Thanh tra tỉnh Cà Mau với những nhiệm vụ quan trọng để cải thiện Chỉ số PCI
Năm 2024, Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh Cà Mau xếp thứ 28/63 tỉnh, thành trong cả nước và xếp thứ 7/13 trong các tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Nhằm tiếp tục phát huy về thứ hạng, điểm số và duy trì ở nhóm các tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt trên bản đồ PCI của cả nước, UBND tỉnh Cà Mau vừa ban hành kế hoạch với nhiều nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Trong đó, Thanh tra tỉnh được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng…
UBND tỉnh Cà Mau vừa ban hành kế hoạch Cải thiện và nâng cao Chỉ số PCI năm 2025 và những năm tiếp theo. Ảnh: Chu Tuấn
Theo kế hoạch, mục tiêu chung là thiết lập môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, minh bạch và ngày càng thuận lợi, đồng hành hỗ trợ và tạo niềm tin vững chắc cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư gia nhập thị trường và hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh; tăng cường trách nhiệm, tính năng động, chủ động đổi mới, sáng tạo, ứng dụng công nghệ trong công tác quản lý điều hành của các cấp, các ngành trong cải thiện chỉ số PCI của tỉnh. Phấn đấu năm 2025 và những năm tiếp theo kết quả PCI tỉnh Cà Mau tiếp tục phát huy về thứ hạng, điểm số và duy trì ở nhóm các tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt trên bản đồ PCI của cả nước.
Để đạt được mục tiêu chung này, UBND tỉnh Cà Mau đã đặt ra 3 mục tiêu cụ thể. thứ nhất, duy trì và phát huy 5/10 chỉ số thành phần gồm: Gia nhập thị trường, Chi phí không chính thức, Tính minh bạch, Tính năng động và tiên phong của chính quyền, Tiếp cận đất đai thuộc nhóm có điểm số cao hơn điểm số trung vị cả nước.
Thứ hai, tập trung cải thiện mạnh 5/10 chỉ số thành phần gồm: Đào tạo lao động, Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự, Chi phí thời gian thực hiện các quy định của Nhà nước, Cạnh tranh bình đẳng, Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp có điểm số thấp hơn điểm số trung vị cả nước.
Thứ ba, chú trọng cải thiện các chỉ số thành phần chiếm trọng số cao trong tính điểm PCI gồm các chỉ số: Chi phí không chính thức, Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và Tính năng động của chính quyền tỉnh; phấn đấu cải thiện các chỉ tiêu chuyển biến tiêu cực để góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu đề ra trong năm 2025 và những năm tiếp theo.
Tỉnh Cà Mau phấn đấu năm 2025 và những năm tiếp theo kết quả PCI tiếp tục phát huy về thứ hạng, điểm số và duy trì ở nhóm các tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt trên bản đồ PCI của cả nước. Ảnh minh họa: Chu Tuấn
Để thực hiện có hiệu quả mục tiêu chung và 3 mục tiêu cụ thể này, UBND tỉnh đã đưa ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để các sở, ban, ngành, địa phương và các đơn vị có liên quan cùng thực hiện…
Nhằm thực hiện mục tiêu tập trung cải thiện mạnh 5 chỉ số (Đào tạo lao động, Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự, Chi phí thời gian thực hiện các quy định của Nhà nước, Cạnh tranh bình đẳng, Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp có điểm số thấp hơn điểm số trung vị cả nước), UBND tỉnh giao Thanh tra tỉnh phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả kênh thông tin về tố cáo hành vi nhũng nhiễu và có cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ hành vi nhũng nhiễu doanh nghiệp để tiếp nhận các phản ánh kiến nghị của các tổ chức, cá nhân; làm đơn vị đầu mối kiểm soát các hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp trên địa bàn, kể cả các cuộc thanh tra, kiểm tra của cơ quan trung ương.
Bên cạnh đó, Thanh tra tỉnh cũng được giao chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng và công khai Kế hoạch thanh tra, kiểm tra đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm, đúng quy định và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thanh tra, kiểm tra tránh trùng lặp, chồng chéo tại doanh nghiệp. Công tác kiểm tra doanh nghiệp không quá 1 lần/năm.
Liên quan tới hoạt động thanh tra, kiểm tra, Sở Nội vụ được giao chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong hoạt động công vụ; tăng cường thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân sai phạm; thực hiện nghiêm các quy định về quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý…
Lãnh đạo các sở, ngành, địa phương cũng cần tăng cường phối hợp trong thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp; kiểm soát, ngăn ngừa cán bộ, công chức lợi dụng thanh tra, kiểm tra để nhũng nhiễu, gây bức xúc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư…
UBND tỉnh Cà Mau giao Thanh tra tỉnh nghiên cứu xây dựng, triển khai hiệu quả kênh thông tin về tố cáo hành vi nhũng nhiễu và có cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ hành vi nhũng nhiễu doanh nghiệp để tiếp nhận các phản ánh kiến nghị của các tổ chức, cá nhân. Ảnh minh họa: Thanh tra tỉnh Cà Mau
Đối với mục tiêu cần duy trì, phát huy thêm 5 chỉ số (Gia nhập thị trường, Chi phí không chính thức, Tính minh bạch, Tính năng động và tiên phong của chính quyền, Tiếp cận đất đai), UBND tỉnh giao Thanh tra tỉnh chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu triển khai thực hiện có hiệu quả về công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo Nghị quyết số 168/NQ-CP ngày 11/10/2023 của Chính phủ và các văn bản có liên quan đến công tác phòng chống tham nhũng; tổ chức thanh tra, kiểm tra, đảm bảo xử lý nghiêm, triệt để đối với các cán bộ, công chức, viên chức lợi dụng vị trí việc làm nhũng nhiễu đối với người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Nghiên cứu đề xuất thực hiện chuyển hình thức hoạt động thanh tra, kiểm tra theo từng đoàn, từng lĩnh vực riêng lẻ sang hình thức phối hợp hoạt động thanh tra, kiểm tra liên ngành bao gồm nhiều nội dung, nhiều lĩnh vực chuyên ngành. Tăng cường công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch thanh tra; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động công vụ và kỷ luật, kỷ cương hành chính cho đội ngũ cán bộ, công chức; định kỳ sơ kết, tổng kết, đánh giá hoạt động thanh tra, kiểm tra; theo dõi, tổng hợp, xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra.
Nghiên cứu xây dựng, triển khai hiệu quả kênh thông tin về tố cáo hành vi nhũng nhiễu và có cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ hành vi nhũng nhiễu doanh nghiệp để tiếp nhận các phản ánh kiến nghị của các tổ chức, cá nhân.