Săn đào xuyên biên giới
Những tay buôn đào khét tiếng đất Bắc sẵn sàng đi hàng trăm cây số, ăn đường ngủ bụi để có được cành đào "khủng" phục vụ khách chịu chơi. Cành đào càng "độc" thì càng có giá.
Đào được người dân trồng trên nương, sau vài năm đã bán được tiền triệu/cây - Ảnh: VŨ TUẤN
Chiều tối, đoạn dốc ngoằn ngoèo leo qua những đồi xoài ở xã Chiềng Tương (Yên Châu, Sơn La) nhộn nhịp tiếng xe máy.
Từng tốp, từng tốp nối đuôi nhau từ phía biên giới Việt - Lào hướng về xã Lóng Phiêng, ra quốc lộ 6. Đang mùa "săn đào" nên đây là một trong những con đường "đào rừng" nhộn nhịp nhất Tây Bắc.
Mùa săn đào biên giới
Sồng A Tùng, ở xã Đông Sang (Mộc Châu), dựa chiếc xe cà tàng với cành đào to tướng vào bờ rào rồi hớt hải chạy xuống dốc đỡ xe cho bạn. Chiếc xe máy leo dốc chổng cả bánh trước lên vì đèo tới bốn cành đào lớn.
A Tùng, A Dê và một người nữa, người giữ chiếc xe khỏi bổ ngửa, người hò nhau đẩy lên dốc. Sương đêm Tây Bắc lạnh như cắt thịt, nhưng cái mũ len của "phu đào" ướt đầm mồ hôi. "Lên đi! Hết dốc này ra đường nhựa rồi!", A Tùng hô to.
Dọc tỉnh lộ 103 từ xã Phiêng Khoài ra đến quốc lộ 6 như một cái chợ bán đào rừng dài cả chục cây số.
Đây là đoạn đường đầu tiên mà những người mua đào từ bên Lào về bán cho dân buôn ở dưới xuôi. Mỗi ngày có bốn, năm chuyến xe tải 7 tấn chở đào từ đây về xuôi. Dân buôn Hải Phòng, Hưng Yên thuê nhà trọ ở hẳn khu vực này để "bắt" đào.
Vì Văn Tám, ở xã Lóng Phiêng (Yên Châu, Sơn La), là dân "bắt" đào chuyên nghiệp cho các tay buôn Hải Phòng. Tám cho hay năm nay giá đào nhỉnh cao hơn mọi năm.
Những cành đào già, nhiều nụ mới nhú có giá đến hơn chục triệu đồng. Người dân đi săn đào nếu may mắn kiếm được cành đào đẹp thì ngày công lao động cũng được vài triệu đồng.
Theo Vì Văn Tám, khu vực Vân Hồ (Mộc Châu) bán cành đào từ rẻ đến vài triệu đồng. Còn đào "độc", đẹp hơn nữa thì ở vùng Co Mạ (huyện Thuận Châu) và Tủa Chùa (Điện Biên).
Sang cả Lào tìm đào đẹp
Giàng A Nhân, ở xã Vân Hồ (huyện Vân Hồ, Sơn La), có hơn 200 gốc đào trồng trên nương, năm nào cũng bán được hơn chục triệu đồng, nhưng anh vẫn đi "bắt" đào ở xa để bán được giá hơn.
"Đào ở nhà bán rẻ, để vợ con bán thôi, còn mình chịu khổ được, đi xa lấy đào đẹp mới có tiền", A Nhân nói.
Cứ vào mùa, A Nhân và anh em trong bản chạy xe máy đi khắp nơi săn cành đào. Người vào Tà Xùa (Bắc Yên), người lên Co Mạ (Thuận Châu), người đi theo quốc lộ 6 cũ ngược lên tận Tủa Chùa (Điện Biên), số khác kéo nhau sang Lào.
"Bên đó mình có anh em, nó có nhiều nương, cũng trồng đào. Cành to mang được về, bán mỗi cành đổi được một con lợn ăn Tết", A Nhân chia sẻ.
Với Sồng A Tùng, ở xã Đông Sang (Mộc Châu), kể việc sang Lào săn đào: "Mang được cành đào này mất ba ngày đấy! Đi 150km, để xe bên đường rồi đi bộ mấy tiếng mới tới nương".
