A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lạng Sơn tổ chức tập huấn về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo

Ngày 1/8, Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương (TCDTW) Nguyễn Hồng Điệp đã có buổi tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác tiếp công dân (TCD), giải quyết khiếu nại, tố cáo (KN,TC) tại Lạng Sơn.

Article thumbnail
Toàn cảnh Hội nghị Bồi dưỡng công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2024 do tỉnh Lạng Sơn tổ chức. Ảnh: TH

Phát biểu khai mạc tại hội nghị, Chánh Thanh tra tỉnh Lạng Sơn Đậu Trường An cho biết, hội nghị được tổ chức quy mô, bài bản, nghiêm túc với tổng cộng 800 người. Đối tượng tham dự tập huấn lần này là lãnh đạo sở, ngành, cán bộ, công chức làm nhiệm vụ TCD, xử lý đơn thư, giải quyết KNTC cấp sở, ngành, cấp huyện, lãnh đạo thành phố, huyện, lãnh đạo cấp xã và người làm nhiệm vụ TCD cấp xã.

Chánh Thanh tra tỉnh lưu ý cán bộ, công chức tham dự hội nghị với tinh thần nghiêm túc, cầu thị, ghi chép đầy đủ để có thêm thông tin, kinh nghiệm, kỹ năng để phục vụ tốt hơn, hiệu quả hơn trong công tác.

 Trưởng ban TCDTW Nguyễn Hồng Điệp trao đổi, chia sẻ tại hội nghị. Ảnh: TH

Trưởng ban TCDTW Nguyễn Hồng Điệp cho biết, triển khai thực hiện Nghị quyết 623/NQ-UBTVQH15, Kế hoạch 633/KH-TTCP và thực hiện chỉ đạo của Tổng Thanh tra về công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và bồi dưỡng, tập huấn đối với đội ngũ cán bộ làm công tác TCD, giải quyết KNTC, đề nghị các cán bộ tham dự trao đổi nhiều, đặt câu hỏi nhiều về các tình huống trong thực tế từ công tác TCD, xử lý đơn, giải quyết KNTC tại địa phương.

“Điều quan trọng chính là tinh thần vì dân, không ngại dân, không né dân, xem việc của người dân như việc của mình; cần lắng nghe, chia sẻ, kiên nhẫn, kiên trì và đặc biệt cần bình tĩnh và có kỹ năng khi tiếp công dân, các đoàn công dân đông người khiếu kiện với thái độ gay gắt, bức xúc. Những lúc như thế này, nếu mình không có kỹ năng, tỏ ra khó chịu hoặc cùng lên giọng hay gay gắt lại người với dân thì sẽ "già néo đứt dây", tình hình sẽ thêm căng thẳng, phức tạp và người dân họ sẽ không phối hợp với cán bộ tiếp dân, thậm chí sẽ có lời lẽ, thái độ căng thẳng” - Trưởng ban nói.

Lý giải về việc vì sao phải tiếp dân, Trưởng ban TCDTW cho rằng, TCD không phải là do được giao, bị giao mà tiếp dân để thực hiện công tác quản lý nhà nước của thủ trưởng cơ quan hành chính, tiếp dân để lắng nghe để tiếp thu, điều chỉnh chính sách, hành vi của cán bộ, công chức, người thực hiện nhiệm vụ công vụ nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; tiếp dân để tuyên truyền, vận động chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước…

Về nội dung và thẩm quyền khi TCD, xử lý đơn, Trưởng ban TCDTW nhấn mạnh, cán bộ cần nắm được nội dung người dân trình bày là khiếu, hay tố, hay kiến nghị, phản ánh, xong bước này, mới xử lý đúng và chính xác được.

Trưởng ban TCDTW cũng hướng dẫn thêm về cách thức, kỹ năng xử lý đơn, liên quan đến thời hạn xử lý đơn; đặc biệt là xử lý đơn thư liên quan đến công tác cán bộ, nhân sự đại hội Đảng các cấp và ứng viên bầu cử HĐND và đại biểu Quốc hội; đồng thời sử dụng và nhập liệu và Cơ sở Dữ liệu quốc gia về TCD, giải quyết KNTC sẽ góp phần giải quyết được tình trạng hướng dẫn, chuyển đơn sai thẩm quyền và chuyển đơn lòng vòng.

