Bài 2: Hiện thực hóa giấc mơ tự chủ
Ngành công nghiệp dệt may đang nỗ lực từng ngày hướng đến mục tiêu hiện đại hoá sản xuất cùng đất nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Góp sức hoàn thành mục tiêu lớn
Một trong mục tiêu tổng quát trong Nghị quyết XIII của Đảng là đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Nghị quyết XIII cũng đưa ra mục tiêu cụ thể theo phân kỳ thời gian. Trong đó, đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Định hướng các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025, về kinh tế: “Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân 5 năm đạt khoảng 6,5 - 7%/năm. Đến năm 2025, GDP bình quân đầu người khoảng 4.700 - 5.000 USD; đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp vào tăng trưởng đạt khoảng 45%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân trên 6,5%/năm; tỉ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt trên 25%; kinh tế số đạt khoảng 20% GDP”, Nghị quyết XIII nêu rõ.
Công nghiệp dệt may nỗ lực hướng tới mục tiêu hiệ đại hóa theo định hướng của Đảng |
Những mục tiêu chung đặt ra cho toàn ngành công nghiệp cũng là mục tiêu phấn đấu cho từng phân ngành, trong đó có công nghiệp dệt may nhằm cán đích đúng thời gian, tiến độ theo nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Chính phủ giao.
Với ngành dệt may, điểm hạn chế lớn nhất là phụ thuộc vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu. Đây vẫn được coi là thách thức cũng là cản trở lớn cho mục tiêu tăng giá trị thặng dư, tận dụng các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết và là rào cản tiến tới mục tiêu hiện đại hoá cùng ngành công nghiệp.
Khắc phục điều này, doanh nghiệp dệt may trong nước đang tích cực xây dựng chuỗi cung ứng. Ở vai trò dẫn dắt ngành, Vinatex đã và đang trở thành đầu mối cùng nhiều doanh nghiệp nỗ lực hiện thực hoá giấc mơ tự chủ, mục tiêu đến năm 2025 trở thành điểm mua hàng trọn gói và tập trung cho sản xuất xanh, sản phẩm xanh.
Chia sẻ về mục tiêu này, lãnh đạo Vinatex bày tỏ: 2 năm xảy ra đại dịch, chúng ta đã chứng kiến hiểm hoạ của việc đứt gẫy chuỗi cung ứng. Khi được cung thì đứt cầu, khi được cầu thì đứt cung. Tránh để xảy ra tình trạng này trong tương lai, tập đoàn đang nỗ lực xây dựng chuỗi cung ứng nội bộ và trở thành một mắt xích quan trọng của chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu.
Theo đó, tập đoàn tập trung hình thành năng lực cung ứng đủ lớn cho ngành dệt kim. Công ty TNHH MTV Dệt kim Đông Xuân và Công ty TNHH MTV Dệt kim Đông Phương đã được đầu tư nâng cao năng suất, sẽ được đầu tư hoàn chỉnh đi theo hệ thống kéo sợi để hoàn thành chuỗi khép kín. Tập đoàn cũng quy hoạch thêm 1-2 trung tâm dệt kim tại khu vực miền Trung với quy mô từ 25-30ha/trung tâm, có hệ thống xử lý nước thải đồng bộ.
Tập đoàn tiếp tục thực hiện kế hoạch chuyển đổi số. Công ty mẹ, công ty chi phối và chi nhánh của tập đoàn sẽ cùng chung 1 môi trường quản trị số thông qua hệ thống. Sau khi hoàn thành, tất cả nguyên liệu đầu vào, đầu ra của các công đoạn sản xuất đều được kiểm soát. “Với ưu điểm độ chính xác cao, không mất lao động, chúng tôi coi quản trị số là chìa khoá đảm bảo thành công cho mục tiêu chiến lược giai đoạn”, ông Cao Hữu Hiếu bày tỏ.
Bắt nhịp đổi thay cùng đất nước
Trong hiện trạng nền kinh tế đang đối mặt nhiều thách thức, bối cảnh phát triển cũng có nhiều thay đổi để nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường, tiếp tục duy trì hoạt động và phát triển, doanh nghiệp dệt may trong nước được khuyến cáo không cách nào khác phải đi theo con đường sản xuất bền vững.
