A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đắk Nông lập bản đồ phân vùng xả thải các hợp lưu của sông Sêrêpốk

UBND tỉnh Đắk Nông vừa phê duyệt kế hoạch điều tra, đánh giá khả năng chịu tải của môi trường và lập bản đồ phân vùng xả thải cho các lưu vực sông suối là hợp lưu của sông Sêrêpốk.

Theo kế hoạch, UBND tỉnh Đắk Nông giao Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh tổ chức điều tra, đánh giá khả năng chịu tải của môi trường tại các lưu vực sông suối nội tỉnh là phụ lưu của sông Sêrêpốk. Các sông, suối này thuộc địa phận các huyện Cư Jút, Krông Nô, Đắk Mil.

Cụ thể, sẽ có 27 sông, suối nội tỉnh là hợp lưu cấp 1, cấp 2 của sông Sêrêpốk với tổng chiều dài hơn 700km được điều tra, đánh giá khả năng chịu tải môi trường và lập bản đồ phân vùng xả thải. UBND tỉnh Đắk Nông sẽ triển khai thực hiện các nội dung như: lập danh mục nguồn xả thải và nguồn tiếp nhận nước thải; xác định vị trí trên bản đồ; xác định các chất ô nhiễm đặc trưng có trong nguồn thải; đánh giá diễn biến lưu lượng thải; tính toán khả năng tiếp nhận nước thải và các kế hoạch liên quan… Việc đánh giá nhằm tăng cường năng lực quản lý nhà nước về bảo vệ, sử dụng, khai thác bền vững, phát huy giá trị tài nguyên, môi trường nước, góp phần bảo vệ môi trường sông Sêrêpốk; giúp quản lý, khai thác bền vững dòng sông. Thời gian thực hiện kế hoạch là từ nay đến hết năm 2026.

Các lưu vực sông suối là hợp lưu của sông Sêrêpốk

Với vai trò là chủ đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Nông có nhiệm vụ lựa chọn nhà thầu đáp ứng năng lực theo kế hoạch lựa chọn nhà thầu được duyệt, đảm bảo chất lượng và tuân thủ các quy định hiện hành, không gây nợ đọng. Thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của UBND tỉnh và Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc chấn chỉnh công tác đấu thầu các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Đăng tải kế hoạch lựa chọn nhà thầu điều chỉnh lên hệ thống đấu thầu quốc gia theo đúng quy định.

Sông Sêrêpốk là 1 trong 2 dòng sông chính của tỉnh Đắk Nông, cũng là ranh giới tự nhiên giữa tỉnh Đắk Nông và Đắk Lắk. Thời gian qua, quá trình phát triển kinh tế - xã hội đã tác động lớn đến sông Sêrêpốk, điển hình như: xả thải, khai thác cát xây dựng, cải tạo cảnh quan, môi trường, xây dựng dọc hai bên bờ sông…

Trước đó, UBND tỉnh Đắk Nông có công văn đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì việc điều tra, đánh giá nguyên nhân sạt lở bờ sông Krông Nô - một phụ lưu chính của sông Sêrêpốk. Theo UBND tỉnh Đắk Nông, đây là cơ sở quan trọng để tính toán, triển khai các giải pháp giảm thiểu sạt lở bờ sông, đảm bảo an toàn cho các công trình cơ sở hạ tầng, công trình phục vụ sản xuất và đất sản xuất của người dân hai bên bờ sông.

Khánh An (T/H)


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Tìm kiếm

Tìm kiếm