Vụ chung cư Miếu Nổi - hồi chuông cảnh báo về quản lý nhà chung cư
Vụ việc 4 cựu thành viên Ban quản trị (BQT) chung cư Miếu Nổi (Thành phố Hồ Chí Minh) bị đề nghị truy tố về tội tham ô tài sản và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về những bất cập trong công tác quản lý nhà chung cư hiện nay.
Quản lý nhà chung cư là một trong những vấn đề được nhiều người dân quan tâm. Ảnh mang tính chất minh họa: Hoàng Minh
Đây không phải là trường hợp cá biệt, mà là một ví dụ điển hình cho thấy sự thiếu minh bạch, trách nhiệm và năng lực của một số BQT, gây thiệt hại nghiêm trọng đến quyền lợi của cư dân.
Thực trạng đáng lo ngại
Theo kết luận điều tra, các cựu thành viên BQT chung cư Miếu Nổi đã có hàng loạt sai phạm, như: Tự ý sử dụng tiền quỹ bảo trì để nộp phạt, cho thuê mặt bằng chung mà không có sự đồng ý của cư dân, nâng khống giá trị hợp đồng lắp đặt thang máy, thậm chí thanh toán khống cho các hạng mục không được thi công. Tổng số tiền bị chiếm đoạt và gây thiệt hại lên đến hàng tỷ đồng.
Ngày 8/7/2025, Cơ quan cảnh sát điều tra - Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã hoàn tất kết luận điều tra bổ sung và chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát Nhân dân cùng cấp, đề nghị truy tố bị can Phạm Phương (54 tuổi, cựu Trưởng BQT chung cư Miếu Nổi) và Đinh Việt Cường (51 tuổi, cựu Phó Trưởng BQT) về tội “Tham ô tài sản và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Liên quan đến vụ án, bà Tôn Ngọc Bạch (thành viên BQT) và Nguyễn Thị Đào (Phó Trưởng BQT) bị đề nghị truy tố về tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Vụ việc này cho thấy một thực trạng phổ biến tại nhiều chung cư. Đó là sự thiếu minh bạch tài chính trong việc quản lý, sử dụng quỹ bảo trì và các khoản thu chi khác. Các khoản này thường không được công khai, hoặc công khai một cách không rõ ràng dẫn đến việc BQT có thể dễ dàng trục lợi, tham ô.
Hơn nữa, nhiều thành viên BQT thiếu kiến thức pháp luật, chuyên môn về quản lý, vận hành chung cư. Điều này dẫn đến các quyết định thiếu chính xác, không hiệu quả, thậm chí vi phạm pháp luật.
Một số thành viên BQT có thể lợi dụng chức vụ để tư lợi cá nhân hoặc ưu ái các đơn vị cung cấp dịch vụ có liên quan đến họ, gây thiệt hại cho cư dân; việc giám sát hoạt động của BQT vẫn còn hạn chế. Quy chế dân chủ trong chung cư chưa thực sự được phát huy.
Đặc biệt, tuy hệ thống pháp luật đã có các quy định pháp luật về quản lý chung cư nhưng việc xử lý các sai phạm còn chậm, chưa đủ sức răn đe, khiến nhiều BQT thiếu ý thức chấp hành.
Cần tăng cường cơ chế giám sát, nâng cao năng lực BQT
Trao đổi với phóng viên Báo Thanh tra, luật gia Đỗ Văn Nhân cho biết, vụ Miếu Nổi cho thấy lỗ hổng lớn trong cơ chế giám sát tài chính đối với BQT. Quy định pháp luật hiện hành tuy có nhưng chưa đủ chi tiết và chưa có chế tài đủ mạnh để răn đe. Việc công khai, minh bạch mọi khoản thu chi của BQT phải là ưu tiên hàng đầu và cần có sự kiểm toán độc lập định kỳ để đảm bảo tính chính xác.
Ông Đỗ Văn Nhân nhấn mạnh: “Nhiều trường hợp, cư dân không nắm rõ quyền và nghĩa vụ của mình, hoặc không có đủ thời gian, năng lực để tham gia giám sát BQT. Điều này tạo điều kiện cho các cá nhân có ý đồ xấu trục lợi. Do đó, cần tăng cường tuyên truyền pháp luật cho cư dân, đồng thời có cơ chế hỗ trợ pháp lý khi họ phát hiện sai phạm.
Ngoài ra, ông Nhân cũng lưu ý, việc nâng cao năng lực của các thành viên BQT chung cư là vô cùng quan trọng. Nhiều BQT được bầu ra nhưng lại không có kiến thức về quản lý tài chính, quản lý kỹ thuật, hay các quy định pháp luật liên quan. Các cơ quan quản lý Nhà nước nên có chương trình tập huấn bắt buộc cho các thành viên BQT, hoặc thậm chí là xem xét việc chuyên nghiệp hóa hoạt động của BQT bằng cách khuyến khích thuê các đơn vị quản lý vận hành chuyên nghiệp.
Giải pháp nào để quản lý chung cư hiệu quả?
Để nâng cao hiệu quả quản lý nhà chung cư, bảo vệ quyền lợi chính đáng của cư dân, nhiều chuyên gia cho rằng cần có những giải pháp đồng bộ và quyết liệt từ nhiều phía. Trong đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của BQT chung cư, đặc biệt là về tài chính. Xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm, tham nhũng, trục lợi.
Nên xem xét quy định chặt chẽ hơn về điều kiện, tiêu chuẩn đối với thành viên BQT, cũng như cơ chế kiểm toán độc lập quỹ bảo trì; tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn kiến thức pháp luật, kỹ năng quản lý, vận hành chung cư cho thành viên BQT một cách bắt buộc.
Đồng thời, yêu cầu BQT công khai, minh bạch mọi khoản thu chi, đặc biệt là quỹ bảo trì, định kỳ báo cáo tài chính cho cư dân và chịu sự kiểm tra, giám sát thường xuyên; khuyến khích ứng dụng công nghệ trong quản lý để tăng tính minh bạch và hiệu quả.
Đặc biệt, tiếp tục phát huy vai trò giám sát của cư dân. Trong đó, nâng cao nhận thức và ý thức tham gia của cư dân vào các hoạt động của chung cư, nhất là việc bầu cử BQT và giám sát hoạt động của BQT; xây dựng kênh thông tin hiệu quả để cư dân có thể phản ánh, kiến nghị kịp thời các vấn đề phát sinh và được giải đáp thỏa đáng.
Thay vì dựa hoàn toàn vào BQT là các cư dân không chuyên, nên khuyến khích các chung cư thuê đơn vị quản lý vận hành chuyên nghiệp, có kinh nghiệm và uy tín để đảm bảo chất lượng dịch vụ và tính minh bạch.
Vụ việc tại chung cư Miếu Nổi là lời nhắc nhở đanh thép rằng việc quản lý chung cư không thể xem nhẹ. Chỉ khi có sự đồng lòng, phối hợp chặt chẽ giữa cư dân, BQT và cơ quan quản lý Nhà nước, một môi trường sống văn minh, an toàn và minh bạch tại các khu chung cư mới có thể được đảm bảo.