Trên thực tế, ngành công nghiệp dệt may Việt Nam đã có những cá nhân, tổ chức áp dụng nguyên liệu, phương thức sản xuất bền vững trong quá trình sản xuất. Đơn cử, vải sợi dứa và sợi lá dứa thô của Công ty cổ phần Nghiên cứu sản xuất và phát triển sợi Eco (Ecosoi) là một điển hình. Đẹp, lành tính, thấm hút mồ hôi tốt, sợi dứa thô hay vải từ sợi dứa của Ecosoi được xếp vào dòng nguyên liệu bền vững, mở ra thị trường tiêu thụ lớn trong và ngoài nước. Ông Nguyễn Văn Hạnh, đồng sáng lập và là Giám đốc sản xuất của Ecosoi, cho biết: Việc phát triển sợi dứa vừa là giải pháp ngành may mặc bền vững, vừa bảo vệ môi trường và nâng cao giá trị cây dứa, tạo sinh kế cho người dân ở nông thôn.
Trong khi đó, Công ty CP Tập đoàn Gai Thiên Phước khiến nhiều đối tác, doanh nghiệp trong ngành thích thú vì đã chủ động được vùng nguyên liệu khoảng 6.000ha cây gai trên khắp lãnh thổ Việt Nam. Sản phẩm từ sợi gai của công ty này hiện nay khá đa dạng và cam kết cung cấp đúng và đầy đủ các yêu cầu của khách hàng từ chất lượng, số lượng đến các chứng chỉ liên quan đến thành phần kỹ thuật theo tiêu chuẩn quốc tế. Còn Công ty Faslink lại mang đến một loạt sản phẩm vải thời trang từ các nguyên liệu thân thiện môi trường như sợi bạc hà, xơ dừa, bã cà phê, nhựa tái chế…
Có thể nói, bằng niềm đam mê, trí sáng tạo và kỹ thuật tuyệt vời những cá nhân, doanh nghiệp tiên phong đã giúp ngành công nghiệp dệt may Việt Nam bắt nhịp xu hướng sản xuất xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, đồng thời khẳng định vị trí top đầu trên thị trường dệt may thế giới.
Bộ Công Thương đồng hành cùng ngành dệt may từng bước tiến tới mục tiêu tự chủ nguyên liệu |
Theo PGS.TS. Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện nghiên cứu, phát triển kinh tế tuần hoàn, mô hình kinh tế tuần hoàn đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển xanh, bền vững của ngành dệt may Việt Nam. Mô hình này cần được nhìn nhận ở cả chuỗi giá trị, từ sản xuất, nguồn nguyên vật liệu đến khâu tiêu thụ. Theo đó, ngành dệt may cũng cần xây dựng được cơ sở dữ liệu thông tin, ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại thúc đẩy triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn.
“Cụ thể, toàn ngành có thể xây dựng hệ thống, trung tâm cơ sở dữ liệu thông tin về thực hành mô hình kinh tế tuần hoàn tại các doanh nghiệp dệt may; đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm tận dụng thông tin, dữ liệu, kỹ thuật và nguồn lực từ các tổ chức quốc tế; đảm bảo cung cấp thông tin theo thời gian thực, cập nhật định kỳ cho doanh nghiệp về nguồn cung - cầu liên quan đến phụ phẩm, bán thành phẩm, sản phẩm tái chế...”, PGS.TS. Nguyễn Hồng Quân gợi ý.
Thành quả này của ngành công nghiệp dệt may Việt Nam không thể không kể tới sự đồng hành của Bộ Công Thương. Thông qua Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035, Bộ Công Thương đã vạch ra đường hướng cụ thể cho ngành phát triển.
Theo chiến lược, ngành dệt may được đặt mục tiêu và kỳ vọng trở thành ngành chủ lực về xuất khẩu của nền kinh tế. Cụ thể, giai đoạn 2021 – 2030, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu dệt may và da giày cả nước bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt 6,8% - 7,0%/năm, trong đó giai đoạn 2021 - 2025 đạt 7,2% - 7,7%/năm. Năm 2025 tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may và da giày cả nước đạt 77-80 tỷ USD, năm 2023 đạt 106-108 tỷ USD.
Bên cạnh đó, ngành cũng được định hướng phát triển theo hướng chuyên môn hoá, hiện đại hóa; đẩy mạnh chuyển từ gia công sản xuất sang các hình thức đòi hỏi năng lực cao hơn.
Đặc biệt, chiến lược cũng đặt ra định hướng phát triển thời trang dệt may, thúc đẩy và tạo gắn kết, phối hợp giữa các nhà sản xuất, thiết kế phát triển sản phẩm và kinh doanh để định hướng và tạo ra các xu hướng thời trang cho thị trường trong nước; phát triển xây dựng thương hiệu sản phẩm và thương hiệu quốc gia.
Phát triển trung tâm thời trang tại Thành phố Hồ Chí Minh và Thủ đô Hà Nội; đẩy mạnh phát triển thời trang dệt may kết hợp chặt chẽ với chiến lược tiếp thị và chiến lược truyền thông; hướng sản phẩm thời trang dệt may phục vụ nhu cầu trong nước, ngoài nước và khách du lịch, gắn với xu thế thế giới về các sản phẩm xanh, sản phẩm tiện lợi.