Tại hội nghị, Trưởng ban TCDTW quán triệt trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan hành chính trong thực hiện công tác TCD, giải quyết KNTC, các vấn đề cần lưu ý theo quy định của pháp luật, nhấn mạnh việc tiếp dân, đối thoại với dân khi giải quyết. Đặc biệt là tham mưu cho Chủ tịch tỉnh, chủ tịch cấp huyện tiếp dân định kỳ, nên lựa chọn việc khó nhất, đông nhất, phức tạp, “xương nhất” để chủ tịch tiếp gắn với giải quyết cho người dân, không nên hình thức, đánh bóng với việc tiếp những vụ việc dễ, có đầu ra. Chủ tịch tiếp dân xong phải có thông báo kết luận và kiểm tra việc thực hiện kết luận tiếp dân của chủ tịch.

 Chánh Thanh tra Lạng Sơn Đậu Trường An phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TH

Đồng thời trao đổi, chia sẻ các kinh nghiệm xử lý các vụ việc đông người, có tính chất, phức tạp và những vấn đề cần lưu ý trong thực hiện rà soát, xử lý các vụ việc KNTC đông người, phức tạp, kéo dài theo Quyết định số 1489/QĐ-TTg ngày 27/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 363/KH-TTCP ngày 20/3/2019 của Thanh tra Chính phủ.

Riêng về kinh nghiệm xử lý các vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài và các vấn đề về kiểm tra, rà soát nhóm vụ việc này, Trưởng ban TCDTW Nguyễn Hồng Điệp cho biết, vừa qua, Ban TCDTW là đơn vị “chủ công” tham mưu cho Tổng Thanh tra thực hiện Quyết định 1849/QĐ-TTg về giải quyết một số vụ việc KNTC đông người, phức tạp, kéo dài do Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ làm Tổ trưởng.

Cùng với đó, Ban TCDTW được Tổng Thanh tra giao xây dựng kế hoạch của Thanh tra Chính phủ như: Các kế hoạch phục vụ đại hội Đảng, Kế hoạch 363/KH-TTCP, Kế hoạch 1910/KH-TTCP để rà soát... và thực hiện hướng dẫn, đôn đốc kiểm tra các địa phương trong việc thực hiện các kế hoạch này.

Sau rất nhiều kế hoạch rà soát từ trước đến nay, từ Kế hoạch 319/KH-TTCP ngày 20/02/2009, 1130/KH-TTCP ngày 10/5/2012, 2100/KH-TTCP ngày 19/9/2013, với Kế hoạch 363 đã có được kết quả cụ thể về quá trình tổ chức rà soát, kết quả rà soát, các vụ việc có thể chấm dứt; giai đoạn vừa qua, tổng hợp kết quả rà soát của Trung ương và địa phương, lần đầu tiên đã có gói dữ liệu 1.003 vụ việc được rà soát với kết quả cụ thể, chi tiết 5 rõ: “Rõ người”, “rõ nội dung”, rõ quá trình giải quyết, rà soát”, “rõ đối thoại”, “rõ kết quả”.

Kết quả 1.003 vụ việc đã được Thanh tra Chính phủ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đã được ghi nhận và đánh giá cao; kết quả này cũng đã được nhập vào Cơ sở Dữ liệu quốc gia để quản lý và bộ, ngành, địa phương khai thác, sử dụng phục vụ cho công tác TCD, xử lý đơn thư, giải quyết KNTC của mình.

Một nét mới nữa, với kết quả rà soát của Kế hoạch 363 cùng với các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ được xem như “cẩm nang” về rà soát các vụ việc KNTC đông người, phức tạp, kéo dài, với đủ quy trình các bước thực hiện, cách để chấm dứt vụ việc để các địa phương chủ động lập danh sách thực hiện rà soát, thường xuyên, liên tục...

Dành thời gian trả lời nhiều câu hỏi, các tình huống do cán bộ tham dự buổi tập huấn nêu ra trong công tác tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết KNTC, đặc biệt là tình huống phát sinh khi tiếp đoàn đông người, khi công dân vi phạm nội quy, quy chế trụ sở TCD, về kỹ năng xử lý đơn nói chung và thời hạn trong xử lý đơn, các thức, thủ tục kết thúc vụ việc KNTC phức tạp, kéo dài khi thực hiện kiểm tra, rà soát theo Kế hoạch 363/KH-TTCP... Trưởng ban TCDTW lưu ý, điều quan trọng là người giải quyết KNTC phải giải quyết hết nội dung, hết vụ việc thay vì đơn thuần giải quyết cho hết thẩm quyền; việc sử dụng, nhập liệu vào Cơ sở Dữ liệu quốc gia về TCD, giải quyết KNTC ở 3 cấp theo Nghị định 55/2022/NĐ-CP, Nghị quyết 623, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Tìm kiếm

Tìm kiếm