A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hướng tới phát triển nền kinh tế carbon thấp, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu

Việc hình thành thị trường tín chỉ carbon, thể hiện cam kết giảm phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 (Net Zero), là bước cụ thể hóa cho những chính sách về giảm phát thải khí nhà kính, phân bổ hạn ngạch phát thải, trao đổi tín chỉ carbon, tạo nguồn lực tài chính xanh…

* Xác định tiềm năng tín chỉ carbon

Tỉnh Quảng Bình hiện có trên 590.000 ha rừng, trong đó hơn 469.000 ha rừng tự nhiên. Tỷ lệ che phủ rừng 68,70%, chất lượng rừng còn khá tốt, trữ lượng trên 50 triệu m3. Giai đoạn 2023 - 2025, Quảng Bình nhận được 235 tỷ đồng từ việc bán tín chỉ carbon, qua đó, mang lại nguồn thu cho gần 11.000 chủ rừng, góp phần quản lý, bảo vệ rừng theo hướng bền vững.

Ông Nguyễn Văn Duẩn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Bình cho biết, ngoài phát huy thế mạnh rừng tự nhiên, thời gian tới, tỉnh mở rộng đối tượng, đánh giá diện tích hợp lệ và ước tính tiềm năng giảm phát thải khí nhà kính từ việc thực hiện hoạt động trồng rừng mới theo tiêu chuẩn quốc tế, chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn để nâng cao trữ lượng carbon rừng. Quảng Bình tổ chức cuộc họp với cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan để tham vấn kết quả đánh giá và đề xuất hoạt động nhằm phát triển dự án tín chỉ carbon rừng.

Thành phố Hồ Chí Minh được chọn là địa phương đầu tiên thực hiện thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon. Cụ thể, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ triển khai các dự án tiềm năng tạo tín chỉ như: Nâng cấp đèn đường lên đèn Led; lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà cho các tài sản công và tư nhân trên địa bàn; trang bị thêm thiết bị tiết kiệm năng lượng cho các tòa nhà được xác định là tài sản công và tư nhân…

Việc đề xuất lựa chọn các dự án thí điểm cơ chế tài chính thực hiện biện pháp giảm phát thải khí nhà kính theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon và triển khai hoạt động mua bán tín chỉ carbon trên địa bàn Thành phố mang đến nhiều cơ hội. Hoạt động mua bán tín chỉ carbon sẽ thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào các dự án xanh tại Thành phố, tạo ra việc làm và thúc đẩy phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, Thành phố Hồ Chí Minh có tiềm năng lớn để phát triển thị trường tín chỉ carbon do có nhiều doanh nghiệp phát thải khí nhà kính và có nhu cầu giảm phát thải.

Trong kế hoạch năm 2024, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp cùng Sở Tài chính hoàn thiện Đề án thí điểm cơ chế tài chính thực hiện biện pháp giảm phát thải khí nhà kính theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon, trình UBND thành phố phê duyệt; phối hợp với Bộ Công Thương, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường xác định tỷ lệ đóng góp về lượng giảm phát thải, hấp thụ khí nhà kính trên địa bàn thành phố cho mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính của quốc gia trước khi giao dịch tín chỉ carbon.

Tỉnh Bến Tre hiện có diện tích trồng dừa lớn nhất nước với khoảng 78.000 ha. Theo các nhà nghiên cứu, với diện tích này, Bến Tre có tiềm năng lưu trữ từ 1,9 - 5,8 triệu tấn CO2 ­ (chưa kể cây trồng dưới tán dừa). Nhận định ngành nông nghiệp rất có tiềm năng tham gia thị trường tín chỉ carbon, cũng như hướng đến nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chống biến đổi khí hậu, ngành nông nghiệp tỉnh Bến Tre đã, đang tập trung để tiếp tục phát triển nông nghiệp sinh thái, tuần hoàn, phát thải carbon thấp, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, các đơn vị có liên quan thực hiện nhiệm vụ đánh giá tiềm năng của tỉnh tham gia thị trường carbon tập trung cho đối tượng cây dừa, cây ăn trái, rừng ngập mặn ven biển, chăn nuôi nhằm xác định tiềm năng tín chỉ carbon, chuẩn bị cơ sở, điều kiện cho tỉnh tham gia thị trường carbon…

* Nhiều đề xuất về sàn giao dịch carbon và bù trừ tín chỉ carbon

Nhằm tạo cơ chế, chính sách cho các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển thị trường carbon; sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, tiêu thụ và xử lý các chất làm suy giảm tầng ozone theo công ước quốc tế mà Việt Nam đã cam kết, ngày 7/1/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone.

Để đáp ứng với tình hình thực tiễn, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2022/NĐ-CP đề xuất sửa đổi Điều 17 về lộ trình phát triển, thời điểm triển khai thị trường carbon trong nước. Theo đó: Giai đoạn đến hết năm 2027: Xây dựng quy định quản lý tín chỉ carbon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon; xây dựng quy chế vận hành Sàn giao dịch carbon; triển khai thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong các lĩnh vực tiềm năng và hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; thành lập và tổ chức vận hành thí điểm Sàn giao dịch carbon kể từ năm 2025; triển khai các hoạt động tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về phát triển thị trường carbon.

