TP.HCM khó đạt chỉ tiêu phát triển nhà ở
Theo báo cáo của Sở Xây dựng TP.HCM về chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021 – 2030, dự báo đến năm 2025, TP chỉ có thể hoàn thành 80% chỉ tiêu đề ra.
Việc phát triển nhà ở trong giai đoạn tiếp theo sẽ gặp nhiều khó khăn. TP cần có những cơ chế chính sách đột phá trong lĩnh vực này thì mời có thể cải thiện tình hình nhà ở cho người dân.
Nguồn cung nhỏ giọt
Theo báo cáo thị trường của Savills Việt Nam (doanh nghiệp chuyên về tư vấn và cung cấp các dịch vụ bất động sản), trong 6 tháng đầu năm 2023 tại TP.HCM, không có dự án mới nào trong phân khúc biệt thự, nhà liền kề. Nguyên nhân do các chủ đầu tư gặp khó khăn trong việc huy động vốn, quỹ đất trống khan hiếm và các thủ tục pháp lý phức tạp.
Về sức mua, thị trường bất động sản TP có sự sụt giảm rõ rệt, chỉ có 158 căn được giao dịch, trong khi hàng tồn kho và sản phẩm mở bán mới có giá đắt đỏ.
Ông Sử Ngọc Khương – Giám đốc cấp cao, Công ty Savills Việt Nam cho rằng, tại TP.HCM hầu như không có dự án bất động sản phù hợp túi tiền đại bộ phận người dân.
Đối với nhà ở xã hội, ông Khương nhận định đây tiếp tục có nhiều điểm nghẽn. Với phân khúc nhà ở trung và cao cấp, một vài dự án được đưa ra nhưng sức hấp thụ rất hạn chế.
"Nền kinh tế thế giới, với bối cảnh tăng trưởng 6 tháng đầu năm có nhiều khó khăn liên quan đến thu nhập của người dân thì dẫn đến hạn chế sức mua. Nguồn cung ở các sản phẩm có giá vừa phải tiếp tục gặp khó" - ông Khương chia sẻ.
Chưa tạo sức bật rõ nét
Còn theo báo cáo của CBRE Việt Nam (doanh nghiệp chuyên về tư vấn và cung cấp các dịch vụ bất động sản) thì nửa đầu năm 2023, tại TP.HCM, nguồn cung căn hộ chào bán tiếp tục sụt giảm với hơn 4.100 căn, giảm hơn 70% so với cùng kỳ năm ngoái. Phần lớn số lượng căn hộ mở bán mới đến từ phân kỳ tiếp theo của các dự án đã mở bán giai đoạn trước.
Đáng chú ý, riêng trong Quý 2/2023, không có dự án mới nào được mở bán. Tận cuối tháng 6/2023 thị trường mới ghi nhận việc mở bán sản phẩm. Tuy nhiên, thay vì các đợt mở bán tập trung, một số chủ đầu tư chỉ mở bán với số lượng ít và tư vấn riêng lẻ cho khách hàng. Nguyên nhân là do các chủ đầu tư còn e ngại trước tốc độ hấp thụ kém của thị trường.
Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt – Giám đốc bộ phận Phát triển nhà ở, Công ty CBRE Việt Nam cho rằng: "Xét bình diện chung, thị trường có kết quả kinh doanh thấp hơn cùng thời điểm các năm trước khá nhiều. Tình hình thị trường từ cuối năm 2022 đến giờ phải đối diện với rất nhiều áp lực, từ nguồn cung đến dòng tiền, tài chính. Chưa tạo được sức bật nào rõ rệt để thị trường có thể phục hồi sớm".
Với tình hình như hiện nay, chương trình phát triển nhà ở TP.HCM giai đoạn 2021 – 2030, chỉ tiêu 50 triệu m2 sàn vào năm 2025 khó đạt được. TP dự kiến chỉ phát triển được khoảng 40 triệu m2 sàn, tương ứng 80% chỉ tiêu.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường cho biết, thời gian tới TP sẽ tập trung cho nhà ở phân khúc giá thấp. "TP sẽ đẩy mạnh thực hiện các dự án đầu tư để phát triển nhà ở, trên cơ sở đó tập trung cho nhóm ưu tiên cho nhà ở xã hội, nhà trọ cho công nhân, người lao động trên địa bàn cũng như chính sách hỗ trợ cho dự án chỉnh trang đô thị", ông Cường nói.
Với kết quả thời gian qua, cộng thêm tình hình tăng trưởng kinh tế như hiện nay, UBND TP.HCM rất khó dự báo kết quả phát triển nhà ở trong giai đoạn sắp tới. Để giải quyết tình trạng này, TP cần có các chính sách đột phá hơn trên cơ sở Nghị quyết 98/2023 vừa được Quốc hội thông qua.