Sồng A Tùng kiếm được tiền triệu sau mỗi chuyến đi “săn” đào - Ảnh: VŨ TUẤN
Vượt núi tìm đào "khủng"
Anh Lò Văn Bảy, tay "săn" đào ở Tông Lệnh (Thuận Châu, Sơn La), đã đi "tiền trạm" trước Tết hai tháng. Anh chỉ "săn" những cành đào đẹp, giá từ hơn chục triệu đồng trở lên ở Lào Cai, Lai Châu và sang cao nguyên Tủa Chùa của Điện Biên rồi vùng Mường La, Mộc Châu của Sơn La. Vùng nào, nương nào có thể có đào đẹp anh nắm như lòng bàn tay.
Anh Bảy chạy xe máy hơn trăm cây số lên Xín Cái (Tủa Chùa, Điện Biên), theo dân bản vượt núi vào tận những nương ngô xa tít tắp.
Phải vào những chỗ khó đi, dân "săn" đào ít để ý, rồi nhờ mối quen giới thiệu. Nhưng theo anh Bảy, dân Xín Cái nhiều năm bán đào cũng "tỉnh" ra nhiều, họ không còn bán rẻ như trước.
Ngắm được chừng sáu, bảy cành, anh Bảy đặt tiền, không chặt ngay mà xin một vài nhánh nhỏ mang về. Anh Bảy sẽ cắm vào nước để ước lượng cắt cành vào thời điểm nào, tưới nước khi nào để có hoa nở đúng dịp Tết.
Theo anh Bảy về đến Tuần Giáo (Điện Biên), anh tranh thủ dạo quanh chợ đào ven đường, chọn được một cây đào lớn, tán choán hết một góc sân, địa y bám kín thân cây.
Anh Bảy xem kỹ từng kẽ rồi quyết định "xuống tiền" với giá 13 triệu đồng. Bên bán vui vẻ "lại quả" 1 triệu đồng để anh thuê xe tải chở về.
Chiếc xe tải nhỏ chở cành đào lắc lư trên thùng, qua đèo Pha Đin thì một chiếc xe tải khác vượt lên chặn đường.
Lái xe nhảy xuống trả giá ngay, đòi mua lại cành đào. Anh Bảy nói chơi: "Tôi vừa mua 22 triệu, để chơi thôi chứ không bán". Người lái xe tải lôi trong ca bin ra một xấp tiền: "Tôi trả anh 24 triệu. Đây là toàn bộ tiền hàng chuyến này của tôi, chỉ còn 1 triệu đổ dầu, ăn dọc đường...".
Bảy dự tính cành đào này chở về đến Sơn La có giá không dưới 20 triệu, đợi vài hôm nữa nụ hoa nhú ra khỏi vỏ thì giá trị sẽ tăng lên dăm, bảy triệu là chuyện bình thường. Thế nhưng, thấy khách nhiệt tình, anh Bảy bán lại giá 22 triệu đồng. Hai bên đều vui vẻ.
"Cành đào cũng như cây cảnh ấy, nếu gặp khách vừa mắt thì sẵn sàng trả giá rất cao. Tôi từng bán cành đào hơn 80 triệu.
Người mua mang về Hải Phòng, hôm sau bán được 120 triệu đồng. Khách chịu chơi nhất tập trung ở Hải Phòng, nhất là các đại gia đi tàu viễn dương. Họ đi mấy năm mới về, nhớ Tết, nhớ quê, sẵn sàng chịu chi để có cành đào ưng ý", anh Lò Văn Bảy lý giải.
Nhiều loại đào miền sơn cước
Theo anh Lò Văn Bảy và nhiều thợ buôn đào, đào trồng ở núi cao, nơi có nhiều sương mù, khí hậu ẩm lạnh sẽ có nhiều rêu, địa y.
Tuy nhiên, dân "săn" đào chuyên nghiệp phân biệt được rất nhiều loại đào Tây Bắc. Loại đào lai để lấy quả trồng nhiều ở vùng Mộc Châu, Vân Hồ mà người dân quen gọi là đào Pháp có hoa ít cánh, màu nhạt.
Đào trên núi lại có đào thóc (cành nhỏ), đào tay vươn, tay rụt... Giá trị nhất là đào đá. Loại này sống ở vùng nhiều đá như Hà Giang, Tủa Chùa, Mường La... có hoa đậm màu, cánh dày và rất lâu tàn. Tuy nhiên, đào đá ở Hà Giang lại thường nở sau Tết nên dân buôn đào ít về vùng này.
Mấy năm gần đây, những cây đào đá ở Tủa Chùa được ưa chuộng hơn cả. Dân săn đào khắp nơi đổ về, đào lên giá, bà con đã trồng đào. Đào trồng ba năm bắt đầu có hoa, nhưng muốn có những cành đào trên chục triệu phải đợi hơn mười năm.