Kinh tế Trung Quốc giảm tốc sẽ tác động thế nào tới kinh tế toàn cầu?
Đà giảm tốc kéo dài của nền kinh tế Trung Quốc có thể gây tổn thương cho một số công ty đa quốc gia và các nhà sản xuất hàng hóa trong nhiều năm tới, đồng thời gây áp lực lên sự hồi phục của nền kinh tế toàn cầu. Tuy vậy, các chuyên gia cho rằng nó khó có thể hủy hoại hoàn toàn đà hồi phục.
Kinh tế Trung Quốc giảm tốc sẽ tác động thế nào tới kinh tế toàn cầu?
Đà giảm tốc kéo dài của nền kinh tế Trung Quốc có thể gây tổn thương cho một số công ty đa quốc gia và các nhà sản xuất hàng hóa trong nhiều năm tới, đồng thời gây áp lực lên sự hồi phục của nền kinh tế toàn cầu. Tuy vậy, các chuyên gia cho rằng nó khó có thể hủy hoại hoàn toàn đà hồi phục.
Sự chững lại của nền kinh tế Trung Quốc – vốn chiếm 15% thương mại toàn cầu – đang gây áp lực lên giá hàng hóa, như quặng sắt, đồng thời gây khó dễ cho một số công ty đa quốc gia tại Trung Quốc.
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế vẫn nhận thấy một điểm sáng hiếm hoi từ đà giảm tốc này có thể là khả năng suy giảm áp lực lạm phát toàn cầu.
Sau giai đoạn dẫn dắt đà hồi phục của kinh tế thế giới vào cuối năm 2020 và đầu năm 2021, kinh tế Trung Quốc đã giảm tốc đáng kể trong thời gian gần đây. Trung Quốc đã đưa ra các biện pháp để hạ nhiệt thị trường bất động sản, qua đó kìm hãm hoạt động của lĩnh vực này. Bên cạnh đó, các nhà sản xuất bị tác động bởi tình trạng thiếu điện tạm thời, do các nỗ lực giảm bớt ô nhiễm của Chính phủ. Tăng trưởng chi tiêu tiêu dùng tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng yếu ớt vì các chính sách “triệt tiêu Covid” và tăng trưởng thu nhập ảm đạm.
Tỷ trọng đóng góp của Trung Quốc vào GDP toàn cầu |
Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nền kinh tế lớn thứ hai thế giới giờ được kỳ vọng tăng trưởng 4.8% trong năm 2022 và 5.2% trong năm 2023, thấp hơn rất nhiều so với mức 8% của giai đoạn 2014-2019.
Tuy vậy, đà giảm tốc của Trung Quốc gần đây đã được bù đắp bởi mức tăng trưởng mạnh hơn trung bình tại Mỹ. Ở Mỹ, các biện pháp kích thích và chi tiêu tiêu dùng mạnh mẽ đã thúc đẩy cho đà tăng trưởng ở nước này.
Theo IMF, tăng trưởng kinh tế toàn cầu được dự báo giảm từ 5.9% (năm 2021) xuống 4.4% trong năm 2022, một phần là do Mỹ rút lại các gói kích thích và sự suy yếu của Trung Quốc. Tuy nhiên, tăng trưởng toàn cầu vẫn có thể cao hơn so với những năm trước khi dịch bệnh ập tới.
Louis Kuijs, cựu Chuyên gia kinh tế châu Á tại Oxford Economics, cho biết một trong những tác động lớn nhất từ đà giảm tốc của Trung Quốc sẽ thể hiện ở các quốc gia sản xuất hàng hóa, nhất là các thị trường mới nổi, vì họ phụ thuộc vào nhu cầu từ Trung Quốc.
Giá quặng sắt – nguyên liệu thô để sản xuất thép – đã giảm hơn 50% kể từ giữa tháng 7/2021 do nhu cầu từ Trung Quốc giảm mạnh. Được biết, Trung Quốc sản xuất hơn 50% lượng thép trên thế giới và nhập khẩu quặng sắt chủ yếu từ Australia và Brazil.
