A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Công trình nước sạch giúp cải thiện đời sống, sức khỏe đồng bào vùng sâu

Diện mạo nông thôn Gia Lai đang từng bước “thay da, đổi thịt”. Hàng trăm công trình cấp nước sinh hoạt đã được đầu tư xây dựng, mang nguồn nước mát lành đến với người dân vùng sâu, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.

Tại làng Quao, xã Nghĩa An, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai, hình ảnh người dân vất vả tìm kiếm nguồn nước sạch trong mùa khô hạn đã trở thành quá khứ. Công trình cấp nước sinh hoạt công suất 1.000m3/ngày đêm đi vào hoạt động cuối năm 2020 đã giúp hơn 1.800 hộ dân khu vực liên xã Đông và Nghĩa An của huyện có nguồn nước sạch ổn định.

Chị Say ở làng Quao, xã Nghĩa An chia sẻ: Trước đây, người dân thường phải đi xa để lấy nước, nhiều khi còn phải dùng nước không đảm bảo vệ sinh. Từ khi có hệ thống nước sạch, cuộc sống của gia đình chị và người dân nơi dây đã thay đổi rất nhiều, không còn lo lắng về chất lượng nguồn nước, sức khỏe cũng được cải thiện.

Ông Lê Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Kbang cho biết: Các công trình nước sạch không chỉ giúp giảm tỷ lệ bệnh tật trong cộng đồng, mà còn nâng cao ý thức của người dân trong việc chăm sóc sức khỏe và bảo vệ nguồn nước. Huyện sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan để duy trì và phát triển các công trình nước sạch này.

Không chỉ ở huyện Kbang, người dân xã Hà Tam, huyện Đăk Pơ cũng được hưởng lợi từ các công trình nước sạch. Công trình nước sạch công suất 491m3/ngày đêm ở xã đã giúp hơn 600 hộ dân thoát khỏi cảnh sử dụng nước giếng bị nhiễm vôi, ảnh hưởng đến sức khỏe.

Ông Đặng Văn Lượng, Phó Chủ tịch UBND xã Hà Tam cho biết, địa phương có một làng đồng bào dân tộc thiểu số đã được đầu tư công trình nước sạch tự chảy. Các thôn khác chủ yếu sử dụng nước giếng nhưng chất lượng nước không tốt do nhiễm vôi nặng. Sau khi được nhà nước hỗ trợ công trình nước sạch này, chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên đáng kể.

Theo thống kê, hộ gia đình nông thôn ở tỉnh Gia Lai sử dụng nước sạch đạt xấp xỉ 53%, hộ gia đình sử dụng nước hợp vệ sinh đạt gần 98%. Đây là kết quả đáng khích lệ, cho thấy sự đầu tư đúng hướng của chính quyền và nhận thức ngày càng nâng cao của người dân về tầm quan trọng của nước sạch. Tuy nhiên, để các công trình nước sạch đảm bảo hiệu quả bền vững, việc bảo trì, vận hành và nâng cao ý thức bảo vệ nguồn nước của người dân là vô cùng quan trọng.

Ông Nguyễn Văn Danh, cán bộ phụ trách các dự án nước sạch, Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh Gia Lai cho biết, giai đoạn 2016 – 2022, đơn vị đã đầu tư xây dựng 12 công trình cấp nước sạch ở 10 địa phương. Hầu hết các công trình đều phát huy hiệu quả tốt, đúng theo tiêu chí và mục đích ban đầu mà các dự án đã đề ra.

“Để phát huy hiệu quả các công trình nước sạch đã được đầu tư, chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, đơn vị quản lý thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân bảo vệ nguồn nước, tránh gây ô nhiễm. Đồng thời, chúng tôi sẽ rà soát và bảo trì hệ thống đường ống, máy móc của các công trình nước sạch, đảm bảo tính bền vững trong quá trình sử dụng”, ông Danh nói.

Tính đến nay, Gia Lai đã có 285 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung tại các thôn, làng, bao gồm 161 công trình cấp nước tự chảy và 124 công trình bơm dẫn. Việc chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nước sạch nông thôn không chỉ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, mà còn tạo điều kiện cho Gia Lai hoàn thành chỉ tiêu về nước sạch nông thôn của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030./.

Hoài Nam – Xuân Huy


Tác giả: Nguyễn Hoài Nam
Nguồn:TTXVN Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Tìm kiếm

Tìm kiếm