A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cây năng lượng giúp phục hồi đất sau khai thác khoáng sản

“Trồng cây năng lượng trên đất mỏ sau khai thác khoáng sản” là dự án hợp tác giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Môi trường, Bảo tồn thiên thiên, An toàn hạt nhân và Bảo vệ người tiêu dùng (Cộng hòa Liên bang Đức).

Khởi động từ năm 2015, mục tiêu của dự án là đánh giá tính khả thi của việc tái sử dụng diện tích đất sau khai thác khoáng sản để trồng cây năng lượng. Trên cơ sở đó, vừa thực hiện cải tạo, phục hồi đất sau khai thác khoáng sản, vừa làm tăng giá trị sử dụng của các diện tích đất nghèo dinh dưỡng.

Dự án đã lập danh sách các bãi thải sau khai thác khoáng sản bị bỏ hoang, thử nghiệm trồng nhằm nghiên cứu, phát triển hệ thống canh tác cây năng lượng phù hợp để cải tạo, phục hồi đất, xác định tiềm năng tận dụng và các phương pháp sử dụng sinh học khối, đưa ra cách tiếp cận về bảo vệ môi trường và kinh tế, tăng cường sử dụng năng lượng sinh học thay thế năng lượng hóa thạch, dự đoán các tác động do biến đổi khí hậu…Theo đó, Dự án trồng thử nghiệm các cây trồng năng lượng trên bãi thải của 3 khu vực khai thác khoáng sản tại Thái Nguyên, Lâm Đồng và Quảng Ninh. Các chuyên gia của dự án đã lựa chọn loài cây có thể sử dụng để sản xuất năng lượng sinh học trực tiếp hoặc các cây làm thức ăn, tạo năng lượng gián tiếp thông qua sản xuất khí sinh học.

Trong đó khu vực 1 lựa chọn 1,9 ha đất là bãi thải khai thác khoáng sản tại Núi Pháo (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) trồng keo lai Úc, cao lương, cỏ VA06, sắn trồng xen đậu xanh. Đây là khu vực đổ đất đá thải, đã được phủ lên lớp đất mặt độ dày từ 0,5 - 1m, đường lên bãi thải không quá dốc, thuận tiện nguồn nước. Khu vực 2 lựa chọn 2 ha là bãi thải mỏ than Hà Tu (thành phố Hạ Long, Quảng Ninh) trồng cao lương xen cây cốt khí và keo tai tượng. Khu thử nghiệm trên bãi thải cao khoảng 200m so với mực nước biển, cách xa nguồn nước, tốc độ gió lớn, đường lên bãi thải dốc; thành phần cơ giới chủ yếu là cát, hàm lượng dinh dưỡng nghèo, không thích hợp cho các loại cây trồng. Khu vực 3 được lựa chọn 1,25 ha nằm trong khu bãi thải khai thác quặng Bauxit tại huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng) trồng cây cọc rào, hướng dương, sắn. Địa hình khu đất cao 890m so với mặt nước biển, độ dốc 9% (dốc thoải), đất đỏ vàng đã được phủ 1 lớp đất dày 0,5 - 1 m có độ màu mỡ khá. Điều kiện trồng và chăm sóc cây khá tốt. 

Các chuyên gia của dự án đánh giá, việc trồng thử nghiệm các loại cây đã đem lại những kết quả khả quan. Điển hình như cây cao lương thích hợp với điều kiện đất đai và khí hậu khu thử nghiệm ở Núi Pháo, khả năng chịu hạn tốt, vụ đầu cho năng suất sinh khối khá cao, hàm lượng đường cao, có thể sử dụng làm nguyên liệu sản xuất ethanol. Với đặc điểm các bãi thải sau khai thác khoáng sản hầu hết là những khu vực đất nghèo dinh dưỡng, đất trống nên cây năng lượng giúp mở rộng diện tích trồng, phủ xanh đất trống, chống xói mòn, tăng tính đa dạng sinh học, góp phần giảm thiểu khí nhà kính. Tuy nhiên, tốc độ sinh trưởng và năng suất sinh khối của các loại cây dao động lớn, phụ thuộc vào tính chất vật lý, hóa học của khu vực bãi thải.

Chia sẻ về kết quả sau 8 năm trồng cây năng lượng tại Núi Pháo, ông Trương Thế Mạnh, Trưởng phòng Môi trường và Phát triển bền vững (Công ty Núi Pháo, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) cho biết, trong thời gian thực hiện Dự án từ năm 2016 đến nay, khu vực Núi Pháo chứa đất đá thải trong quá trình xây dựng được phủ lớp đất mặt dày khoảng từ 0,5 - 1m, thuận lợi cho quá trình sinh trưởng của cây trồng. Từ kết quả khảo sát, Công ty đã có hướng dẫn cụ thể trong việc hoàn thiện hồ sơ cho những hạng mục cải tạo đã thực hiện để phục vụ quá trình xác nhận hoàn thành cải tạo, phục hồi môi trường khi kết thúc khai thác.

Theo bà Nguyễn Thị Thiên Phương, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Dự án đã có những đóng góp cả về lý luận và cơ sở thực tiễn cho việc cải tạo, phục hồi đất sau khai thác khoáng sản trên cả phương diện môi trường, kinh tế và bảo vệ khí hậu. Việc sử dụng các loại cây trồng năng lượng giúp nâng cao giá trị kinh tế của khu vực bãi thải sau khai thác khoáng sản bằng cách tạo ra nguồn năng lượng mới như khí sinh học, nhiên liệu sinh học để chế biến nhiên liệu cho các nhà máy nhiệt điện, tạo nguồn thức ăn chủ động cho con người và vật nuôi trong điều kiện đất canh tác có hạn./.

Hoàng Vân


Tác giả: Nguyễn Hoàng Vân
Nguồn:TTXVN Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Tìm kiếm

Tìm kiếm