Về phần Mỹ, tác động từ đà giảm tốc của Trung Quốc có thể không quá lớn, Mark Williams, Chuyên gia kinh tế trưởng tại Capital Economics, cho hay. Tuy nhiên, điều này có nghĩa doanh thu của các doanh nghiệp Mỹ từ thị trường Trung Quốc sẽ suy giảm.
Các giám đốc từ Procter & Gamble cho biết doanh số từ Trung Quốc gần như đi ngang trong quý 4/2021, sau khi tăng trưởng mạnh trong 4-5 năm qua.
Tod Carpenter, Giám đốc điều hành tại Donaldson có trụ sở ở Minneapolis, cho biết trong cuộc họp gần đây, Công ty nhận thấy nhu cầu từ Trung Quốc đang khá yếu.
Châu Âu cũng cảm nhận rõ tác động từ đà giảm tốc của Trung Quốc. Volkswagen AG của Đức cho biết doanh số tại Trung Quốc – thị trường lớn nhất của họ - đã giảm 37% trong quý 4/2021, trong khi doanh số tại Bắc Mỹ vẫn còn khả quan.
Nền kinh tế Đức đã giảm tốc mạnh trong quý 4/2021 và các chuyên gia kinh tế cho rằng một phần nguyên do đến từ sự suy yếu của Trung Quốc – đối tác thương mại lớn nhất của Đức.
Một tác động khác từ đà giảm tốc của Trung Quốc được thể hiện qua ngành du lịch. Trong năm 2021, chỉ 25 triệu du khách Trung Quốc đi nước ngoài, giảm 83% so với năm 2019.
Ngân hàng Thế giới (WB) kỳ vọng kinh tế Thái Lan tăng trưởng 1% trong năm 2021, một phần vì vắng khách du lịch. Trong năm 2019, du khách Trung Quốc đóng góp hơn 27% lợi nhuận ngành du lịch Thái Lan.
Trong khi đó, đà giảm tốc của Trung Quốc cũng có thể là yếu tố kéo giảm lạm phát, theo các chuyên viên phân tích. Nếu nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng quá nhiệt, điều này sẽ càng gây áp lực lên chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đang không thể đáp ứng hết nhu cầu từ phương Tây về chất bán dẫn và các hàng hóa khác, qua đó càng thúc đẩy giá hàng hóa tăng cao hơn.
“Đà giảm tốc của Trung Quốc có thể làm thuyên giảm áp lực lạm phát", Frederic Neumann, Trưởng bộ phận kinh tế châu Á tại HSBC, cho hay.
Tuy vậy, trong trường hợp, dịch Covid-19 lan rộng mạnh hơn ở Trung Quốc và khiến nhiều thành phố bị phong tỏa, điều này sẽ thúc đẩy giá xuất khẩu hàng hóa Trung Quốc. Nếu giá hàng hóa xuất khẩu từ Trung Quốc tăng 10% vì vấn đề nguồn cung, tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể giảm 0.7 điểm phần trăm, theo dự báo từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
Ngoài ra, cũng có rủi ro kinh tế Trung Quốc có thể giảm tốc mạnh hơn dự báo, nhất là nếu như thị trường bất động sản lao dốc mạnh hơn và nhà đầu tư mất niềm tin vào thị trường tài chính Trung Quốc.
“Nhà đầu tư toàn cầu đôi khi hoảng loạn về đà giảm tốc của Trung Quốc”, ông Williams cho biết. Trong năm 2015, nỗi sợ về tình trạng giảm tốc mạnh của kinh tế Trung Quốc đã châm ngòi cho làn sóng bán tháo trên thị trường cổ phiếu Mỹ.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này cho rằng tác động từ đà giảm tốc của Trung Quốc sẽ không kéo dài.
Vũ Hạo (Theo WSJ)