Một trong những điểm kỳ vọng nhất của chiến lược là giúp doanh nghiệp phát triển nguồn nguyên phụ liệu trong nước. Trong đó, thúc đẩy đầu tư sản xuất nguyên, phụ liệu, công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may, da giày; chú trọng đến sản xuất vải, vải nhân tạo, da thuộc, khuyến khích sản xuất vải từ sợi sản xuất trong nước nhằm giảm nhập khẩu, tác động tích cực đến mối liên kết, hình thành chuỗi giá trị và cung ứng hoàn chỉnh trong ngành...
Cụ thể, với ngành dệt, bao gồm xơ sợi, dệt, nhuộm và hoàn tất vải, phát triển sản xuất các loại xơ sợi tổng hợp, xơ sợi chức năng, xơ sợi nguyên liệu mới, thân thiện môi trường, sợi chỉ số cao, chất lượng cao... đáp ứng nhu cầu sản xuất trong nước, giảm dần nhập khẩu; đầu tư phát triển mạnh các mặt hàng vải dệt kim, vải dệt thoi, vải kỹ thuật.
Xây dựng một số khu công nghiệp tập trung chuyên ngành, tổ hợp chuyên ngành dệt may, da giày lớn bao gồm chuỗi xơ sợi, dệt nhuộm, hoàn tất vải, thuộc da; ưu tiên dự án có công suất lớn từ nhà đầu tư có uy tín, sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, có quy trình sản xuất đồng bộ, khép kín và đảm bảo tuân thủ các quy định về môi trường.
Ngành may lựa chọn phát triển những mặt hàng chiến lược có uy tín trên thị trường, tăng dần tỷ trọng các sản phẩm chất lượng cao; dịch chuyển sản xuất về các huyện, thị xã và các khu vực có nguồn lao động và hệ thống hạ tầng thuận lợi.
Chiến lược cũng “chỉ định” rõ thu hút đầu tư một số khu công nghiệp tập trung chuyên ngành, tổ hợp chuyên ngành tại khu vực phía Bắc (các tỉnh Nam Định, Hưng Yên, Thái Bình …); khu vực miền Trung (Thanh Hoá, Nghệ An, Thừa Thiên-Huế, Quảng Ngãi, Bình Định…) và phía Nam (Bình Phước, Tây Ninh, Long A…).
Đồng thời, hướng các dự án công nghiệp hỗ trợ, sản xuất nguyên, phụ liệu tập trung phát triển ở khu vực có mật độ cao các doanh nghiệp tại những địa phương đã nêu ở trên để giảm chi phí vận chuyển, hạ giá thành và nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm.
Định hướng rõ ràng này được ghi nhận sẽ góp phần giải quyết tình trạng chưa mặn mà, thậm chí từ chối các dự án dệt nhuộm của một số địa phương. Dù vậy, để các địa phương mở lòng hơn, ông Nguyễn Tuấn Anh- Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương đề nghị: Các doanh nghiệp cần nghiên cứu, đầu tư các dây chuyền, thiết bị tiên tiến, hiện đại, sử dụng hóa chất, thuốc nhuộm thân thiện, công nghệ tuần hoàn, giảm tiêu hao giảm phát thải, tái sử dụng nguyên nhiên vật liệu và chất thải, thực hiện nghiêm túc và hiệu quả theo những quy định về bảo vệ môi trường.
"Các địa phương sẽ có sự nhìn nhận khách quan hơn về ngành dệt may, da giày đang cố gắng chuyển mình theo xu hướng xanh hóa. Từ đó, các sở ngành, địa phương sẽ có cơ sở để xem xét, chấp thuận đối với các dự án dệt nhuộm phù hợp", ông Phạm Tuấn Anh nhận định.
Được biết, trong quá trình soạn thảo nhóm soạn thảo chiến lược đã nghiên cứu những đề xuất về môi trường đối với Chiến lược phát triển bền vững ngành dệt may của EU. Từ đó đề xuất, xây dựng những giải pháp phù hợp để ngành dệt may Việt Nam có thể thích ứng và hội nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Cũng có nghĩa, ngành dệt may đã được định hướng để bắt nhịp và đáp ứng yêu cầu xanh đang được tiêu chuẩn hoá tại thị trường nhập khẩu cao cấp và lớn của Việt Nam.
Ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam: Chiến lược phát triển ngành Dệt may và Da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 giải quyết 3 vấn đề rất quan trọng: Trong dài hạn Việt Nam có cần phát triển ngành dệt may nữa hay không; phát triển theo hướng nào; định vị phát triển ở khu vực nào để doanh nghiệp có định hướng đầu tư. |