A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sắp xếp lại đơn vị sự nghiệp công lập đang chậm lại, còn cào bằng tinh giản biên chế

Tốc độ sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập đang chậm lại trong giai đoạn 2021 - 2023; còn tình trạng cào bằng trong thực hiện chỉ tiêu giảm 10% biên chế sự nghiệp. Đáng lưu ý, có 12 địa phương tăng biên chế hưởng lương từ ngân sách Nhà nước trong giai đoạn này.

Article thumbnail
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo giám sát về sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập. Ảnh: P.Thắng

Việc sắp xếp lại đơn vị sự nghiệp công lập đang chậm lại, còn cào bằng tinh giản biên chế được đề cập trong báo cáo giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018-2023” được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, sáng 19/8.

12 địa phương tăng biên chế hưởng lương từ ngân sách Nhà nước

Trình bày báo cáo giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập đạt kết quả tích cực.

Giai đoạn 2015 - 2021, nhiều đơn vị sự nghiệp công lập đã được sắp xếp hợp lý hơn, hạn chế được tình trạng trùng lắp nhiệm vụ, thu gọn đầu mối vượt chỉ tiêu giảm 10% theo yêu cầu của Nghị quyết 19.

Theo số liệu của Chính phủ, tính đến thời điểm 31/12/2021, cả nước có 48.442 đơn vị sự nghiệp công lập, giảm 7.449 đơn vị so với năm 2015 (đạt13,33%).

Giai đoạn này, ở địa phương, số lượng đơn vị sự nghiệp công lập giảm đạt mục tiêu đề ra. Song có 20 tỉnh, thành có mức giảm dưới 10% như Bình Dương (0,19%); TP Hồ Chí Minh (1,20%)…

Ở Trung ương, số lượng đơn vị sự nghiệp công lập giảm 7,4%, chưa đạt mục tiêu đề ra, nhưng trong đó có cơ quan đạt tỷ lệ giảm cao như Bộ Ngoại giao (giảm 26,67%), Bộ Nội vụ (25%), Bộ Thông tin và Truyền thông (24,24%)…

Các cơ quan, đơn vị đang nỗ lực rà soát để tiếp tục thực hiện việc sắp xếp đoan vị sự nghiệp công lập ở giai đoạn 2021-2023, nhưng kết quả thực hiện vẫn đang ở mức thấp so với mục tiêu tiếp tục giảm 10% trong giai đoạn này.

Tính đến hết năm 2023, cả nước có 47.596 đơn vị sự nghiệp công lập, giảm 846 đơn vị so với năm 2021 (đạt ở mức 1,75%).

Vẫn theo ông Tùng, qua giám sát cho thấy, hầu hết các cơ quan đã xây dựng đề án tinh giản biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách Nhà nước của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý.

Giai đoạn 2015 - 2021 có 1.789.585 người, giảm 236.366 người, tương ứng giảm 11,67% (trong đó, bộ ngành giảm 40.221 người, tương ứng 25,19%; địa phương giảm 196.145 người, tương ứng 10,51%), vượt mục tiêu 10%.

Đoàn giám sát nhận định, các cơ quan ở Trung ương tuy có tỷ lệ giảm số đơn vị sự nghiệp công lập ít hơn so với ở địa phương nhưng lại có tỷ lệ giảm biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách Nhà nước mạnh mẽ hơn.

Nhìn chung, các cơ quan ở Trung ương đề có mức giảm biên chế từ 10% trở lên. Trong đó, có những cơ quan có tỷ lệ giảm rất cao như Bộ Tư pháp (giảm 53,34%); Bộ Giao thông Vận tải (giảm 52,71%); Bộ Tài nguyên và Môi trường (giảm 50,98%).

Giai đoạn 2021-2023, số lượng biên chế hưởng lương từ ngân sách Nhà nước ở bộ, ngành tiếp tục giảm. Một số bộ, ngành giảm nhiều hơn do đã đẩy mạnh tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập, xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công (như Bộ Công Thương giảm 28,81%, Bộ Giao thông Vận tải giảm 34,43%, Bộ Ngoại giao giảm 70,07%...).

Trong khi ở địa phương, theo đoàn giám sát, mức giảm trong 2 năm vừa qua đang khá khiêm tốn, thậm chí có đến 12 tỉnh, thành phố tăng số biên chế hưởng lương từ ngân sách Nhà nước trong giai đoạn này.

