Bài 1: Đại hội VI – “Dấu ấn” từ bước chuyển về hội nhập kinh tế quốc tế
Từ sự đổi mới tư duy của Đảng, Nhà nước về chính sách đối ngoại tại Đại hội VI, Việt Nam đã gặt hái nhiều “trái ngọt” trên con đường hội nhập kinh tế quốc tế.
Từ chủ trương lớn của Đảng…
Trong giai đoạn 1975-1986, sau khi hoà bình và thống nhất đất nước, để tiến hành công cuộc khôi phục và xây dựng đất nước, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã từng bước tăng cường mở rộng quan hệ với tất cả các nước trong khu vực cũng như trên thế giới.
Công tác đối ngoại được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm kể từ sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI |
Tuy nhiên công tác đối ngoại được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm hơn kể từ sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI - năm 1986. Điều đó được thể hiện rõ trong quá trình đổi mới tư duy của Đảng nói chung và trong lĩnh vực đối ngoại nói riêng. Cụ thể, tại Đại hội lần thứ VI - năm 1986, Đảng đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước, với việc đổi mới tư duy lý luận, đưa chính sách đối ngoại Việt Nam bước vào một thời kỳ mới.
Theo đó, phương châm cơ bản của đường lối đối ngoại được xác định năm 1986 là đa dạng hoá các hoạt động và đa phương hoá các quan hệ đối ngoại. Trong Văn kiện Đại hội năm 1986 ghi rõ: “Sử dụng tốt mọi khả năng mở rộng quan hệ thương mại, hợp tác kinh tế, khoa học, kỹ thuật với bên ngoài để phục vụ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội”.
Chính sách của Đảng tại Đại hội VI phù hợp với bối cảnh thế giới đầu những năm 90 của thế kỷ XX, bởi thời điểm ấy, hội nhập kinh tế quốc tế đã trở thành một xu thế của thời đại, diễn ra mạnh mẽ trên nhiều phương diện với sự xuất hiện của nhiều khối kinh tế, mậu dịch trên thế giới. Với Việt Nam, hội nhập kinh tế quốc tế được đánh giá là giải pháp tối ưu để nhanh chóng rút ngắn khoảng cách về kinh tế với các nước khác trong khu vực và trên thế giới. Đồng thời phát huy tối đa những lợi thế sẵn có và khắc phục những tồn tại, hạn chế của nền kinh tế trong nước thông qua học hỏi kinh nghiệm từ các nước đi trước.
Như vậy có thể nói, Đại hội VI đã mở đầu cho thời kỳ đổi mới đất nước, Đảng ta đưa ra chủ trương tranh thủ những điều kiện thuận lợi về hợp tác kinh tế và khoa học kỹ thuật, tham gia ngày càng rộng rãi vào việc phân công và hợp tác quốc tế. Đây chính là phương hướng khởi đầu cho các chủ trương tiếp theo của Đảng về hội nhập kinh tế quốc tế.
Đến Đại hội lần thứ VII của Đảng (tháng 6/1991) tiếp tục chủ trương mở rộng quan hệ đối ngoại: “Hợp tác, bình đẳng và cùng có lợi với tất cả các nước, không phân biệt chế độ chính trị - xã hội khác nhau, trên cơ sở nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình”. Cũng tại Đại hội này, lần đầu tiên Đảng đưa ra phương châm: “Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển”.
Đại hội lần thứ VIII của Đảng (tháng 6/1996), tiếp tục khẳng định lại chủ trương mở rộng quan hệ quốc tế: “Tiếp tục thực hiện chính sách đối ngoại độc lập tự chủ, rộng mở, đa phương hóa và đa dạng hóa với tinh thần Việt Nam muốn là bạn của tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển” và đặc biệt chú trọng “Chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực”.
Đại hội lần thứ IX của Đảng (tháng 4/2001) đề ra chủ trương chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực theo tinh thần phát huy tối đa nội lực. Đồng thời, phát triển quan điểm mở rộng quan hệ đối ngoại của hai kỳ đại hội trước, Đại hội IX nêu rõ: “Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển”
Từ “sẵn sàng là bạn” của Đại hội IX, Đại hội lần thứ X của Đảng (tháng 4/2006) tiến thêm một bước khi khẳng định “Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, tham gia tích cực vào tiến trình hợp tác quốc tế và khu vực… Đưa các quan hệ quốc tế đã được thiết lập vào chiều sâu, ổn định và bền vững”.
