Hôm nay, 5 cựu tướng lĩnh Cảnh sát biển hầu tòa
Ông Nguyễn Văn Sơn (cựu Trung tướng) cùng loạt cựu lãnh đạo Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển hầu tòa về tội tham ô tài sản, đối mặt khung hình phạt có mức án cao nhất đến tử hình.
Vụ án từ đơn tố cáo
Hôm nay (27/6), Tòa án quân sự Thủ đô tái mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án “Tham ô tài sản” xảy ra tại Bộ tư lệnh Cảnh sát biển, Bộ Quốc phòng. Trước đó, tòa ấn định ngày 31/5 xét xử, song phải tạm hoãn do bị cáo Bùi Văn Hòe (cựu Thượng tá, cựu Phó phòng Tài chính) đã mời thêm hai luật sư bào chữa cho mình, hai luật sư đề nghị được hoãn phiên tòa để có thời gian nghiên cứu hồ sơ.
Phiên tòa hôm nay do đại tá Phạm Minh Khôi (thẩm phán) làm chủ tọa phiên tòa). Giữ quyền công tố là hai sĩ quan thuộc Viện kiểm sát quân sự Bộ đội Biên phòng. Có gần 10 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo tại phiên tòa này.
7 bị cáo, gồm: Nguyễn Văn Sơn (cựu Trung tướng, cựu Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển); Hoàng Văn Đồng (cựu Trung tướng, cựu Chính ủy Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển); Doãn Bảo Quyết (cựu Thiếu tướng, cựu Phó chính ủy kiêm Chủ nhiệm chính trị Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển); Phạm Kim Hậu (cựu Thiếu tướng, cựu Phó tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển); Bùi Trung Dũng (cựu Thiếu tướng, cựu Phó tư lệnh Cảnh sát biển); Nguyễn Văn Hưng (cựu đại tá, cựu Cục trưởng Cục Kỹ thuật, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển) và Bùi Văn Hòe (cựu thượng tá, cựu Phó trưởng phòng Tài chính thuộc Cục kỹ thuật, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển). Các bị cáo đều bị truy tố theo khoản 4 điều 353 BLHS 2015, với khung hình phạt cao nhất là tử hình.
Vụ án xuất phát từ việc tháng 6/2020, khi bị cáo Phạm Kim Hậu làm đơn gửi cơ quan chức năng, kèm theo 2 file ghi âm phản ánh hành vi tiêu cực, tham nhũng của bản thân và một số cá nhân là thủ trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển liên quan đến công tác mua sắm vật tư, trang thiết bị cho cảnh sát biển năm 2019.
Trên cơ sở đó, các đoàn kiểm tra của Bộ Quốc phòng, Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương và Đoàn kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã tiến hành kiểm tra về các sai phạm . Quá trình làm việc với đoàn kiểm tra, các cá nhân đã báo cáo rõ về hành vi sai phạm.
Vụ án sau đó được cơ quan tố tụng thuộc Bộ Quốc phòng khởi tố, điều tra.
Rút ruột 50 tỷ là việc thủ trưởng giao, phải hoàn thành
Theo cáo trạng, tháng 2/2019, Bộ Quốc phòng giao Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển dự toán ngân sách nhà nước chi cho quản lý hành chính tổng số tiền 450 tỷ đồng.
Ngày 8/3/2019, tại phiên họp của Thường vụ Đảng ủy Cảnh sát biển mở rộng đã quyết nghị phân bổ cho Cục Kỹ thuật 150,1 tỷ đồng để tổ chức mua sắm tập trung vật tư, thiết bị cung cấp cho các đơn vị.
Cáo trạng cho rằng, bị cáo Sơn đã gặp và yêu cầu Nguyễn Văn Hưng, phải rút 50 tỷ đồng chuyển lại cho Bộ Tư lệnh sử dụng. Đáp lại, Hưng báo cáo với Sơn là “Cục Kỹ thuật chưa bao giờ thực hiện việc này, rút ra 50 tỷ đồng là rất lớn, phải thống nhất trong thủ trưởng Bộ Tư lệnh thì Cục Kỹ thuật mới thực hiện”.
Để tạo điều kiện cho Nguyễn Văn Hưng, Sơn chỉ đạo Bùi Văn Hòe, cắt toàn bộ nguồn kinh phí bảo quản, sửa chữa trang bị của 4 Vùng Cảnh sát biển và phân bổ thêm 29 tỷ đồng cho Cục Kỹ thuật.
