm và nhiều nhất trong cùng kỳ kể từ năm 1961.
Tính đến ngày 13/7, đã có 84 thành phố trên khắp quốc gia này phát cảnh báo đỏ (nghĩa là nhiệt độ dự kiến sẽ đạt trên 40 độ C trong 24 giờ tới), mức cao nhất trong hệ thống cảnh báo nắng nóng của Trung Quốc, theo Đài CNN.
Mái quán cà phê trong bảo tàng ở Trùng Khánh bị hư hại do nắng nóng ngày 11/7. Ảnh: Sohu
Trong số này có Thượng Hải và ba địa phương được mô tả là các "lò lửa" vì thường có nhiệt độ khắc nghiệt vào mùa hè, gồm Nam Kinh, Trùng Khánh và Vũ Hán. Đáng nói, đã có ít nhất đã có 1 người thiệt mạng và hơn 20 người bị say nắng phải nhập viện.
Tại một thị trấn ở tỉnh Giang Tây, miền nam Trung Quốc, một đoạn đường bị vênh lên ít nhất 15 cm vì nắng nóng. Còn ở Trùng Khánh, mái một quán cà phê trong khu bảo tàng của thành phố bị hư hại, các tấm ngói bung ra vì nắng nóng làm chảy lớp hắc ín phía dưới. Trùng Khánh còn điều các xe tải phun nước để giữ mặt đường không quá nóng.
Muôn kiểu tránh nóng ngày hè
Những người bán hàng tại Thượng Hải cho biết doanh thu từ kem, dưa hấu và một số mặt hàng giải nhiệt đã tăng vọt.
Những chú gấu trúc được tắm mát và ăn trái cây ướp lạnh trong một vườn thú ở thành phố Trùng Khánh, miền Tây Nam Trung Quốc ngày 13/7. Ảnh: VCG
Tại một công viên động vật hoang dã rộng lớn ở Thượng Hải, 8 tấn nước đá được sử dụng mỗi ngày để làm mát cho sư tử, gấu trúc và các loài động vật khác.
Đặc biệt, mới đây hình ảnh một nhân viên y tế (đến từ thành phố Hàng Châu thuộc tỉnh Chiết Giang) mặc đồ bảo hộ kín người ôm một khối nước đá cao 1m đã được chia sẻ mạnh trên mạng xã hội. Hiện thành phố này vẫn đang phải ứng phó với các ổ dịch Covid-19.
Một con cá chết khô giữa lớp bùn nứt trên lòng hồ Poyang, hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc, ở Cửu Giang, tỉnh Giang Tây. Ảnh: Reuters
Wang Min, nhân viên xét nghiệm COVID-19 chia sẻ: "Trong lúc mặc quần áo bảo hộ, tôi cảm thấy bị bỏng do nhiệt độ cao. Tôi biết ơn những cục đá mà người dân tốt bụng đã cho để đặt sau lưng của chúng tôi".
Thành phố Nam Kinh thuộc tỉnh Giang Tô còn mở các hầm trú ẩn cho cư dân tránh nóng từ ngày 10/7. Các hầm từ thời chiến này được trang bị WiFi, sách báo, máy lọc nước và cả lò vi sóng.
Nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ ôm khối nước đá để làm mát ở Thượng Hải. Ảnh: Twitter/fangshimin
Ở nhiều nơi khác, người dân cũng đang cố gắng giải nhiệt bằng nhiều cách. Hôm 10/7, nhiều người dân ở thành phố Thanh Đảo thuộc tỉnh Sơn Đông, phía đông Trung Quốc đã đổ đến bãi biển để ngâm mình trong nước biển.
Tại Nam Ninh, thủ phủ của khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây ở miền nam Trung Quốc, trẻ em chơi đùa bằng chân trần ở các đài phun nước công cộng.
Trung Quốc đang trải qua một mùa hè với 2 mảnh ghép trái ngược trên toàn lãnh thổ: có nơi nắng như thiêu đốt nhưng lại có nơi mưa lũ dữ dội (khu vực phía bắc và tây nam Trung Quốc).
Theo dự báo Trung tâm Khí hậu Quốc gia Trung Quốc, trong 15 đến 30 ngày tới (27/7 đến 11/8), nhiệt độ ở hầu hết các khu vực của Trung Quốc sẽ cao hơn so với cùng kỳ hàng năm, do vậy cần đề phòng tác động xấu của nhiệt độ cao và các đợt nắng nóng đến sản xuất, đời sống của người dân và việc cung cấp điện.
https://cafebiz.vn/nang-nong-kinh-hoang-o-trung-quoc-thanh-pho-bien-thanh-lo-lua-nhan-vien-xet-nghiem-covid-19-bong-da-vi-quan-ao-bao-ho-20220714162329172.chnTheo Nguyễn Phượn