A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phòng ngừa xung đột lợi ích trong hợp đồng công vụ

Kiểm soát xung đột lợi ích là một trong những biện pháp phòng ngừa tham nhũng trọng yếu, được pháp luật Việt Nam xác định rõ ràng nhằm bảo đảm tính khách quan, minh bạch và liêm chính trong hoạt động công vụ. Với việc ban hành các quy định ngày càng chặt chẽ, đặc biệt là Nghị định mới về hợp đồng thực hiện nhiệm vụ của công chức, khung pháp lý cho việc kiểm soát xung đột lợi ích đang được củng cố mạnh mẽ, góp phần xây dựng nền công vụ trong sạch, vững mạnh.

 

Chống xung đột lợi ích trong ký kết hợp đồng nhiệm vụ. Ảnh: baochinhphu.vn

Để phòng ngừa hiệu quả, trước hết cần nhận diện chính xác xung đột lợi ích. Theo Khoản 8, Điều 3 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, xung đột lợi ích được định nghĩa là "tình huống mà trong đó lợi ích của người có chức vụ, quyền hạn hoặc người thân thích của họ tác động hoặc sẽ tác động không đúng đến việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ". Điều này cho thấy pháp luật đã mở rộng phạm vi đối tượng bị kiểm soát không chỉ bao gồm bản thân người có chức vụ, quyền hạn mà còn cả người thân thích của họ, nhằm loại bỏ các kẽ hở có thể bị lợi dụng.

Các trường hợp cụ thể được xác định là có xung đột lợi ích được quy định chi tiết tại Điều 29 Nghị định 59/2019/NĐ-CP, bao gồm các tình huống như người có chức vụ, quyền hạn nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích khác từ các tổ chức, cá nhân liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc quản lý; thành lập, tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty thuộc các loại hình khác (trừ trường hợp luật có quy định khác); tư vấn cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân về các công việc liên quan đến bí mật Nhà nước, bí mật công tác, hoặc thuộc thẩm quyền giải quyết của mình; cũng như sử dụng thông tin có được nhờ chức vụ, quyền hạn để vụ lợi hoặc phục vụ lợi ích của người khác. Những quy định này đã phác thảo rõ nét các hành vi có nguy cơ dẫn đến xung đột lợi ích, làm cơ sở cho công tác phòng ngừa và xử lý.

Theo Điều 23 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, người được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ nếu biết hoặc buộc phải biết nhiệm vụ, công vụ được giao có xung đột lợi ích thì phải báo cáo người có thẩm quyền để xem xét, xử lý. Đây là trách nhiệm pháp lý bắt buộc, yêu cầu sự trung thực và tự giác của mỗi cán bộ, công chức.

Song song với đó, khoản 2, Điều 23 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 cũng quy định rõ trách nhiệm của các bên liên quan: "Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khi phát hiện có xung đột lợi ích của người có chức vụ, quyền hạn thì phải thông tin, báo cáo cho người trực tiếp quản lý, sử dụng người đó để xem xét, xử lý". Quy định này tạo ra một cơ chế giám sát chéo, khuyến khích cộng đồng và các tổ chức cùng tham gia vào quá trình phòng ngừa, bảo đảm rằng xung đột lợi ích sẽ được phát hiện và xử lý kịp thời, không chỉ dựa vào sự tự giác của cá nhân.

Ngày 30/6/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định 173/2025/NĐ-CP về hợp đồng thực hiện nhiệm vụ của công chức, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025. Một trong những điểm nổi bật nhất của Nghị định 173/2025/NĐ-CP trong việc tăng cường kiểm soát xung đột lợi ích là quy định về các trường hợp không được ký kết hợp đồng.

Cụ thể, Nghị định nghiêm cấm ký kết hợp đồng đối với người có quan hệ thân thích với người có thẩm quyền ký hợp đồng, bao gồm vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha mẹ vợ/chồng, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, anh chị em ruột, cô dì chú bác cậu ruột, anh chị em ruột của vợ hoặc chồng, vợ hoặc chồng của anh chị em ruột. Quy định này trực tiếp ngăn chặn tình trạng "chọn người nhà" hay ưu ái trong tuyển dụng, vốn là một nguồn gốc tiềm ẩn của xung đột lợi ích và tiêu cực.

 

Quan trọng hơn, Nghị định quy định không ký kết hợp đồng để thực hiện các loại công việc mà "việc thực hiện hợp đồng có thể làm phát sinh xung đột lợi ích, ảnh hưởng đến tính khách quan, minh bạch, liêm chính trong hoạt động công vụ". Đây là một nguyên tắc cốt lõi, khẳng định cam kết của Nhà nước trong việc bảo đảm mọi hoạt động công vụ, dù được thực hiện bởi công chức biên chế hay cá nhân/tổ chức ký hợp đồng, đều phải tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu về khách quan, minh bạch và liêm chính. Điều này có nghĩa là ngay cả những chuyên gia hay nhà quản lý xuất sắc được mời về cũng không thể tham gia vào các nhiệm vụ có thể gây ra mâu thuẫn về lợi ích.

Ngoài ra, Nghị định cũng quy định không ký kết hợp đồng đối với công việc quản lý Nhà nước mang tính chất thường xuyên, liên tục; công việc không thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan; hoặc công việc ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh quốc gia. Điều này góp phần định rõ ranh giới, tránh việc tư nhân hóa hoặc làm suy yếu các chức năng cốt lõi của bộ máy Nhà nước.

Trao đổi với phóng viên Báo Thanh tra, ông Trần Đăng Vinh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ cho biết: “Nghị định 173/2025/NĐ-CP là một bước hoàn thiện quan trọng trong hệ thống pháp luật về công vụ, đặc biệt trong việc kiểm soát xung đột lợi ích. Việc quy định rõ các trường hợp không được ký kết hợp đồng góp phần bảo đảm tính minh bạch, khách quan, liêm chính, nâng cao kỷ cương trong hợp đồng lao động và cung cấp dịch vụ để thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ công chức.”

Những quy định mới này thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ trong việc xây dựng một nền công vụ chuyên nghiệp, hiệu quả và đặc biệt là liêm chính. Việc kiểm soát chặt chẽ xung đột lợi ích không chỉ là yêu cầu pháp lý để phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực mà còn là nền tảng để củng cố niềm tin của Nhân dân vào bộ máy Nhà nước, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

 

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Tìm kiếm

Tìm kiếm