Tham nhũng là rào cản lớn nhất đối với hoạt động kinh doanh tại Bangladesh
Nghiên cứu mới đây của Trung tâm Đối thoại Chính sách (CPD) cho thấy, tham nhũng vẫn là rào cản lớn nhất đối với hoạt động kinh doanh tại Bangladesh.
Làn sóng bạo lực vượt tầm kiểm soát ở Bangladesh phản ánh sự bất mãn lan rộng khi tình trạng tuyệt vọng kinh tế gia tăng, tham nhũng tràn lan và mất bình đẳng trong nhiều khía cạnh. Ảnh: Reuters
Theo kết quả nghiên cứu, gần 17% doanh nghiệp xác định tham nhũng là thách thức chính của họ trong năm 2024.
Cùng với đó, sự biến động của tỷ giá hối đoái được coi là thách thức lớn thứ hai; tiếp theo là bộ máy hành chính Nhà nước kém hiệu quả, lạm phát và khả năng tiếp cận tài chính hạn chế.
Báo cáo nghiên cứu cũng nêu bật một số yếu tố có vấn đề khác, bao gồm: cơ sở hạ tầng không đầy đủ; sức khỏe cộng đồng đi xuống; tội phạm và trộm cắp, đạo đức nghề nghiệp thấp trong lực lượng lao động.
Trong nhiệm kỳ trước của cựu Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina, môi trường kinh doanh của Bangladesh đã có những tiến triển hạn chế vì các hoạt động kinh doanh vẫn tập trung vào một số ít nhóm quyền lực, ông Khondaker Golam Moazzem, Giám đốc nghiên cứu của Trung tâm Đối thoại Chính sách, đã trình bày những phát hiện của nghiên cứu tại một cuộc đối thoại tại Thủ đô Dhaka ngày 17/11, trong khuôn khổ sự kiện về cải cách môi trường kinh doanh tại Bangladesh, do Trung tâm Đối thoại Chính sách tổ chức.
Ông Moazzem đã phát biểu xung quanh việc thiếu những cải cách đáng kể về chính sách, luật pháp, thể chế và hoạt động cản trở sự phát triển của một môi trường kinh doanh có sự tham gia và cạnh tranh.
Báo cáo nghiên cứu cũng cho biết thêm rằng, các doanh nghiệp phải đối mặt với tình trạng bất ổn kéo dài trong phong trào chống phân biệt đối xử của sinh viên, với những tác động vẫn tiếp diễn ngay cả sau khi đất nước chuyển sang một giai đoạn mới.
Hôm 17/11, trong bài phát biểu trước toàn quốc đánh dấu 100 ngày của Chính phủ lâm thời, Thủ tướng lâm thời Muhammad Yunus cho biết, ước tính có khoảng 1.500 người đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình do sinh viên lãnh đạo.
Các cuộc biểu tình, bắt đầu vào tháng 7 do sinh viên lãnh đạo chống lại hạn ngạch việc làm khu vực công, đã leo thang thành một trong những cuộc bạo loạn chết chóc nhất kể từ khi Bangladesh giành độc lập vào năm 1971, buộc bà Hasina phải chạy trốn sang Ấn Độ.
Theo nhận định của các nhà phân tích, làn sóng bạo lực vượt tầm kiểm soát ở Bangladesh phản ánh sự bất mãn lan rộng khi tình trạng tuyệt vọng kinh tế gia tăng, tham nhũng tràn lan và mất bình đẳng trong nhiều khía cạnh.
Bangladesh từng đạt được những bước tiến kinh tế ấn tượng, với mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trung bình khoảng 6,6% trong thập kỷ qua. Tỷ lệ đói nghèo đã giảm từ 11,8% vào năm 2010 xuống còn 5% vào năm 2022 và đất nước này dự kiến sẽ thoát khỏi diện "quốc gia kém phát triển nhất" theo đánh giá của Liên hợp quốc vào năm 2026.
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, phần lớn lợi ích của tăng trưởng kinh tế chỉ đến với những người theo Đảng Awami League cầm quyền. Những chính sách không hợp lý đã khiến nền kinh tế đi xuống trong vòng 2 năm qua. Giá cả trung bình tăng vọt lên gần 2 con số (9,73%) trong năm tài chính vừa kết thúc vào tháng 7. Đây là mức cao nhất 12 năm qua, phản ánh tình trạng thu nhập thực tế liên tục bị xói mòn và mức sống của người dân ngày càng giảm sút.
Trong khi đó, Chính phủ của bà Sheikh Hasina liên tục phải đối mặt với những cáo buộc nghiêm trọng về tham nhũng, quan liêu trong ngành Tư pháp, Lực lượng vũ trang và các vị trí cấp cao khác.
Theo Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI), năm 2023, Bangladesh nằm trong danh sách 10 quốc gia được đánh giá có tình trạng tham nhũng nhất thế giới.