Sang đến Đại hội lần thứ XI (1/2011), mức độ hội nhập được nâng lên một tầm cao mới. Việt Nam sẽ “chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”. Hội nhập quốc tế giờ đây được mở rộng ra tất cả các lĩnh vực từ kinh tế cho tới chính trị, quốc phòng, an ninh và văn hóa - xã hội.
Đại hội lần thứ XII (tháng 1/2016) lần đầu tiên đưa ra khái niệm “đối ngoại đa phương” và nêu rõ: “Tiếp tục đưa các mối quan hệ hợp tác đi vào chiều sâu, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đối ngoại đa phương, chủ động và tích cực đóng góp xây dựng, định hình các thể chế đa phương”. Theo đó, công tác đối ngoại đa phương cần phải chủ động, tích cực hơn trong việc tham gia vào các cơ chế đa phương, đặc biệt là vào quá trình xây dựng và định hình các quy tắc, luật lệ mới của các cơ chế này.
Nếu như Đại hội XII nhấn mạnh Việt Nam sẽ là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế thì Đại hội XIII (tháng 1/2021) bổ sung thêm Việt Nam là thành viên tích cực trong cộng đồng quốc tế: “Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”.
Để hiện thực hoá chủ trương của Đảng, những năm qua, việc hội nhập kinh tế quốc tế và tham gia các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) luôn được đặt ra trong các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng và Chính phủ như: Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 27/11/2001 của Bộ Chính trị về hội nhập kinh tế quốc tế; Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 05/02/2007 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là Thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới; Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 về hội nhập quốc tế; Nghị quyết 06-NQ/TW ngày 05/11/2016 Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp Hành Trung ương Đảng Khóa XII về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các FTA thế hệ mới; Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 4/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế theo hướng hiệu lực và hiệu quả hơn…
Theo Ban Chỉ đạo 35 (Bộ Công Thương), tại các Nghị quyết và Chỉ thị nêu trên, quan điểm chỉ đạo, chủ trương lớn được Đảng và Chính phủ quán triệt về quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và gia nhập vào các FTA tập trung vào 6 nội dung chính, bao gồm: Thứ nhất, hội nhập kinh tế là trọng tâm, hội nhập trong các lĩnh vực khác phải tạo thuận lợi cho hội nhập kinh tế và góp phần tích cực vào phát triển kinh tế, được thực hiện đồng bộ trong một chiến lược hội nhập quốc tế tổng thể với lộ trình, bước đi phù hợp với điều kiện thực tế và năng lực của đất nước.
Thứ hai, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực theo tinh thần phát huy tối đa nội lực, nâng cao hiệu qủa hợp tác quốc tế, bảo đảm độc lập, tự chủ và định hướng xã hội chủ nghĩa bảo vệ lợi ích dân tộc; an ninh quốc gia, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, bảo vệ môi trường.
Thứ ba, đẩy nhanh nhịp độ cải cách thể chế, cơ chế, chính sách kinh tế phù hợp với chủ trương, định hướng của Ðảng và Nhà nước, chủ động xây dựng các quan hệ đối tác mới, tham gia vào các vòng đàm phán mới, thúc đẩy các quan hệ hợp tác kinh tế song phương, khu vực và đa phương.
Thứ tư, xây dựng và triển khai chiến lược, tham gia các khu vực mậu dịch tự do với các đối tác kinh tế - thương mại quan trọng trong một kế hoạch tổng thể với lộ trình hợp lý, phù hợp với lợi ích và khả năng của đất nước. Chủ động xây dựng và thực hiện các biện pháp bảo vệ lợi ích chính đáng của Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng trong nước.
Thứ năm, đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác, nhất là các đối tác có tầm quan trọng chiến lược đối với sự phát triển và an ninh của đất nước, đưa khuôn khổ quan hệ đã xác lập đi vào thực chất, tạo sự đan xen gắn kết lợi ích giữa nước ta với các đối tác.