Giai đoạn từ năm 2028 đến hết năm 2030: Tổ chức vận hành sàn giao dịch carbon chính
thức trong năm 2028; quy định các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ carbon trong nước với thị trường carbon khu vực và thế giới; quy định các sản phẩm tài chính dựa trên hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon được trao đổi trên Sàn giao dịch carbon. Giai đoạn sau năm 2030: Mở rộng đối tượng tham gia thị trường carbon trong nước; kết nối thị trường carbon trong nước với thị trường carbon khu vực và thế giới.

Trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 7/1/2022 của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã bổ sung chi tiết quy định về các hoạt động trên sàn giao dịch carbon, bao gồm: Mua, bán, đấu giá hạn ngạch, và mua, bán tín chỉ carbon.

Bên cạnh đó, các hoạt động chuyển giao, vay mượn, nộp trả, bù trừ hạn ngạch sẽ thực hiện trên Hệ thống đăng ký quốc gia. Dự thảo Nghị định mới đề xuất bổ sung quy định về trách nhiệm của các đơn vị liên quan trong quản lý, vận hành sàn thống nhất với các nội dung tại Đề án phát triển thị trường carbon tại Việt Nam. Dự thảo cũng quy định chi tiết về thời điểm, trình tự thủ tục thực hiện các hoạt động mua bán, đấu giá, chuyển giao, vay mượn, nộp trả hạn ngạch, sử dụng tín chỉ carbon để bù trừ.

Theo đó, hạn ngạch phát thải khí nhà kính được mua, bán trên Sàn giao dịch carbon theo hình thức khớp lệnh và quy chế giao dịch của Sở Giao dịch chứng khoán được cấp có thẩm quyền chấp thuận. Tín chỉ carbon ngoài mua, bán có thể giao dịch theo hình thức thỏa thuận và phải đăng ký trên Sàn giao dịch carbon. Các hướng dẫn về mua, bán hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon trên Sàn giao dịch carbon sẽ do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành…

Về bổ sung quy định trao đổi tín chỉ carbon quốc tế, trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 7/1/2022 của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã bổ sung quy định về thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon song phương theo Điều 6.2 của Thỏa thuận Paris.

Theo đó, cần xác định được lĩnh vực và các biện pháp giảm phát thải được phép trao đổi tín chỉ carbon quốc tế, song hiện nay chưa có quy định về nội dung này. Do đó, để có cơ sở cho việc trao đổi tín chỉ song phương, cần có quy định về quy trình, thủ tục thực hiện các dự án tạo tín chỉ carbon theo cơ chế trao đổi bù trừ tín chỉ carbon song phương quốc tế và bổ sung danh mục được xây dựng trên các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính có điều kiện (có hỗ trợ của quốc tế) trong Đóng góp quốc gia tự quyết định của Việt Nam và căn cứ trên đề xuất của các Bộ quản lý lĩnh vực.

Nghị định số 06/2022/NĐ-CP hiện hành chưa quy định về cấp Thư chấp thuận chuyển giao tín chỉ carbon quốc tế. Ngoài cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon song phương, trong thời gian qua có một số Bộ, cơ quan, UBND cấp tỉnh đề xuất và triển khai các thỏa thuận mua bán tín chỉ carbon với các đối tác quốc tế (Thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ ký giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với Ngân hàng Thế giới; đề xuất của Thành phố Hồ Chí Minh…). Trước khi trao đổi tín chỉ carbon ra quốc tế, các bên cần làm rõ việc trao đổi này có ảnh hưởng đến Đóng góp quốc gia tự quyết định của Việt Nam hay không, cần có Thư chấp thuận theo quy định quốc tế.

Do đó, trong dự thảo Nghị định mới, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất bổ sung một số quy định đối với các dự án đầu tư công theo hướng: Cơ quan chủ quản dự án ký kết Thỏa thuận mua bán tín chỉ carbon theo Luật Thỏa thuận quốc tế, bao gồm nội dung về lượng giảm phát thải khí nhà kính dự kiến chuyển giao.

Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm cấp Thư chấp thuận chuyển giao tín chỉ carbon quốc tế căn cứ trên đề nghị của cơ quan chủ quản dự án, ý kiến các Bộ quản lý lĩnh vực, cơ quan có liên quan và tình hình thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính quốc gia. Đối với các dự án không được cấp Thư chấp thuận, kết quả giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, tín chỉ carbon chỉ được sử dụng cho mục tiêu Đóng góp quốc gia tự quyết định  của Việt Nam, không đóng góp vào mục tiêu Đóng góp do quốc gia tự quyết định của quốc gia khác (NDC) và mục tiêu giảm nhẹ quốc tế khác…/.

Nguyễn Hồng Điệp


Tác giả: Nguyễn Thị Hồng Điệp
Nguồn:TTXVN Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Tìm kiếm

Tìm kiếm