Trong vụ án, Bộ tư lệnh Cảnh sát biển được xác định tư cách tố tụng là bị hại; khoảng 20 cá nhân được tòa án triệu tập với vai trò người làm chứng.
Đến đầu tháng 4/2019, tại phòng ăn của thủ trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Sơn đã chủ động trao đổi với nhóm tướng lĩnh Hoàng Văn Đồng; Doãn Bảo Quyết; Phạm Kim Hậu và Bùi Trung Dũng, về việc chỉ đạo Hưng rút 50 tỷ đồng thì tất cả đồng ý.
Sau buổi trao đổi, bị cáo Sơn ký quyết định giao dự toán ngân sách cho Cục Kỹ thuật 179,1 tỷ đồng; tiếp tục yêu cầu Nguyễn Văn Hưng rút lại 50 tỷ chuyển cho Bộ Tư lệnh.
Cáo trạng quy kết bị cáo Hưng đã chấp hành chỉ đạo của ông Sơn, đồng thời, chỉ đạo các trưởng phòng của Cục Kỹ thuật thực hiện. Song các trưởng phòng đều báo cáo với Hưng là “khó thực hiện” nhưng Hưng tiếp tục yêu cầu họ phải xác định “việc rút lại 50 tỷ đồng là nhiệm vụ thủ trưởng giao và phải hoàn thành”.
Theo cơ quan truy tố, căn cứ chỉ đạo của Hưng, các trưởng phòng đã phân chia nguồn ngân sách được giao thành 29 gói thầu để thuộc thẩm quyền Tư lệnh Cảnh sát biển phê duyệt, không phải báo cáo Bộ Quốc phòng. Đồng thời, liên hệ với các nhà thầu thực hiện các bước theo quy định về đấu thầu hạn chế đối với 21 gói thầu, chào hàng cạnh tranh thông thường với 4 gói thầu, chỉ định thầu với 3 gói thầu và mua sắm trực tiếp 1 gói thầu.
Tiếp đó, các trưởng phòng chủ động đặt vấn đề với các nhà thầu nâng giá vật tư, thiết bị đối với 24 gói thầu nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho đơn vị có nguồn quỹ vốn sử dụng vào mục đích phúc lợi.
Về phía các doanh nghiệp, để được tham gia dự thầu và trúng thầu, đã đồng ý theo đề nghị và cùng nhóm trưởng phòng thống nhất nâng giá vật tư, thiết bị hoặc trích lại lợi nhuận từ giai đoạn khảo sát xây dựng giá gói thầu.
Phía Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển cũng thành lập Hội đồng mua sắm, giúp việc cho Hội đồng là các Tổ khảo sát giá, Tổ chuyên gia, Tổ thẩm định và Tổ nghiệm thu.
Chủng loại vật tư, thiết bị cần mua cơ bản đều là mặt hàng có tính năng kỹ thuật đặc thù, ít có trên thị trường. Việc thẩm định giá vật tư, thiết bị chỉ dựa trên các báo giá thiếu căn cứ để xây dựng giá gói thầu, ký hợp đồng với nhà thầu.
Các bị cáo Nguyễn Văn Hưng và Bùi Văn Hòe được xác định tham mưu, đề xuất cho cựu Tư lệnh Nguyễn Văn Sơn ký 29 hợp đồng với 21 doanh nghiệp, trong đó có 24 hợp đồng do 16 doanh nghiệp thực hiện liên quan đến việc rút lại 50 tỷ đồng.
Khi thực hiện hợp đồng các doanh nghiệp đã cùng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển nghiệm thu, bàn giao vật tư, thiết bị theo số lượng, chủng loại của hợp đồng về Kho tổng hợp để cấp cho các đơn vị và được chuyển tiền thanh toán dứt điểm.
Đáp lại, từ đầu tháng 12/2019 - 1/2020, các nhà thầu chuyển lại trực tiếp bằng tiền mặt cho các trưởng phòng, sau đó, nhóm cán bộ này giao 50 tỷ đồng cho Hưng chuyển đến Nguyễn Văn Sơn.
Nhận đủ tiền, Sơn đã chia cho mình và các tướng: Hoàng Văn Đồng, Phạm Kim Hậu, Doãn Bảo Quyết, Bùi Trung Dũng, mỗi người 10 tỷ đồng