TP Hồ Chí Minh họp phiên đầu tiên về kinh tế - xã hội sau hợp nhất
Phiên họp nhằm đánh giá tình hình, kết quả phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm; kết quả thực hiện các nhiệm vụ theo các chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Thành ủy, Chương trình công tác năm 2025; xác định mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2025.
Sáng 4/7, UBND TP Hồ Chí Minh đã tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 6 năm 2025. Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Được chủ trì phiên họp. Tham dự phiên họp còn có các Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh: Nguyễn Văn Thọ, Nguyễn Lộc Hà, Nguyễn Văn Dũng, Trần Thị Diệu Thúy, Bùi Xuân Cường, Bùi Minh Thạnh.
![]() |
Toàn cảnh phiên họp |
Những vấn đề đặt ra
Phát biểu định hướng phiên họp, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Được cho rằng đây là phiên họp đánh giá kinh tế - xã hội đầu tiên của thành phố mới, tại đây sẽ điểm lại những việc đã làm được, chưa làm được và đề ra những nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 6 tháng cuối năm.
Phiên họp này cũng đánh giá lại những ngày đầu TP Hồ Chí Minh vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp, nhất là ở 168 phường, xã, đặc khu mới.
Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh yêu cầu các đơn vị báo cáo những khó khăn, vướng mắc phát sinh khi vận hành bộ máy mới, việc thực hiện thủ tục hành chính ở các cấp, các ngành, tỉ lệ người dân đến làm thủ tục hành chính và sự hài lòng của người dân.
Theo ông Nguyễn Văn Được, tốc độ tăng trưởng kinh tế của TP Hồ Chí Minh trong 6 tháng đầu năm đạt khá, nếu không tính dầu thô thì đạt 7,4%, góp phần cho tăng trưởng chung cả nước. Tuy nhiên, vừa qua, Hoa Kỳ đã có thông tin chính thức về chính sách thuế quan, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tình hình kinh tế thành phố.
“Với mức thuế này, liệu có ảnh hưởng đến GRDP Quý III, IV của thành phố hay không, liệu thành phố có đạt được tăng trưởng 8,5% như chỉ tiêu Trung ương đã giao hay không?”, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Được đặt vấn đề.
Đồng thời, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh, việc thực hiện quy hoạch thành phố tới đây cần thực hiện ở góc nhìn rộng hơn, tâm thế mới, dư địa mới, tầm nhìn chiến lược mới. Từ đó, phấn đấu đưa TP Hồ Chí Minh vào top 100 thành phố đáng sống nhất thế giới.
Kinh tế tăng trưởng khá
Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2025 của TP Hồ Chí Minh cho thấy, tình hình sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại trên địa bàn thành phố đều tăng trưởng. Theo đó, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (GRDP) 6 tháng đầu năm 2025 ước tính tăng 7,82% so với cùng kỳ năm 2024.
Tốc độ tăng trưởng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ) 6 tháng đầu năm chỉ tăng 2,61%. Tốc độ tăng trưởng tỉnh Bình Dương (cũ) tiếp tục duy trì đà phát triển ổn định với nhiều kết quả tích cực, GRDP 6 tháng đầu năm tăng 8,3%.
Nếu tính theo TP Hồ Chí Minh (mới), tăng trưởng ước đạt 7,4%. Tính chung tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ thành phố mới tăng 16,2%; tổng thu hút vốn FDI 3 địa phương đạt hơn 5,2 tỷ USD; thu ngân sách thành phố mới ước đạt 415 nghìn tỷ đồng, đạt 60% dự toán; giải ngân vốn đầu tư công thành phố mới ước 46.800 tỷ đồng, đạt 32,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
![]() |
Tình hình kinh tế - xã hội TP Hồ Chí Minh 6 tháng đầu năm 2025 |
Theo đánh giá của UBND TP Hồ Chí Minh, nhìn chung, tình hình kinh tế - xã hội thành phố 6 tháng đạt một số kết quả tích cực. Sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại được mở rộng quy mô, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công đạt cao so với kế hoạch. Hoạt động sản xuất trong nước có tín hiệu ổn định hơn nhờ triển vọng đàm phán thương mại, tiêu thụ nội địa và đa dạng hóa thị trường.
Trong bối cảnh thương mại toàn cầu tạm thời chưa chịu tác động do quyết định hoãn áp dụng thuế đối ứng của Hoa Kỳ, các doanh nghiệp đã kịp thời ứng phó với những thách thức từ thị trường, nhất là các yêu cầu mới về tiêu chuẩn, kỹ thuật trong sản xuất hàng xuất khẩu và đẩy nhanh tiến độ sản xuất hàng hóa để giao cho khách hàng nước ngoài.
Bên cạnh những kết quả đạt được, thành phố cũng nêu nhiều tồn tại, hạn chế như nhiều công trình cấp bách, trọng điểm chưa đảm bảo tiến độ do thiếu cát san lấp; công tác bồi thường giải phóng mặt bằng một số dự án còn chậm.
Ngoài ra, việc thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế có lúc, có nơi còn gặp nhiều khó khăn, thực tế khối lượng công việc tại một thời điểm quá lớn...