A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai ngay từ giờ đầu

Ngày 25/4, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị chủ trì Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, đảm bảo an toàn công trình thủy lợi năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024. Hội nghị được kết nối trực tuyến đến tất cả các huyện, thành phố trong toàn tỉnh.

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đình Nghị yêu cầu các thành viên Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh thực hiện theo dõi chặt chẽ địa bàn phụ trách, kịp thời phản ánh cụ thể với UBND tỉnh những vấn đề mới phát sinh để có hướng giải quyết.

Các cấp, ngành, địa phương căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động xây dựng kế hoạch chỉ đạo và thực hiện tốt công tác phòng, chống thiên tai, sẵn sàng hỗ trợ phương tiện, vật tư cần thiết để chủ động phòng, chống thiên tai khi có tình huống xảy ra.

Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, nâng cao chất lượng thông tin dự báo, cảnh báo về bão, áp thấp nhiệt đới nhằm hạn chế tối đa những thiệt hại do bão, lũ gây ra; cung cấp các số liệu để lãnh đạo tỉnh, các ngành có cơ sở chỉ đạo.

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì, hỗ trợ, phối hợp với các sở, ngành, huyện, thành phố rà soát lại kế hoạch phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; đồng thời tham mưu UBND tỉnh kiện toàn Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh; phối hợp với UBND các huyện, thành phố thường xuyên rà soát, phát hiện các điểm xung yếu đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, UBND tỉnh biện pháp xử lý theo thứ tự ưu tiên; chủ động xây dựng phương án, kế hoạch phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn sát với từng tình huống; có phương án duy trì bảo đảm nguồn điện phục vụ sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân, nhất là trong mùa nắng nóng...

Đặc biệt, các đơn vị cần tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý kịp thời các vi phạm đê điều, nếu để xảy ra vi phạm mới thì phải cùng Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm trước Thường trực Tỉnh ủy và UBND tỉnh; phối hợp với các ngành chức năng và UBND các huyện, thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về các kiến thức, kinh nghiệm phòng, chống thiên tai để người dân nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng chống thiên tai.

Các Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác Công trình thủy lợi chủ động nâng cao năng lực tưới tiêu của hệ thống công trình, xây dựng các phương án phòng, chống hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn, chống úng, lụt; thường xuyên kiểm tra, làm sạch hệ thống kênh mương đảm bảo vệ sinh môi trường cấp, tiêu nước gắn liền với nhiệm vụ bảo vệ môi trường nông thôn mới.

UBND các huyện, thành phố cập nhật, hoàn thiện kế hoạch, phương án, kịch bản ứng phó tình huống thiên tai của địa phương theo phương châm "4 tại chỗ"; riêng thành phố Nam Định chủ động phương án phòng, chống úng ngập, nhất là tại các điểm dân cư tập trung, khi có mưa, bão.

Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nam Định, thời gian qua, công tác chỉ đạo phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của tỉnh được thực hiện đồng bộ, quyết liệt, liên tục, chặt chẽ; chủ động xây dựng kế hoạch, sẵn sàng phương án ứng phó thiên tai theo phương châm "4 tại chỗ"; công tác dự báo thiên tai sát với tình hình thực tế; việc tuần tra, trực ban nghiêm túc, báo cáo kịp thời... Nhờ đó, công tác phòng, chống thiên tai của tỉnh đã đảm bảo yêu cầu và hạn chế thấp nhất thiệt hại xảy ra.

Nam Định hiện có hơn 535km đê, trong đó có 75,161km đê biển; 38 trọng điểm xung yếu cần đặc biệt chú ý, trong đó có 2 trọng điểm cấp tỉnh. Tỉnh có 1.770 tàu, thuyền khai thác thủy sản; diện tích nuôi trồng thủy sản là 16.340ha; có 1.019 lều, chòi canh coi thủy sản với 1.228 lao động làm việc tại các vùng nuôi thủy sản./.

Thái Thuần


Tác giả: Đặng Thái Thuần
Nguồn:TTXVN Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Tìm kiếm

Tìm kiếm