Thứ sáu, chủ động và tích cực tham gia các thể chế đa phương, góp phần xây dựng trật tự chính trị và kinh tế công bằng, dân chủ, ngăn ngừa chiến tranh, xung đột, củng cố hòa bình, đẩy mạnh hợp tác cùng có lợi. Trong đó, đặc biệt chú trọng việc tham gia xây dựng Cộng đồng ASEAN, phát huy vai trò của Việt Nam trong ASEAN và các cơ chế, diễn đàn do ASEAN giữ vai trò trung tâm, nhằm tăng cường đoàn kết, gia tăng liên kết nội khối, củng cố quan hệ hợp tác với các bên đối thoại của ASEAN, thúc đẩy xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển trong khu vực.
… Đến quan hệ ngoại giao với hơn 190 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới
Từ sự đổi mới về tư duy của Đảng, Nhà nước sau Đại hội VI – năm 1986, Việt Nam đã bắt đầu tiến hành cải cách và mở cửa thị trường, thực hiện chủ trương đa phương hoá, đa dạng hoá trong các mỗi quan hệ quốc tế. Trong đó, việc bình thường hoá quan hệ với Mỹ vào năm 1995 là sự kiện đánh dấu sự “cải tổ” quan trọng của Việt Nam, và là tiền đề để Việt Nam từng bước phát triển quan hệ song phương và đa phương với các quốc gia, tổ chức trên thế giới. Những năm sau đó, Việt Nam liên tục tích cực mở cửa hội nhập kinh tế thế giới thông qua việc gia nhập các tổ chức và diễn đàn uy tín cấp khu vực, như: Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN – 1995); Diễn đàn hợp tác Á – Âu (ASEM-1997); Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC – 1998).
Ngày 1/1/1995, Việt Nam chính thức đệ trình đơn xin gia nhập WTO và trở thành một quan sát viên của tổ chức này. Đến tháng 8/1996, Việt Nam đệ trình “Bị vong lục về chính sách thương mại” tới Ban Thư ký WTO nhằm phác họa tổng quan về nền kinh tế, các chính sách kinh tế vĩ mô, cơ sở hoạch định và thực thi chính sách, đồng thời cung cấp các thông tin chi tiết về các chính sách liên quan đến thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ và quyền sở hữu trí tuệ (IPRs).
Năm 1996, Việt Nam bắt đầu các cuộc đàm phán, trước hết là Hiệp định Thương mại song phương với Mỹ (BTA). Cuộc đàm phán chỉ rõ các điều khoản được dựa trên cơ sở các nguyên tắc của WTO. Ngày 13/7/2000, Việt Nam và Mỹ ký kết BTA. Trên cơ sở đạt được một số thành công từ các cuộc đàm phán đa phương và hiệp định BTA có hiệu lực vào năm 2001.
Tháng 5/2006, Việt Nam và Mỹ ký kết thỏa thuận kết thúc đàm phán song phương, Mỹ dành cho Việt Nam Quy chế quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn, đánh dấu sự bình thường hóa hoàn toàn quan hệ song phương Việt Nam - Mỹ, mở đường cho Việt Nam thực hiện các cam kết gia nhập WTO. Ngày 11/1/2007, Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 150 của WTO và một ngày sau, những quyền và nghĩa vụ của Việt Nam với tư cách là thành viên đầy đủ của WTO được thực thi.
Trên cơ sở các chủ trương, định hướng lớn mà Đảng và Chính phủ đã đặt ra về hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đã chủ động và tích vực tham gia vào các thiết chế kinh tế đa phương và khu vực. Bộ Công Thương là cơ quan được giao chức năng quản lý nhà nước về hội nhập kinh tế quốc tế, thấm nhuần tư tưởng chỉ đạo của Đảng và Chính phủ, nhằm hiện thực hoá chủ trương, đường lối chính sách của nhà nước về hội nhập kinh tế quốc tế, thời gian qua, Bộ Công Thương đã tích cực triển khai thực hiện công tác đàm phán, ký kết các Hiệp định Thương mại tự do và các nhiệm vụ liên quan đến công tác hội nhập kinh tế quốc tế, nhờ những đóng góp tích cực đó, công tác hội nhập kinh tế quốc tế đã đạt được những kết quả quan trọng và từng bước đi vào chiều sâu.