Mức giảm trung bình số biên chế hưởng lương từ ngân sách Nhà nước ở địa phương giai đoạn 2021-2023 chỉ ở mức 1,42%, cách rất xa mục tiêu tiếp tục giảm 10% được đề ra.

Về số lượng lãnh đạo cấp phó, theo ông Tùng, “cơ bản đã đáp ứng tiêu chí quy định”.

Còn tư duy trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước

Đánh giá chung, đoàn giám sát cũng chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế. Trong đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh, việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập chủ yếu còn mang tính cơ học. Tốc độ sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập đang chậm lại trong giai đoạn 2021 - 2023.

 Toàn cảnh phiên họp Ủy  ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: P.Thắng

“Còn tình trạng cào bằng trong việc thực hiện chỉ tiêu giảm 10% biên chế sự nghiệp. Các chính sách nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được triển khai chậm, kết quả không cao”, ông Tùng nêu.

Trong khi việc chuyển đơn vị sự nghiệp công lập đủ điều kiện thành công ty cổ phần tiến hành chậm, kết quả rất thấp. Còn nhiều vướng mắc trong thành lập doanh nghiệp đa sở hữu trong các viện nghiên cứu, trường đại học.

Bên cạnh các nguyên nhân khách quan, đoàn giám sát đã chỉ ra nhiều nguyên nhân chủ quan như nhận thức của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa đầy đủ, toàn diện, còn tư duy trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước.

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chính sách, pháp luật về tổ chức và hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập có lúc, có nơi còn chưa kịp thời, thiếu kiểm tra, đôn đốc…

Để phát phát huy các kết quả đạt được, khắc phục tồn tại, hạn chế, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, đoàn giám sát kiến nghị 3 nhóm giải pháp về hoàn thiện thể chế, tổ chức thực hiện và bảo đảm nguồn lực với 9 nội dung chủ yếu.

Trong đó, đoàn giám sát kiến nghị trong năm nay (2024), Chính phủ hoàn thành việc phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để các bộ, ngành, địa phương rà soát, sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở thuộc phạm vi quản lý.

Các địa phương tiếp tục sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục gắn với nâng cao chất lượng giáo dục trên nguyên tắc tạo thuận lợi cho người dân, phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi địa phương.

Cũng trong năm 2024, các bộ, ngành, địa phương hoàn thành việc phê duyệt vị trí việc làm viên chức, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp; tiếp tục thực hiện việc giảm biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách Nhà nước trên cơ sở vị trí việc làm, đạt mục tiêu đề ra, có tính đến đặc thù của ngành giáo dục và đào tạo, y tế.

Đoàn giám sát cũng đề nghị trong năm 2025, chuyển dần các bệnh viện thuộc các bộ, cơ quan nhà nước ở Trung ương về địa phương quản lý (trừ các bệnh viện thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và một số ít bệnh viện chuyên khoa đầu ngành, bệnh viện của các trường đại học).

Các trung tâm y tế đa chức năng cấp huyện chuyển dần về UBND cấp huyện quản lý; triển khai đề án sắp xếp lại các đơn vị làm nhiệm vụ kiểm nghiệm, kiểm định, kiểm chuẩn thành đơn vị kiểm soát dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm và trang thiết bị y tế.

Nhiều địa phương ủng hộ tinh giản biên chế chức danh kế toán, y tế học đường

Việc sắp xếp, cơ cấu lại và tinh giản biên chế đối với các chức danh kế toán, y tế học đường tại các trường mầm non, phổ thông và các chức danh lái xe, bảo vệ, nhân viên phục vụ trong các đơn vị sự nghiệp công lập được nhiều địa phương chỉ đạo thực hiện nghiêm túc.

Đáng chú ý có địa phương 3 trường có 1 kế toán; dịch vụ y tế thuê trực tiếp tại các phường, xã trên địa bàn (Long An); cắt giảm tối đa chức danh lái xe, bảo vệ, nhân viên phục vụ.

“Qua khảo sát, nhiều địa phương ủng hộ việc tinh giản biên chế đối với các chức danh kế toán, y tế học đường. Có địa phương lại xác định việc tinh giản biên chế gây khó khăn, bất cập trong công tác quản lý và y tế học đường, đặc biệt là ở các thành phố lớn, nơi tập trung đông dân cư, phát sinh nhiều dịch bệnh”, theo báo cáo giám sát. 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Tìm kiếm

Tìm kiếm