A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sự sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVB) có tác động đến thị trường chứng khoán Việt Nam?

Xét về quy mô, SVB chỉ có khoảng 212 tỷ USD, còn Lehman Brother thời 2008 là 639 tỷ USD.

 

Sự sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVB) có tác động đến thị trường chứng khoán Việt Nam?

Sáng 10/3 (theo giờ Mỹ), Silicon Valley Bank (SVB) đã dừng hoạt động. Sự kiện SVB đã đánh dấu vụ phá sản lớn thứ hai của một tổ chức tài chính trong lịch sử Mỹ, kể từ năm 2008.

Nhìn nhận về tác động của sự kiện này, giới phân tích đưa ra quan điểm không quá bi quan khi cho rằng với quy mô nhỏ như Silicon Valley Bank (SVB) không ảnh hưởng quá nhiều đến thị trường tài chính.

Mặc dù thị trường chưa biết được liệu sự thất bại của SVB có gây ra rủi ro lan rộng đối với hệ thống tài chính hay không, nhưng những thông tin này khiến nhà đầu tư khá hoang mang. Vậy thị trường chứng khoán sẽ phản ứng như thế nào trước thông tin trên?

Bàn luận về vấn đề này, ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, xét về cả thanh khoản lẫn quy mô, sự kiên SVB đều chưa đủ ảnh hưởng lớn đến thị trường tài chính.

Thứ nhất là về thanh khoản, tỷ lệ dư tín dụng trên số vốn huy động (LDR) của SVB chỉ có 43%, thấp hơn nhiều so với các ngân hàng lớn ở Mỹ là trên 70%. Tổng tài sản SVB là 212 tỷ USD, trong đó có 165 tỷ USD là tiền gửi.

Theo thống kê thì họ có thể thu xếp được 95 tỷ USD để backup thanh khoản cho thứ 2 người dân đi rút tiền, 95 tỷ USD đó đến từ 50 tỷ USD là từ government bond + 25 tỷ USD (hàng hóa, CDS,…), + 15 tỷ USD cash của họ + gần 5 tỷ USD từ các hoạt động tái chính khác đáo hạn từng quý. Tóm lại có khoảng 58% nguồn tiền để đảm bảo thanh khoản ngắn hạn, nhưng điều này có thể gây ra hành động bán tháo tài sản và gây ra khoản lỗ lớn cho chính SVB.

Xét về quy mô, SVB chỉ có khoảng 212 tỷ USD, còn Lehman Brother thời 2008 là 639 tỷ USD. Do đó, chuyên gia cho rằng SVB vẫn chưa đủ sức để gây ra một cuộc khủng hoảng tương tự như năm 2008. Các khoản MBS (tương tự như trái phiếu) ước tính khoảng đâu đó hơn 70 tỷ USD, tính ra chỉ bằng gần 1 tháng Fed đi mua MBS trong gói QE. Điều này cho thấy Fed có thừa khả năng để ra tay hỗ trợ ngân hàng này.

Thêm vào đó, giá cổ phiếu SVB giảm hơn 60% trong phiên 10/03, nhưng JPMorgan thì lại tăng 2,54%. Điều này cho thấy nhiều ngân hàng lớn khác có thể đang hưởng lợi từ vụ SVB.

“Năm 2008, Fed không “giải cứu” Lehman Brother và sau đó hối hận và tự nhận sai nên đã quay đầu trong năm 2009 bơm tiền để giải quyết. Sau sự kiện này, tôi dự đoán Fed sẽ hạ giọng mình trong việc điều hành chính sách thời gian tới”, ông Nguyễn Thế Minh nhận định.

Ngay cả khi không có rủi ro hệ thống nào xảy ra, nhưng chuyên gia nhấn mạnh rằng khó khăn của SVB là một lời nhắc nhở rằng các ngân hàng có thể gặp khó khăn trong việc tạo ra lợi nhuận ngay cả trong môi trường lãi suất tăng.

Trước những phân tích trên, ông Minh cho rằng khả năng áp lực tâm lý khiến thị trường có thể rung lắc mạnh trong những phiên đầu tuần, song xu hướng sẽ tích cực hơn vào cuối tuần. Bởi dòng tiền đã có sự hồi phục tốt trong những phiên gần đây, cộng thêm nhiều thông tin hỗ trợ tích cực từ các quỹ ngoại cũng là lực đỡ quan trọng. Bên cạnh đó, độ rộng thị trường cũng có chiều hướng tốt hơn, nhiều cổ phiếu chiết khấu tương đối thấp. Do đó, nhà đầu tư có thể giải ngân thăm dò với tỷ trọng thấp.

Về phần mình, ông Bùi Văn Huy – Giám đốc Chi nhánh Chứng khoán DSC cũng cho rằng SVB là trường hợp cục bộ và là ví dụ điển hình cho việc quản lý không tốt Balance Sheet trong suy thoái, chứ không phải bất nguồn từ rủi ro hệ thống và khả năng thấp có thể gây nên một hiệu ứng dây chuyền.

Do đó, thị trường khả năng vẫn tiếp tục quá trình tích lũy trong biên với hỗ trợ quanh 1.020- 1.030, kháng cự quanh 1.070-1.080 . Theo chuyên gia DSC, dù có rung lắc nhất định và thị trường biến động từng phiên theo các thông tin mới, nhưng xu hướng chung vẫn là tích lũy với việc nền giá chung của thị trường được xác lập . Diễn biến thị trường không quá tệ và có những cơ hội đầu tư với nhiều nhóm cụ thể.

Xác suất để VN-Index bật tăng sau đà tích lũy (TT tích lũy) hoặc tiếp tục kiểm tra lại các đường hỗ trợ (TT bán tháo) xảy ra là 50/50. Nhà đầu tư nên chuẩn bị sẵn vốn, và chiến thuật đầu tư phù hợp cho cả 2 trường hợp.

Tuy nhiên, thị trường phân hóa là một tín hiệu tốt cho cả 2 kịch bản - tích lũy hay bán tháo. Chỉ báo cho thấy dòng tiền ngoài thị trường vẫn đang chờ đợi các cơ hội để giải ngân vào các cổ phiếu giá rẻ. Sự phân hóa của dòng tiền cho nhà đầu tư hy vọng rằng các cơ hội cụ thể vẫn tồn tại, thay vì tất cả các cổ phiếu đều có triển vọng bi quan theo chỉ số chung.

Hạ Anh


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Tìm kiếm

Tìm kiếm