Đến nay, Việt Nam đã và đang tham gia nhiều FTA, cả ở cấp độ song phương và nhiều bên. Trong đó, về song phương, Việt Nam đã ký kết và thực thi FTA với Nhật Bản, Chile và Hàn Quốc; Về hợp tác nhiều bên, khu vực hoặc đa phương, Việt Nam đã ký kết và triển khai thực thi FTA với khối Kinh tế Á-Âu và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA)...
Trong khuôn khổ ASEAN, Việt Nam đã cùng với các thành viên ASEAN ký kết một loạt FTA với các nước đối tác gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia, New Zealand và Hồng Kông (Trung Quốc). Hiện nay, Việt Nam đang tiến hành đàm phán FTA với Khối Khu vực Thương mại tự do châu Âu (EFTA – gồm 4 nước là Thụy Sỹ, Na Uy, Iceland, Liechtenstein), bắt đầu khởi động đàm phán từ tháng 5/2012…
Gần đây nhất, vào đầu năm 2023, Việt Nam và Israel vừa kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do sau 7 năm và đạt được thoả thuận với mong muốn và hợp tác giữa hai nước. Là một người trực tiếp tham gia đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Israel (VIFTA).
Ông Lương Hoàng Thái – Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại Đa biên (Bộ Công Thương) cho rằng: Hiệp định sẽ mở ra cơ hội quan trọng để các doanh nghiệp Việt Nam khai thác cơ hội xuất khẩu tại thị trường Israel. Bởi thông qua cam kết tại Hiệp định này, Israel cam kết bỏ thuế quan với 92,7% số dòng thuế, trong đó xoá bỏ ngay 66,3% số dòng thuế khi Hiệp định có hiệu lực và xoá bỏ 26,4% dòng thuế sau một thời gian nhất định với lộ trình 3-5-7 năm. Việt Nam cũng mở thêm cho Israel một số lĩnh vực phía bạn quan tâm như bán lẻ, cho thuế máy móc không kèm điều kiện, dịch vụ quảng cáo… Đặc biệt, đây là hai thị trường không cạnh tranh trực tiếp mà có sự bổ sung cho nhau, nên đây sẽ là cơ hội để Việt Nam mở rộng xuất khẩu sang thị trường này.
Việt Nam đã đàm phán, ký kết và thực thi 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có các Hiệp định tự do tế hệ mới |
Với những nỗ lực của Đảng, Chính phủ và các bộ, ngành, trong đó có đóng góp không nhỏ của Bộ Công Thương, cho đến nay Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với hơn 190 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, có quan hệ thương mại với 224 đối tác và quan hệ hợp tác với hơn 500 tổ chức quốc tế; đã ký hơn 90 Hiệp định Thương mại song phương, gần 60 hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư.
Việt Nam đã đàm phán, ký kết và thực thi 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có các Hiệp định tự do tế hệ mới như: Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA. Đặc biệt, Việt Nam đã trở thành một trong những nước đi đầu khu vực trong việc hình thành các khuôn khổ hợp tác kinh tế đa phương.
Có thể nói, việc đề ra chủ trương tăng cường hội nhập quốc tế về kinh tế là một hướng đi đúng đắn, sáng suốt, thiết thực mà Đảng đã lựa chọn, thể hiện một sự thay đổi thức thời trong tư duy và bắt kịp với xu thế của thời đại. Đây là định hướng chiến lược lớn của Đảng nhằm thực hiện nhiệm vụ xây dựng nền kinh tế Việt Nam ngày càng phát triển và vững mạnh. Việc thực hiện chủ trương của Đảng về hội nhập quốc tế nói chung và hội nhập kinh tế quốc tế nói riêng với nhiều thành tựu góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, gia tăng sức mạnh tổng hợp quốc gia, giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội; cải thiện đời sống nhân dân, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế là minh chứng rõ nét nhất cho con đường đúng đắn, sáng suốt mà Đảng đã lựa chọn.
Bài 2: Hội nhập kinh tế quốc tế - tiền đề để Việt Nam thực hiện khát vọng 2045